Theo các nhà sử học tại Nhật thì việc hôn nhân cùng huyết thống đã tồn tại ở đất nước này hàng nghìn năm khi những người đàn ông chỉ được phép tìm bạn tình cho mình trong phạm vi 30 dặm đổ lại.Vì thế không tránh khỏi việc họ sẽ yêu và lấy những người cùng huyết thống.
Chấm dứt “truyền thống” ngàn năm
Tại Nhật Bản, ngay từ thời nguyên thủy sống trong các bộ lạc, nếu như một người đàn ông có quan hệ tình cảm với những người em hoặc chị gái cùng bố khác mẹ hoặc ngược lại cũng không bị gia đình cấm đoán. Thậm chí không chỉ anh chị em họ lấy nhau mà có cả hôn nhân giữa anh chị em ruột. “Những người này cùng lớn lên bên nhau từ nhỏ và nảy sinh tình cảm. Vì thế, ngay cả đến thời điểm hiện tại vẫn có những gia đình ở những làng quê heo hút, mặc dù biết được con em trong gia đình muốn tiến tới hôn nhân, người lớn vẫn không hề phản đối mà còn thúc đẩy cho việc này xảy ra nhanh chóng”- một sử gia cho biết.
Hiện nay ở một số ngôi làng heo hút tại tỉnh Hokkaido vẫn còn những ngôi làng mà toàn bộ người trong làng là bà con với nhau. Nếu thanh niên ở đây muốn lập gia đình thì họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc lấy người cùng làng, có nghĩa là lấy người bà con của mình. Điều này dẫn đến tỷ lệ hôn nhân giữa các anh chị em họ luôn ở mức cao tại Hokkaido.
Với các triều đại phong kiến Nhật Bản mà đứng đầu là các Thiên hoàng, việc kết hôn trong dòng họ là một cách gìn giữ sự trong sạch dòng máu hoàng tộc và để duy trì quyền lực. Tuy nhiên, nhận thức được hệ lụy nguy hiểm của tư tưởng hủ lậu này, đến khi Thiên Hoàng Minh Trị lên ngôi vào năm 1868, tập tục trên đã được thay đổi nhằm duy trì một nòi giống tốt và khỏe mạnh cho hoàng gia.
Khó tin những cuộc hôn nhân cùng huyết thống
Trong cuốn sách lịch sử “Cổ sự ký” nổi tiếng tại đất nước mặt trời mọc, các nhà sử học tại Nhật đã ghi lại khá đầy đủ những mối tình cùng huyết thống trong hoàng gia Nhật trước khi Nhật Hoàng Minh Trị lên ngôi vào năm 1868. Khó ai có thể tin rằng, ngay cả những Thiên hoàng, những ông vua của quốc đảo lừng lẫy này lại có thể phóng túng đến vậy trong hôn nhân khi muốn duy trì “dòng máu quý tộc tinh khiết” trong hoàng tộc.
Thiên hoàng Tenmu, Thiên hoàng thứ 40 của Nhật Bản bị buộc phải kết hôn với cô cháu gái, con của người anh trai mình là Thiên hoàng Tenji. Vì là một công thần lại là một thân vương, nên quyền lực của Hoàng tử Oama (tên cũ trước khi lên làm Thiên Hoàng Tenmu) trong triều đình là vô cùng lớn. Lại thêm, Hoàng tử Oama là người vô cùng thông minh và cơ trí. Và điều này khiến Thiên hoàng Tenji lo sợ, rằng một ngày nào đó, người em trai đã cùng kề vai sát cánh với mình nảy sinh ý định soán ngôi báu. Vì thế để cho “chắc ăn”, Thiên hoàng Tenji còn có một quyết định chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hoàng cung Nhật Bản: gả con gái của mình cho Hoàng tử Oama. Điều này có nghĩa là cháu gái lấy chú ruột.
Vì thế dù mới 15 tuổi, công chúa Ota chính thức trở thành một quý phi của chính người chú của mình. Tuy nhiên, có lẽ chuyện kết hôn cùng huyết thống là chuyện hoàn toàn bình thường với những người trong hoàng thất Nhật Bản thời bấy giờ nên chỉ ít lâu sau khi “về nhà chồng”, Công chúa Ota đã sinh hạ cho Hoàng tử Oama hai người con, một nam và một nữ.
