Hy hữu nhà băng xiết nợ cả... lăng mộ
Có lẽ, nói đến các chiêu trò đòi nợ của nhà băng đối với các khách hàng, ai cũng biết đến vụ siết nợ "vô tiền khoáng hậu" ở quận Kiến An (Hải Phòng). Mới đây, ông Vũ Hồng Khánh nhận được thông báo của chi nhánh ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) Lê Chân - Hải Phòng. Theo hợp đồng tín dụng ngày 12/9/2012, ông Vũ Đức Hòa - giám đốc DNTN Hoàng Đại, con trai ông Khánh - hiện đang nợ chi nhánh Vietinbank Lê Chân hơn 1,008 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 990 triệu đồng và nợ lãi hơn 18,85 triệu đồng. Điều khiến nhiều người cảm thấy ngạc nhiên, tài sản mà cậu quý tử của đại gia Khánh thế chấp ngân hàng chính là khu lăng mộ rộng hơn 350m2 của gia đình.
Nhiều cán bộ ngân hàng ngày đêm "ăn vạ" vẫn không đòi được nợ.
Ngân hàng Vietinbank cho biết, mặc dù đã cam kết thanh toán hết 3 tháng lãi vào ngày 25/2/2013 nhưng ông Hòa không thực hiện. Đến ngày 10/4/2013 là hạn cuối cùng để trả nợ, nhưng ông Hòa đã "biến mất" không rõ lý do. Do đó, ngân hàng đã khởi kiện doanh nghiệp này để tiến hành thủ tục xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi khoản nợ xấu. Thật trớ trêu khi số tài sản mà ngân hàng thu hồi đó lại chính là khu đất xây lăng mộ của gia đình ông Khánh.
Theo lời than vãn của vị đại gia đất Cảng này, để xây dựng khu lăng mộ làm nơi an nghỉ cuối cùng của mình và vợ, ông Khánh đã kỳ công vào Thanh Hóa để chọn mua đá. Ông Khánh cũng đã làm hợp đồng với một công ty chế tác đá để xây dựng quần thể lăng mộ gồm tượng đài, lăng mộ, hình tượng vườn hoa Babylon. Khuôn viên khu lăng mộ đá có hình dáng đồ sộ, với nhiều công trình độc đáo, cộng chi phí hàng triệu USD ấy lại chính là tài sản thế chấp ngân hàng. Sự việc trên diễn ra khiến người dân cảm thấy bất ngờ. Họ bất ngờ cho người cả gan dám "cầm cố" lăng mộ, nơi an nghỉ của bố mẹ mình và bất ngờ hơn, khi đến đường cùng, ngân hàng lại ra tay xiết nợ... lăng mộ.
Vụ xiết nợ có một không hai của ngân hàng Vietinbank chưa kịp lắng xuống thì ngày 24/4, một khách hàng của ngân hàng Bảo Việt lại "mếu máo" khi bị nhà băng xiết nợ như kiểu "trộm đồ". Ngày 24/4, khi anh Lê Hưng Thịnh (trú tại Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) có việc đi Thái Nguyên đến tối mới về thì chiếc xe Huyndai Avante màu đen của mình không cánh mà bay. Tưởng bị mất cắp, anh Thịnh lên công an phường trình báo vụ việc thì công an cho biết, ngân hàng đã đến lập biên bản thu hồi chiếc xe.
Trước đấy vào tháng 11/2011, anh Thịnh có thế chấp chiếc xe ô tô trị giá 700 triệu đồng để vay 350 triệu đồng của ngân hàng Bảo Việt với thời hạn 3 năm. Hiện tại, anh Thịnh đã trả 100 triệu đồng, số nợ cả gốc lẫn lãi là 284 triệu đồng. Vụ việc này cũng gây tranh cãi khi khổ chủ của chiếc xe cho rằng ngân hàng thu hồi xe mà không thông báo là phạm luật. Phía ngân hàng Bảo Việt cho hay, anh Thịnh đã chậm trả nợ từ tháng 6 năm ngoái tới nay nên khoản vay của khách hàng đã tự động chuyển sang nợ xấu theo quy định trong hợp đồng.
Không ít nhân viên tín dụng phải nhờ xã hội đen đến "làm việc" với các "chúa chổm". Ảnh minh họa.
1001 mánh trốn nợ của các "thượng đế" kiêm "chúa chổm"
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Tuân, giám đốc công ty TNHH Uvip Việt cho rằng, việc sử dụng những "quái chiêu" như dùng xã hội đen, xiết nợ kiểu "trộm đồ"... có thể là do các cá nhân của ngân hàng dùng uy tín của mình để tạo điều kiện cho khách hàng được vay vốn. Nhưng khi khách hàng không trả nợ được thì cá nhân bị ngân hàng ép trách nhiệm thu hồi nếu không muốn bị cách chức, đuổi việc. Do đó, họ sẽ làm đủ mọi cách để đạt được mục đích của mình, thậm chí nhờ đến "bàn tay" của giới giang hồ đi đòi hộ.
