Lần đầu tiên gặp nhà báo Trần Nhật Minh- Trưởng Ban Văn học Nghệ thuật, VOV6 Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi hơi ngạc nhiên về sự nhiệt thành và cảm hứng nghệ sĩ trong anh. Anh trò chuyện với tôi không phải theo cái cách của một người xa lạ. Rồi khi anh cất giọng trầm ấm đọc thơ Bằng Việt, tôi ngỡ ngàng giây lát và ngay sau đó bị cuốn vào không khí thơ lan tỏa từ anh.
Thời gian dẫn tôi lần theo dấu vết sáng tác của anh, để biết nhiều hơn, Trần Nhật Minh vốn sinh trưởng trong một gia đình có nhiều thành viên làm nghệ thuật. Điều đó lý giải vì sao con người anh cùng một lúc có thể làm báo, viết văn, sáng tác thơ và hội họa.
Trong một cái nôi như thế, lại được đào tạo tại Khoa Ngữ Văn, Trường đại học Tổng Hợp Hà Nội và làm việc đúng chuyên ngành, nên yếu tố nghệ thuật trong anh có tính kế thừa, lớp lang và bài bản.
"Những cuộc trà trên căn gác cũ” là cuốn sách thứ 2 của Trần Nhật Minh (Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành, 2024) mà tôi may mắn được đọc. Khi xã hội đầy những thực đơn “ăn nhanh”, thì Trần Nhật Minh lại chậm rãi, nhẩn nha, dường như mỗi điều anh viết ra như chắt, trang sách của anh ươm ủ thứ màu dìu dịu, những nhịp hải hà đã ngưng đọng trong “Miền sau cánh cửa” nhớ thương vời vợi.
Tôi rất thích đọc Trần Nhật Minh ở giọng hoài cổ. Vì nó gợi một nét riêng của Hà Nội ngày quá vãng, mà không ít độc giả đang có nhu cầu tìm kiếm. Những trang bàng bạc, nhấn nhá, chỗ này một khúc, chỗ kia một đoạn, có khi chỉ một vụn vặt đời sống, lúc thì sâu thẳm, chỗ lại hiển hiện, để tôi gom nhặt những ký ức về Hà Nội ngày cũ. Tôi nâng niu chút xa ngái ấy, vì nó ít bụi bặm và đủ ghim vào tôi sự trong trẻo, như còn dư ngân về những thứ quý báu đang dần mai một đi.
Ấn phẩm xinh xắn này do họa sĩ Trần Thắng thiết kế bìa, trên nền tranh của Trần Nhật Minh. Lật từng trang, tôi như thể được mở ra chiếc rương kỷ niệm của anh. Ở đó, Trần Nhật Minh đã xếp đầy ngăn ký ức bằng: những bài câu chuyện - luận văn nghệ; thời cũ; chân dung và Đài Tiếng nói Việt Nam.
Từng bài viết, ấp iu bước chân tháng ngày, không cần viết nhiều, bởi những câu chữ giản dị đã tự nó vẽ nên dấu vết Trần Nhật Minh- một người tưởng như ồn ào, thô tháp, nhưng vào một khoảng lặng nào đó, từ anh những thanh âm của lặng im ùa về, một mong manh, một xao xác, một vẻ đẹp riêng về tháng ngày một đi không trở lại. Tôi không bất ngờ về điều ấy. Bởi đó là bản năng nghệ sĩ Trần Nhật Minh.
“Viết để nói nhiều trong im lặng”- lời răn của người Cha hay chính tấm chân tình với những dấu yêu và tha thiết trong cuộc đời đã chỉ lối cho ngòi bút của anh. Anh ở trong ngôi nhà của mình, giữa những câu chuyện không đầu không cuối nhưng nồng đượm bên ấm trà của Cha và bạn hữu đã đã như một mảnh cong, trong veo, mỗi chạm nhẹ là mỗi phím hồn của người đàn ông đã ở tuổi tri thiên mệnh ngân lên chơi vơi..