Một trường hợp khá đặc biệt nữa trong trường hợp kết hôn cùng huyết thống trong hoàng gia Nhật bản trước đây chính là mối tình giữa nữ Thiên hoàng đầu tiên trong lịch sử của Nhật Bản- Suiko và anh trai cùng cha khác mẹ. Là một phụ nữ tài năng và đầy tham vọng chính trị, Thiên hoàng Suiko là người đã thực thi hàng loạt những biện pháp cải cách nhằm phát triển nền kinh tế xã hội đang rất trì trệ ở Nhật Bản. Tuy nhiên, bên cạnh thành tích chính trị, vị nữ Thiên hoàng này còn được rất nhiều người biết đến với tình yêu hy hữu mà cô dành cho người anh trai. Bởi chính mối tình này là bước khởi đầu để cô Công chúa này có được thành tích chính trị rực rỡ.
Người ta kể rằng, hoàng gia Nhật Bản cho phép kết hôn nội tộc, nên ngay từ khi còn nhỏ, người anh cùng cha khác mẹ của Công chúa Nukatabe (tên cũ trước khi làm Thiên Hoàng Suiko) là Kimmei đã để ý cô em xinh đẹp của mình.Và khi đã trở thành Thiên hoàng với đầy đủ quyền lực trong tay, Kimmei đã không ngại ngần đưa cô em gái này vào cung làm vợ. Tuy nhiên, được hưởng hạnh phúc bên người đẹp không được bao lâu thì Thiên hoàng Kimmei mắc bệnh chết yểu khi mới ngoài 20 tuổi. Sau này do cuộc tranh giành quyền lực diễn ra quá gay gắt trong hoàng cung, quần thần đã quyết định đưa Hoàng hậu Nukatabe lên giữ chức Thiên hoàng để ổn định tình hình.
Tỷ lệ tử vong đáng ngạc nhiên
Cũng trong cuốn sách “Cổ sự ký” có nhắc đến một hệ lụy cho việc kết hôn cùng huyết thống tại hoàng gia Nhật Bản như sau: “Từ thời Thiên Hoàng Yoshihito ( 1879 – 1926) trở về khoảng 300 năm trước đó, chưa một vị hoàng đế nào của Nhật Bản có con với hoàng hậu của mình. Ở hoàng tộc Nhật Bản khi đó, việc Thái tử chọn hoàng hậu hay phi tần cũng thường được tiến hành trong dòng họ mình để ‘củng cố địa vị” và duy trì dòng máu thuần khiết hoàng tộc. Chính điều này khiến cho con cái của hoàng hậu hay phi tần sinh ra đã chết ngay hoặc có sống thì cũng chết non do mắc bệnh hiểm nghèo. Và tỷ lệ chết yểu này cao một cách đáng ngạc nhiên”.
Được biết, trải qua gần 300 năm với gần chục Thiên Hoàng lên ngôi, cũng đã có rất nhiều hoàng tử và công chúa được sinh ra. Tuy nhiên, đa phần đều chết yểu khi tuổi đời còn rất trẻ, chỉ còn trụ lại một hoặc hai hoàng tử trong số hàng chục hoàng tử khác. Để giải thích nguyên nhân này, nhiều nhà sử học cho rằng, quan hệ hôn nhân giữa những người họ hàng gần gũi đã làm cho tỷ lệ trẻ em tử vong tăng cao. Thiên Hoàng Yoshihito của Nhật là một điển hình khi ông ngay từ khi sinh ra vị này đã vô cùng yếu đuối, nói ngọng, kém năng lực và có tính tình khá lập dị. Đến khi băng hà ở tuổi ngoài 40, vị Thiên hoàng này còn phải chống trọi với căn bệnh viêm màng não. Trong khi đó, một loạt các vị Thiên Hoàng có bố mẹ là anh em họ hàng gần cũng đều không sống được qua tuổi... 30.
Đa phần, những thái tử - con của hoàng hậu, phi tần và Thiên Hoàng đều chết yểu hoặc có sống thì thời gian hưởng dương cũng không được là bao. Các nhà khoa học sau này đã phát hiện ra rằng các thế hệ thừa kế ngai vàng của Nhật trước năm 1868 đều lần lượt mắc phải những căn bệnh kỳ lạ, liên quan đến đột biến gene do quan hệ hôn nhân cùng huyết thống, mà ngày nay đôi khi được gọi là quan hệ "loạn luân" giữa anh chị em ruột, hoặc giữa cha mẹ và con cái.
Thực tế y học đã chứng minh hôn nhân cận huyết thống là cơ sở cho những gen lặn bệnh lý tương đồng ở những ông bố, bà mẹ kết hợp với nhau và kết quả là dù khỏe mạnh, họ vẫn có thể sinh ra con dị dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh, mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời...
Hải Hiền (Theo Ifeng)