Anh vô cùng hạnh phúc khi những người lầm đường lạc lối ấy trở thành người có ích trong xã hội. Dù điều kiện công tác còn nhiều thiếu thốn, khó khăn chất chồng nhưng anh và đồng đội của mình chưa bao giờ nản chí...
Gian nan bắt “phạm” vùng cao
Trong chuyến công tác dài ngày tại Tây Bắc, tôi có dịp ghé qua huyện Nậm Nhùn, một huyện miền núi hiểm trở còn nhiều khó khăn của tỉnh Lai Châu. Tại đây, chúng tôi được dịp tìm hiểu cuộc sống của các chiến sỹ công an nhân dân. Tiếp chúng tôi tại trụ sở công an huyện cạnh công trường thuỷ điện Lai Châu bên cạnh dòng sông Đà hùng vĩ, đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó trưởng công an huyện Nậm Nhùn kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm vui buồn trong quá trình công tác, nhất là những lần truy bắt tội phạm.
Nguyễn Tiến Thành quê ở Thái Bình nhưng lại sinh ra ở vùng Tây Bắc. Yêu màu xanh của núi rừng, anh mong ước tương lai sẽ được khoác lên mình bộ quân phục của người chiến sỹ công an nhân dân. Để thực hiện ước mơ ấy, ngoài thời gian trên lớp, thời gian còn lại anh dành cho việc ôn bài. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển chuyên ngành cảnh sát hình sự của trường Trung học cảnh sát nhân dân 1 ở Thanh Xuân, Hà Nội, anh vô cùng mừng rỡ bởi ước mơ bao năm qua của anh đã thành hiện thực.Ra trường, anh được phân công về huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu công tác.
Vùng cao Tây Bắc (minh hoạ).
Những ngày đầu mới lên nhận việc, anh và nhiều đồng đội dưới xuôi lên gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề ngôn ngữ. Anh tâm sự: "Từ bé đến lớn, chỉ biết đến tiếng Kinh và tiếng Nga nhưng từ ngày lên đây, chúng tôi phải học thêm tiếng của đồng bào dân tộc. Những tiếng này chỉ có thể học qua truyền miệng chứ không có trên sách vở. Chỉ một địa bàn nhỏ nhưng có rất nhiều thứ tiếng khác nhau: Thái, Mông, Hà Nhì... Để học tiếng của đồng bào, chúng tôi phải thường xuyên xuống bản tiếp xúc, trò chuyện với người dân. Thậm chí có lúc còn phải ở lại nhà và đi làm cùng đồng bào dân tộc trong nhiều ngày liền để học tiếng. Làm việc ở đây, nếu không biết tiếng, không nói chuyện được với đồng bào thì không thể hoàn thành nhiệm vụ được”.
Nói đến đây, anh Thành tâm sự: "Có những vụ việc vi phạm pháp luật, người em cầm khúc gỗ phang vào đầu người anh khiến người anh bị thương phải khâu 9 mũi, tuy nhiên, dân bản vẫn khăng khăng đòi giải quyết nội bộ. Sau khi cơ sở làm hồ sơ chuyển lên huyện, huyện yêu cầu phải làm nghiêm, đến bản bắt người, dân bản không cho bắt. Chúng tôi phải vận động, giải thích nhiều lần họ mới chịu hiểu và để chúng tôi đưa tội phạm đi. Hay như có vụ giết người ở Nậm Hàng, hai gia đình có nương cạnh nhau nên dựng lán gần nhau để tiện cho việc trông giữ, chăn nuôi gia súc, gia cầm (đồng bào dân tộc thường nuôi gà, lợn ở lán trên nương rẫy-PV).
Hôm ấy, người ở lán bên này phát hiện nhà mình mất con gà, tiếc của mới chửi đổng. Nghe hàng xóm của mình chửi đổng, người bên này động lòng cho rằng người bên kia đang chửi và đổ tội cho mình ăn trộm gà. Cay cú, người này uống rượu, sau khi say liền vác súng kíp sang lán bên cạnh. Kêtë thúc trận đôi co, người này quay ra gí thẳng súng kíp vào trán người mất gà và... bắn. Nhận được tin báo, anh em trong đồn lập tức đến bảo vệ hiện trường và bảo vệ tội phạm bởi lúc này dưới chân núi, họ hàng của người bị hại đã vây kín. Ngay cả khi chúng tôi lên, gia đình bị hại đã trói kẻ gây án vào cột đòi đánh chết vì họ quan niệm giết người phải đền mạng, nhất quyết không cho đưa đi...
Phó trưởng công an huyện Nậm Nhùn Nguyễn Tiến Thành đang trao đổi với PV.
Đường khó xây nhất là đường hoàn lương
Ngoài tiếp xúc và chiến đấu với nhiều đối tượng vi phạm pháp luật, cho đến bây giờ, anh không thể nào quên được những đối tượng ở cơ sở giáo dục bắt buộc.
