"Đứt gánh giữa đường"
Có trăm ngàn lí do để cho những cử nhân tương lai ngoài nỗi lo đèn sách thì còn đèo thêm nỗi lo làm trụ cột gia đình. Nhưng có lẽ nhiều nhất vẫn là trót dại ăn trái cấm.
Bác Cúc, người cùng làng với tôi có cô con gái đang học năm thứ hai Đại học Hà Nội chán nản kể: "Biết tính nó thích ăn chơi, nên cả nhà cũng sợ cho nó ở trọ ngoài đó, nhưng biết làm thế nào hả cháu, chả nhẽ hơn 30km mà cứ bắt nó đi đi về về. Không hiểu nó yêu đương thế nào, giờ cái bụng đã được 5 tháng rồi, may mà thằng kia nó không chạy làng không thì đời nó coi như bỏ đi, đến nhục với con cái.
Vì gần nhà nên tôi cũng tham dự đám cưới của cô bé đó, diễn ra chóng vánh, lấy lệ và cũng hầu như chỉ có người trong nhà với nhau, còn cô con gái thì mất đi cái sự hồn nhiên của cái tuổi hai mươi căng tràn sức sống khi mà hằng ngày đối diện với khuôn mặt hằn sâu nỗi buồn của cha mẹ, chú rể thì còn lộ rõ vẻ ham chơi và ai mà dám chắc rằng đây sẽ là một kết thúc tốt đẹp.
Nhưng có phải đôi nào cũng dám nói thật với bố mẹ sau khi sự đã rồi đâu. Khu trọ nhỏ trong làng Triều Khúc từng xôn xao vụ một sinh viên năm thứ 3, N.H giấu giếm gia đình đi phá thai, do làm ở nơi không đảm bảo nên cô bị băng huyết và chỉ thiếu may mắn xíu thôi là đã mất đi cả tính mạng.
Các bạn sinh viên khoa Báo chí của trường ĐHKHXHNV chắc hẳn không quên cô bạn nhỏ nhắn, hiền lành, ít nói tên Hằng người Yên Bái... bỗng đùng một cái lại mạnh dạn lên trước lớp mời mọi người dự đám cưới mình. Câu chuyện được bàn tán khá sôi nổi nhưng cũng chỉ biết chồng Hằng hơn tuổi và đã đi làm, còn Hằng sau ngày cưới thì không thấy đến lớp nữa... Chẳng cần nói ai cũng hiểu lí do vì sao đang đi học Hằng lại đứt gánh giữa đường như vậy.
Nhưng chắc chắn một điều rằng sinh viên bây giờ không phải đôi nào cũng lấy nhau trong tình thế bị động như thế, mà đó thực sự là một kế hoạch hoàn hảo và rất có cơ sở.
Nhung, cũng là bạn cùng lớp với Hằng thì hào hứng kể cho bạn bè nghe về người mà chỉ mới cách đó vài hôm cô dẫn đến khoa xem biểu diễn văn nghệ với tư cách bạn trai và giờ đây đã lên chức phu quân.
Nhung hồn nhiên bảo: "Không có chuyện bác sỹ bảo cưới hay gì đâu nhá, chồng tao là bác sỹ mà... Được gia đình hai bên cho phép, bọn tao cứ đi đăng kí kết hôn trước, để về ở với nhau, chắc cuối năm nay thì tổ chức đám cưới thôi. Khi thấy tôi thắc mắc về chuyện con cái thì nó vô tư: “phải biết kế hoạch chứ, đợi sang năm ra trường rồi thì có em bé cũng được”.
Dám làm, dám... chịu
Lấy chồng đồng nghĩa với việc phải bớt đi những vô tư hồn nhiên của thời sinh viên, có khi là dẹp sang một bên những sách bút, những bài tiểu luận, những cuộc đi chơi với lớp, những phong trào sinh viên. Thay vào đó nào là những bỉm, những sữa, những lo toan về cơm, áo, gạo, tiền... và không phải ai cũng có may mắn như Nhung khi gia đình hai bên đều có điều kiện nên dù sống thuê nhà trên Hà Nội nhưng cuộc sống vẫn khá đầy đủ và tiện nghi.
Chồng Nhung là bác sỹ ở một bệnh viện lớn, còn Nhung cũng là một người năng động nên giờ sáng sáng cô đến làm việc bên bộ phận Quảng cáo ở một tờ báo như một viên chức nhà nước, chiều lại đến giảng đường như một sinh viên thực thụ. Không thể tránh khỏi việc cúp tiết, trốn giờ, nhưng cô vẫn giữ được sự hồn nhiên, vui vẻ trong mắt bạn bè, thế nên ngoài việc thấy Nhung ra dáng một người phụ nữ đảm đang hơn thì có lẽ cũng không có mấy sự thay đổi ở cô gái nhỏ nhắn này.
Còn Hằng, sau một năm nghỉ ở nhà, khi chúng tôi bắt đầu học kì hai của năm thứ ba thì Hằng lên trường xin học cùng các em khóa dưới. Nói chuyện với Hằng thì được bạn cho biết em bé được gần 1 tuổi rồi, xuống Hà Nội ở cùng mẹ, còn bố vẫn làm việc ở Yên Bái, cuối tuần nào cũng xuống thăm hai mẹ con. Tuy vất vả nhưng cả hai vợ chồng động viên nhau cùng cố gắng, chồng Hằng cũng đang làm đơn xin chuyển về Hà Nội để được cùng vợ chăm con. Hằng bận con nhỏ nên khó có thể lên lớp hàng ngày.
Còn cô bé gần nhà tôi sau khi làm đám cưới thì phải bảo lưu kết quả nghỉ ở nhà sinh con, giờ cũng gần đến ngày sinh. Anh chồng thì từ khi có vợ cũng không còn tụ tập chơi bời với chúng bạn, mà có vẻ ra dáng người đàn ông hơn. Có lẽ đó cũng là một điều nhỏ bé động viên tinh thần cho bố mẹ đôi vợ chồng trẻ này.
Hơn vợ 1 tuổi, lại học hệ Cao đẳng của một trường có liên thông lên Đại học nên cậu cũng biết tính toán: "lúc vợ em sinh cũng là lúc em ra trường, em sẽ cố tìm việc để nuôi vợ con, chứ cứ phụ thuộc mãi ông bà cũng ngại, để năm sau cô ấy còn đi học tiếp...". Với tôi, câu nói ấy có sức nặng ghê gớm, nó thể hiện bản lĩnh của người chồng trẻ này, và trong xã hội hiện nay không phải ai cũng có được suy nghĩ dám làm dám chịu này.
Thanh Nhàn