Tuy nhiên, những "thượng đế" siêu chây ỳ cũng không phải là những "đối thủ" dễ chơi. Một khi đã có ý định trốn nợ, họ tìm đủ mọi cách để gây khó dễ cho ngân hàng. "Mới đây, ở gần khu vực tôi sinh sống cũng xảy ra vụ siết nợ "cười ra nước mắt". Một nhân viên của ngân hàng Vietcombank có chi nhánh ở huyện Từ Liêm (Hà Nội) đã sững sờ trước màn kịch hoàn hảo của một "con nợ". Sau khi "thượng đế" vay tiền nhưng không trả được, nhân viên này đã tìm đến mảnh đất mà khách đã thế chấp để xiết nợ. Tuy nhiên, họ vừa đến nơi thì thấy một ngôi "mộ tổ" xây bằng gạch mới to chình ình mọc ngay lối vào. Trước đó, khi xác minh tài sản để cho khách hàng này vay vốn, ngân hàng này không hề thấy có ngôi mộ nào cả.
Thậm chí, người nhà của "thượng đế" kia còn "nắn gân" nhân viên ngân hàng rằng, đó là ngôi "mộ tổ" 3 đời rất thiêng. Ai mạo phạm các cụ sẽ "vật" cho đến tán gia bại sản. Mặc dù biết đó là thông tin hoang đường, nhưng nhân viên ngân hàng này cũng không dám mạo phạm. Họ phải xuống nước, dỗ ngon dỗ ngọt để vị khách hàng "chúa chổm" kia sớm gom tiền trả nợ ngân hàng", ông Tuân kể lại.
Độc chiêu của “Chí Phèo”
Cũng theo ông Tuân, một khi đã đến mức nợ xấu thì cũng là lúc con nợ lâm vào cảnh "cùng đường". Chắc chắn họ sẽ tìm đủ mọi cách để lẩn tránh, trốn nợ cho bằng được. Việc khách hàng trốn nợ không chỉ dừng ở dịch vụ chặn cuộc gọi, đổi sim điện thoại, thay đổi nơi cư trú mà đã biến tướng đến trình độ cao như xin giấy chứng nhận tâm thần... Mới đây, việc "né nợ" của công ty cổ phần Sông Đà Đông Đô (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) cũng khiến chủ nợ và nhiều người "ngã ngửa" vì bất ngờ. Được biết, công ty này đã nợ công ty cổ phần xây dựng thương mại Delta Việt Nam số tiền khổng lồ. Sau này, khi bị chủ nợ gửi công văn đòi tiền quá nhiều, ông Giám đốc của công ty Sông Đà Đông Đô "bỗng nhiên mất tích".
Theo những nhân viên của công ty này, ông Giám đốc đang công tác ở khu vực vùng sâu vùng xa ở nước... Lào nên chẳng ai có thể liên lạc bằng điện thoại được. Sau này, quá mệt mỏi với khoản "nợ xấu" và sự chây ỳ của đối tác, chủ nợ đã ủy quyền cho một công ty luật sư. Khi công ty luật gửi công văn thì "con nợ" hết than nghèo kể khổ còn "cả gan" đề nghị công ty luật cho vay tiền để trả nợ. Đứng trước "con nợ" này, cả công ty luật và chủ nợ chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
Mới đây, chị Hoàng Minh Chuyên, nhân viên tín dụng của một ngân hàng thương mại đã chia sẻ với PV về việc bị "khủng bố" khi đi đòi nợ một công ty vật liệu xây dựng trên địa bàn Hà Nội. Sau quá nhiều lần gửi công văn không được, chị Chuyên tìm đến trụ sở công ty để đòi nợ. Nhiều lần đến gõ cửa, trợ lý của Giám đốc công ty đều nói rằng "sếp đang đi du lịch nước ngoài", không biết bao giờ mới về nước. Bức xúc, chị Chuyên cứ ngồi trước cửa công ty để "ăn vạ".
Tuy nhiên, ngày đầu thì mọi chuyện vẫn bình thường, đến ngày thứ hai, chẳng hiểu từ đâu xuất hiện một đám thanh niên tóc xanh, tóc đỏ, xăm trổ đầy người đến "làm quen" và "tâm sự" với chị. Không chịu được "nhiệt", cô nhân viên ngân hàng này đành phải "đánh tháo" và không dám một mình bén mảng đến công ty này nữa. Sau này, chị Chuyên mới biết đó là mánh "đuổi nợ" của khách hàng.
Vương Chân