“Nhà tôi trước ở phố, có khung cửa sổ tầng hai căng rộng choán hết mặt tiền. Gió thênh thang. Con phố cổ nhỏ xinh, một phía ngược lên chợ Đồng Xuân, một phía xuôi xuống chợ Hàng Da, ngày xưa bán bát, khi chiến tranh loạn lạc, tản cư, nghề thất truyền. Nhà mái ngói âm dương, sàn gỗ, lạ lắm, mùa đông ấm cúng, mùa hạ mát lành. Cha tôi là người ít nói, ít tranh luận, chỉ lặng lẽ ngồi nghe và sắm đúng vai chủ nhà pha trà, rót nước.Những cuộc trà soi bóng thời gian. Còn nhiều người ghé qua căn gác đó…” (Những cuộc trà trên căn gác cũ).
Ngày cũ hiển hiện, là ràng mối của những ân tình không bao giờ vơi cạn, thơm như một hơi trà trong sương mai, xế trưa hay gặp lúc chiều buông. Tôi phần nào hình dung ra, đằng sau những quán trà đơn sơ vỉa hè hay vệt xanh ngân ngấn trên những chén nhỏ tưởng như bình thản, lại dậy lên nhiều câu chuyện về Hà Nội thuở nào. Nhưng sách của anh mở ra những điều từ cuộc trà trên căn gác cũ, mà ở đó là những gương mặt thân quen và không gian không xô bồ, bụi bặm như phố phường. Và đó là điều mà một kẻ muốn biết về Hà Nội như tôi luôn thấy háo hức.
Trần Nhật Minh có cái may mắn là được rèn giũa từ một người Cha nghiêm cẩn và lớn lên từ căn gác nhỏ đầy ắp những cuốn sách. Với người ham đọc, đó là người bạn im lặng, trung thành và tin cậy. Nếu khi ta thất bát, sách như một chốn nương dựa, một chiếc khăn mềm thấm lệ mặn, một tri kỉ.
Con chữ của anh nhắc về “thời bao cấp”, thuở đầy nhớ thương của thế hệ 7X trở về trước. Thì sách lúc đó, mang đủ đầy ý nghĩa là một thứ “tài sản”. Tuy nhiên chẳng phải cứ đọc nhiều sách là trở nên một người có giá trị.
“Lớn dần lên, đi theo những con chữ, có đôi khi tựa vào để vững tâm hơn trong một thế giới nhiều màu mè cám dỗ, vẫn nhớ lời Cha: “Đọc sách để có thêm cho mình một người thày”. Ở nhà, thời bao cấp, chả của nả gì, chỉ cái tủ sách là tài sản quý nhất. Như một thủ thư cần mẫn, Cha nâng niu từng cuốn, xếp chúng vào ngăn theo từng loại trong và ngoài nước; tiểu thuyết, truyện, thơ; sách người lớn, sách thiếu nhi... gọn gàng đâu ra đấy”. (Sách cho nhau)
Đọc anh, tôi thấy những thân thương thuở nhỏ hiện về. Anh viết về Mẹ mình, về một căn bếp nhỏ giữa Hà Nội thế kỷ trước. Không gian đơn sơ, đượm mùi ký ức, khiến tôi cũng như thấy cái bóng lui cui của Mẹ tôi xào nấu thức ăn mỗi nhập nhoạng chiều, khi Mẹ tất tả tháo tấm áo trắng thầy thuốc, khoác lên người bộ đồ ở nhà đã phai màu, như thể cái chân vị xa ngái bỗng ùa về đầy ứa, khiến tôi thấy nghèn nghẹn.
Trần Nhật Minh là vậy, thứ mà anh đánh thức, không phải ai cũng làm được. Có một chút gì chung, nên tôi thấy giọng của anh gần gũi chăng? “Phía sau là dằng dặc những buổi chiều lạnh lắm, khi bờ tường rêu in bóng mẹ thập thững đi về, ngọn đèn chốc lát sẽ được thắp lên, khe khẽ sáng một vùng ấm bình an. Những ngày cũ, với mẹ, cũng chính là những ngày sắp tới, đồng hiện một màu của những ước mong bình dị. Ở đó có những thứ nho nhỏ không tên khó lẫn vào ầm ào, hoành tráng, khiến con người ta cứ phải trắc ẩn nghĩ, trắc ẩn nhớ, trắc ẩn thương yêu và trân trọng”. (Thời “tóp mỡ”)
Cái cách Trần Nhật Minh viết về bạn đáng để tôi suy ngẫm. Nghề văn đòi hỏi người làm phải giàu lòng trắc ẩn, nhưng thâm tình của anh không dễ dãi. Anh dành nhiều trang ân tình cho những hạnh ngộ. Mà con mắt của anh nhận bạn thì sâu và sắc, có cả sự hóm hỉnh. Chẳng thế mà anh lại khơi ra một nhà thơ trong cây cọ Trần Thắng.