Ngày ấy, khi đang làm cán bộ ở cơ sở giáo dục, cai nghiện ma tuý bắt buộc đối với trẻ vị thành niên, anh ấn tượng mãi với phạm nhân Lò A Trôi ở Nậm Khao (Lai Châu). Trôi là trộm vặt, trong thời gian bị tạm giam, khi những phạm nhân cùng phòng có ý định bỏ trốn, Trôi liền trình báo với cán bộ. "Khi gặp tôi, biết tôi là cán bộ ở cơ sở giáo dục, Trôi nhờ tôi cho vào cơ sở với hy vọng sẽ cải tạo để trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, hành vi, mức độ vi phạm pháp luật của Trôi vẫn chưa đến mức bị đưa vào cơ sở giáo dục mà chỉ cần giáo dục ở địa phương", anh Thành kể.
Một thời gian ngắn sau, khi anh Thành đi công tác tại Nậm Khao. Vừa nhìn thấy anh, Trôi bỏ luôn cái cưa trong tay, hớn hở chạy vì tưởng... được đi cơ sở giáo dục! Kể đến đây anh Thành bảo: "Đồng bào dân tộc là vậy đó. Sau hai năm đi cơ sở giáo dục, Trôi không trở về quê mà ở lại mảnh đất ấy lập nghiệp. Trôi lấy vợ, sinh con và có một gia đình hạnh phúc nhưng quên không thông tin về nhà khiến tôi phải đi xác minh, tìm Trôi cho gia đình an tâm".
Mỗi lần một đối tượng ở cơ sở giáo dục trở thành người có ích cho xã hội, anh vô cùng hạnh phúc và tự hào. Trường giáo dưỡng là nơi giáo dục trẻ vị thành niên phạm tội nhận thức lại hành vi của mình. Trong số trẻ vị thành niên được đưa vào trường giáo dưỡng, trường hợp của Trần VănTr. và Lê Văn Th. khiến anh ấn tượng và tự hào nhất.
Lê Văn Th. sinh ra trong một gia đình có điều kiện lại được bố mẹ nuông chiều từ nhỏ, th. nên mỗi lần Th. vi phạm pháp luật, dù bị hàng xóm láng giềng nhiều lần góp ý, bố mẹ cậu vẫn bênh ra mặt. Được đà lấn tới, Th. luôn tìm cách ăn trộm tài sản của mọi người, lâu dần, cậu trở thành đối tượng trộm cắp vặt. Tuy nhiều lần bị bắt quả tang, nhưng vì còn ít tuổi, Th. không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà bị đưa vào trường giáo dưỡng. "Khi chúng tôi đến nhà động viên gia đình cho Th. đi trường giáo dưỡng, bố mẹ Th. đang đánh cậu bé rất dữ. Họ dùng thanh củi to, bắt Th. nằm ra giường quật nhiều nhát lên người cậu. Thấy vậy, chúng tôi can ngăn và giải thích cho bố mẹ cậu hiểu việc đánh Th. là không nên, bên cạnh đó động viên họ cho Th. đi trường giáo dưỡng. Sau khi đi trường giáo dưỡng về, Th. tiếp tục đi học lại, sau đó đi bộ đội. Rời quân ngũ, Th. tiếp tục nghiệp đèn sách, sau đó thi đỗ vào một trường sư phạm. Giờ Th. đã là một thầy giáo gương mẫu, hết lòng vì học sinh", anh Thành tự hào chia sẻ.
Ngoài Th., Trần VănTr. cũng trở thành một người có ích cho xã hội. Sau khi đi giáo dưỡng về,Tr. học lái xe và hành nghề lái taxi ở Điện Biên.
Cho đến nay, khi nhớ về những người đã từng lầm lỗi ấy, anh luôn thấy bồi hồi. Mỗi lần tiếp xúc với tội phạm, anh luôn trăn trở, làm th. nào để giúp họ hoàn lương một cách ngắn nhất và nhanh nhất. Cũng vì quá tâm huyết với công việc, anh quên thông báo với vợ con để rồi vợ anh phải lên tận cơ quan hỏi lãnh đạo xem chồng mình đi đâu mà mấy hôm không thấy về nhà...
Những cuộc đối đầu sinh tử Ngoài việc đả thông tư tưởng và tuyên truyền pháp luật cho đồng bào nơi đây, chúng tôi còn gặp rất nhiều khó khăn trong những chuyên án bắt giữ đối tượng nghiện hút, buôn bán ma tuý. Đây là những đối tượng rất manh động, chống trả quyết liệt và sẵn sàng liều chết. Dựa vào địa hình hiểm trở, các đối tượng luôn tìm cách chống trả quyết liệt, điển hình là vụ bắt đối tượng Lò Văn Loan. Sau khi phạm tội, khi vây bắt, Loan đâm trọng thương hai chiến sỹ công an, sau đó trốn vào rừng. Trong quá trình lẩn trốn, Loan luôn thủ hai khẩu súng và dao để chống trả. Suốt gần một tháng, các trinh sát phải thâm nhập địa bàn, ăn, ở trong rừng để tìm hiểu và xác định khu vực đối tượng đang lẩn trốn để lên kế hoạch vây bắt...". |
Hồng Mây