Có chút vốn liếng hội họa, Nhật Minh có những tốc họa bắt rất chỉnh cái thần của nhân vật, nhưng lại dành nhiều nỗi thương cho mái nhà thờ đổ bóng vào những bức vẽ phong cảnh. Nét cọ Nhật Minh chuyển từ mái chùa cách điệu dưới nét cong lá sen đậm khí vị Á Đông, sang nhà thờ, kể từ khi một người thân của anh qua đời ở nước ngoài.
Phải chăng khúc quanh đời sống luôn hiển hiện trong sáng tác của người nghệ sĩ, cũng như từ khi kết giao với họa sĩ Trần Thắng, Nhật Minh vẽ lên tay hơn chăng?
Anh viết về Trần Thắng thế này: “Ngoài vẽ, Thắng còn làm thơ. Thơ Thắng không điệu đà câu chữ, vần vè mà trọng ý, trọng nghĩ. Dưới những câu thơ là những lớp biểu cảm về nhân sinh, về quê hương, bản quán…Thơ Thắng có một vị lạ… Phong vị đó có sự pha trộn như những sắc màu tạo nên những nhịp riêng không chịu theo những khúc thức quen… Giờ có lẽ Thắng nên tạm gác lại những gam màu trên toan, trên máy tính mà tập trung tung ra tập thơ mà bản thảo đã dầy lên cùng với những bức tranh, những trang bìa. Để Thơ như một nhịp chuyển hoặc có thể là một ga xép chờ cho một chuyến đi còn nhiều đắm đuối ở phía trước. Mong lắm, Trần Thắng, một họa sĩ có Thơ... Muốn viết dài lắm, liệt kê hết cái hay thơ Trần Thắng nhưng từ lâu đã hùa theo sự im lặng của anh - im lặng để nói được nhiều điều. Giấy vắn tình dài. Con dốc ngắn đủ để nghiêng về nhau. Dốc cạn ly trong im lặng để hiểu nhau hơn. Và trên hết là một lời chúc cho đường xa nặng gánh Thơ - Họa! ”.(Những sắc màu tương phản; Dốc từng giọt lặng im) Nếu không yêu và hiểu bạn mình, thì sao Nhật Minh lại có phát hiện độc đáo về Trần Thắng như vậy?
Chỉ trong một đoạn văn ngắn, Trần Nhật Minh đã bắt được hồn vía của ông trùm báo thị trường, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Tiến Thanh: “Lúc lên sân khấu khai mạc giải bóng đá, khi đón khách lễ kỷ niệm sinh nhật báo..., anh đều ẩn trong dáng vẻ thi sĩ. Nhưng ít ai nghĩ tay lãng tử thơ lại kiêm chủ một tờ báo thương trường thích ứng nhanh với sự chuyển đổi truyền thông. Cả một giai đoạn dài tờ báo của anh đứng hàng top những tờ báo có tia-ra phát hành lớn. Anh tung quân tổ chức các diễn đàn văn nghệ không xuôi chiều mà phản biện quyết liệt với sự tham gia của các nhà văn có tên tuổi; xây dựng các chuyên trang kết hợp hàm lượng thông tin với bình luận, phân tích sâu... Đó là những kinh nghiệm anh tích lũy từ những ngày là phóng viên mảng điều tra tờ Thanh Niên và làm Quản lý báo Gia đình và Xã hội. Dù thành công với vai trò của một chủ bút nhưng niềm say mê thơ ca vẫn đủ năng lượng giúp anh tiếp tục theo đuổi cuộc chơi từ thời sinh viên.”
(Tài hoa đi giữa miền phiêu lãng) Hai người là đồng môn, cùng trưởng thành từ Khoa Ngữ Văn, đại học Tổng Hợp Hà Nội. Họ luôn bên nhau trong các cuộc gặp mặt quan trọng. Khi Tiến Thanh lãng đãng trên từng giọt đàn thì Nhật Minh nhả thơ qua chất giọng đẹp của dân phát thanh. Dù tốt nghiệp đã mấy mươi năm, nhưng các anh vẫn mang trong mình bóng dáng của những chàng sinh viên Văn Khoa mơ mộng, “Đêm phố xá nhớ về đêm cư xá” (Thơ Nguyễn Tiến Thanh)
Sự nhạy bén trong việc nắm bắt xu thế của văn học nghệ thuật đã đem đến cho anh một người bạn mới, Phó giáo sư, tiến sĩ Phùng Gia Thế, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2. Gặp gỡ chưa lâu, nhưng nhà Đài và nhà Trường đã có nhiều cuộc hợp tác ý nghĩa trong công việc và kịp nhen lên những ân tình nồng ấm. Với anh, “Phùng Gia Thế hay ở chỗ khác với nhiều tay có đọc, có kiến thức nhưng ham chém, vỗ ngực tự cao tự đại, khoe mẽ, ít chịu người khác. Anh thường lùi lại, nấp đi và luôn chiều bạn bằng cách đi tìm những đồng điệu. Thế hấp dẫn chính ở sự bí ẩn đó, khiêm cung đủ để nhập cuộc không nhạt mà cũng không quá ồn ào – bí ẩn như chính cái tên cuốn sách mới tinh của Thế: Hiểm địa văn chương… Tôi hiểu đó là sự khiêm nhường của một Ông Giáo đang lặng lẽ tới những vùng hiểm địa để tìm ra những khuất lấp giá trị cần được đánh thức, đến và tìm ngay trong chính sự chơi của mình. Giống hệt tôi, cái buổi trưa Thế lãng du Hà Thành và ngày đông đẹp trời Đại Lải, đã nhận ra một Phùng Gia Thế chân xác từ trong “hiểm địa” của chính anh.” (Những vùng “hiểm địa văn chương”)
Ở Trần Nhật Minh, tôi thấy một người lãnh đạo tâm huyết với nghề, chăm lo, hiểu và rất mực chia sẻ với cộng sự. Nhà báo Trần Nhật Minh đã dành cho Tiến sĩ Ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ những con chữ công tâm, tình cảm: “Ngoài viết luận, viết báo phát thanh, Vũ còn làm thơ và sáng tác nhạc. Thơ Vũ đa giọng điệu. Thơ thù tạc, vui, đùa, hóm hỉnh ảnh hưởng dân gian và các cụ Bút Tre, Bảo Sinh. Riêng thơ trữ tình của Vũ đứng một sân riêng. Thơ Vũ đẹp ở cả câu và tình. Có đủ cả: Tình cảm gia đình, bè bạn, tình yêu; cung bậc cũng vậy: Ấm áp, nồng hậu, tiếc nuối, buồn thương…Thơ trữ tình Vũ có hai mảng ngỡ như đối lập: Một như “già trước tuổi”, một lại tơ non, hồn nhiên. Những bài có chút ảnh hưởng thơ cổ với hệ thống từ ngữ, thi ảnh man mác hơi xưa, tuy nhiên đã được xen vào những âm vang mới. Còn lại là những bài hồn nhiên khi viết cho con, gia đình, những khoảnh khắc chớp lấy tia sáng thi vị từ cuộc đời nắng gió ngoài kia”. (Rong chơi trên nỗi bộn bề)
Có những người bạn quý trong mỗi buồn vui, Trần Nhật Minh cũng dành nhiều sự quan sát của mình cho nghệ thuật. Anh là người nhìn nhận thấu đáo, khách quan, không hề áp đặt sở thích cá nhân cho mọi người, trái lại, anh trân trọng và luôn lắng nghe tiếng nói nghệ thuật. Nghệ thuật dù hiện diện ở góc nào của đời sống cũng mang một giá trị riêng. Âm nhạc cũng là một thứ dẫn dụ anh. “Khi người ta nghe lại nhạc xưa, đừng lo ngại mà thử đặt câu hỏi, tại làm sao nhiều người lại cứ thích quay về sống trong hoài niệm (?). Đừng lo ngại mà hãy tin số đông đó sẽ nghe cả những âm thanh mới khi nó trở thành giá trị. Nghệ thuật không bao giờ cũ. Các giá trị không bao giờ giẫm đạp lên nhau, che khuất nhau. Có người thích nhà lầu xe hơi, lại có người mê nhà ngói quê kiểng. Người thích giao hưởng sang trọng, người yêu câu hò bình dị. Khi đời sống mở phóng khoáng những cánh cửa đa phong cách, đời sống mới khiến con người ta được sống rộng lòng và yêu thương hết thảy”. (Tranh luận về nhạc sến nghĩ về thị hiếu âm nhạc)
Là một người Hà Nội, anh không thể không nhắc đến người nhạc sĩ đã làm đẹp cho Hà Nội bằng âm nhạc. Ấy là nhạc sĩ Phú Quang, tuy đã khuất bóng, nhưng những giai điệu của ông vẫn lãng đãng giữa những con phố ngày gió trở...
“Âm nhạc Phú Quang luôn đẹp, giàu mỹ cảm, không quá khó hát nhưng để hát hay không dễ, luôn cần ở người hát một tâm hồn đồng điệu. Nó hợp với những người ưa nội tâm với những rung động thầm kín, sâu lắng. Ông dành nhiều ca khúc cho Hà Nội và tình yêu. Nhạc của ông như chiếc đồng hồ báo thức cổ ngự trong những căn phòng cũ, đánh thức kỷ niệm trong mỗi người, khi nhớ đến là ùa về lên, lúc da diết, khi khắc khoải… Ở đó những sắc thái Hà Nội hiện lên lúc xa xôi dĩ vãng, khi lại như gần đâu đây trong thoang thoảng hương hồ; lúc gọi thành tên Hà Nội, khi âm vang những tính cách thành phố mà không cần nhắc ra tên gọi”.
Trần Nhật Minh luôn mong manh trước lẽ vô thường. Mới thấy, ân tình là một thứ gì đó luôn vơi đầy trong sâu thẳm gã đàn ông có vẻ ngoài tưởng như gai góc, mạnh mẽ ấy. Tôi đã không cầm nổi xúc động khi đọc anh viết về “Màu Cầm”- tri ân của anh với thi sĩ tài hoa bạc mệnh Hoàng Nhuận Cầm. “ Ngôn từ của anh luôn đẹp, mỹ lệ dù viết về chủ đề gì. Không quá rối rắm trong tầng lý luận này, lớp minh triết kia, hoặc cầu kỳ chiết tự chữ nghĩa... thơ Cầm tạo sự rung cảm nhờ nhạc tính và sự bung nở của con chữ. Từ ngữ dùng vừa mức thì đủ ngân vang, dễ nhớ, dễ cảm, dùng quá liều sẽ trở thành sáo ngữ. Thế mới khó! Giống như trong hội họa có những màu sắc dùng rất khó. Tài hoa thì bức họa đầy cá tính, kém tài thì nó thành bức trang trí báo tường loè loẹt. Cầm đi giữa ranh giới đó một cách xuất sắc.. Nhiều người làm thơ chỉ hợp một mùa. Mùa khác không có cảm xúc, làm không nổi. Cầm thuộc nhóm nhà thơ xúc cảm cả bốn mùa. Và bất luận là mùa nào thì nó vẫn cứ rực lên một màu cảm xúc chói gắt. Cái màu đó, tôi gọi là “Màu Cầm”.
Trần Nhật Minh là thế, anh gửi không ít tấm lòng mình vào tản văn “Những cuộc trà trên căn gác cũ”. Người như anh, với nhiều rong chơi trên cuộc văn, thơ, âm nhạc, hội họa. Đi vào từng cơn cớ nghệ sĩ của anh, tôi đã thấy những vui buồn thế cuộc. Từng “cuộc trà” trên nhát khắc kỉ niệm, đã thêu những nét mơ hồ sáng tối trên dòng thời gian, hiển hiện một giọng văn trăn trở, đào sâu vào nội tâm bằng những hoài niệm, một tâm hồn ấm áp Trần Nhật Minh. Lối viết ôm chứa cảm xúc, mở ra đường dẫn tới từng tận kẽ ngách sâu thẳm, dư ba, đẹp trong từng khắc khoải, ưu tư. Nhưng tôi xin dừng lời tại đây, để những ai có nhu cầu đọc anh, sẽ tự tìm được những thứ mình muốn thấy ở trang viết của một người Hà Nội đa tài, chân thành mà giản dị này.
Nguyên Tô