Trong quá trình tác nghiệp tại huyện vùng cao Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, chúng tôi đã phát hiện ra một điều rất thú vị về những người chạy xe ôm nơi đây. Đa số họ là những người dân bản địa, hầu hết ở độ tuổi rất trẻ và chạy xe ôm không xuất phát từ nhu cầu mưu sinh như một nghề mà lâu nay vẫn bị mặc định. Họ chạy xe ôm vì họ có sức khỏe, sự am hiểu ở mức thông thạo đường rừng và những chiếc xe chuyên dụng mới có thể giao thông một cách an toàn. Cũng có thể, họ là người từ nơi khác đến, nhưng tay lái ở mức "siêu phàm", mới dám hành nghề.
Anh Lại Đăng Hiệp đang chuẩn bị cho một cuốc xe ôm lên bản.
Ngoài quốc lộ 32 chạy dọc qua địa bàn huyện, hầu hết, đường lên bản và vào các xã ở đây còn hết sức khó khăn. Câu chuyện đường xá vùng cao hình như đã không mấy xa lạ đối với những ai đã một lần ngược dốc, ngược đèo. Thậm chí, chỉ trong trí tưởng tượng, người ta cũng có thể hình dung về những con đèo hun hút tầm mắt hay những dốc cao ngược dựng đứng. Có những chặng đường mới mở, là đường bạt núi nên vào ngày nắng, chiếc xe Minsk có thể tưng tưng trên đá sỏi lởm chởm. Nhưng chỉ cần một cơn mưa nhỏ, thứ đất núi đặc trưng quánh lại, cáu, rịt lấy bánh xe như lớp cao su dính chặt lốp với mặt đường. Để không bị dừng cuộc hành trình, con người chỉ còn cách xuống xe, đẩy bộ. Không chừng, người và xe có thể lao xuống vực lúc nào không biết.
Anh Sùng A Dinh, người bản Tà Dông, xã Chế Tạo, hiện là cán bộ hội Chữ thập đỏ huyện cho chúng tôi biết: "Hiện nay, đường vào các xã còn nhiều đoạn rất gian nan. Chỉ cách trung tâm huyện 20 - 30km thôi nhưng ngay cả những người bản địa với tay lái kỳ cựu cũng phải "bò" từ 4 - 5 tiếng đồng hồ bằng xe máy mới vào đến trung tâm xã. Đấy là thời gian đi, tính cho những ngày đẹp trời. Còn với ngày mưa, nhiều đoạn đường không thể cho xe qua, người dân muốn thông đường phải tìm cách đi bộ. Nhiều đoạn đường vào các xã chỉ đổ bê tông được từng đoạn. Có khi đang rải sỏi, chuẩn bị đổ bê tông thì trời mưa, nước xói hoặc có lũ, mọi thứ bị cuốn trôi, đường rừng lại hoàn đường rừng”.
Cũng vì sự khó khăn về mặt giao thông như vậy nên ngay cả hoạt động du lịch bản của huyện cũng khó thu hút khách. Nhiều người tìm đến Yên Bái, hầu hết thuộc nhóm du lịch "phượt, bụi". Những khu vực hiện nay trở thành "điểm đỏ" trên bản đồ du lịch Việt, như ruộng bậc thang Tú Lê, La Pán Tần, Chế Cu Nha... đã có tự bao đời nhưng mới mấy năm gần đây được chú ý do sự quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, nếu chỉ để ngắm ruộng bậc thang hay dừng lại ở những thị trấn bám đường lộ, thì Mù Cang Chải cũng không có sự khác biệt quá nhiều với những thị trấn, thị tứ miền núi khác. Chỉ có những con đường vào bản luôn khiến du khách thập phương ám ảnh cảm giác rợn người. Có lúc, đường dốc xuống như trò chơi cảm giác mạnh, có cái gì đó trong lồng ngực chỉ chực muốn rơi ra, hụt hẫng. Lại có lúc, chiếc xe dựng ngược, bò rì rì dù có chắc chắn ngồi sau những "tay lái cứng", kỳ cựu, cũng không ai dám ngoảnh nhìn lại phía sau.
Đoạn đường lên Trống Páo Sang khiến nhiều tay xe ôm kỳ cựu không khỏi cảm giác rợn người.
Những cuốc xe ôm bên đèo, bên vực
Trải qua chặng đường bê tông với nhiều con dốc đứng, chúng tôi cũng đến được trung tâm của xã La Pán Tần. Ở những xã miền núi như nơi đây, hoạt động sôi động nhất sẽ tập trung ở khu vực trung tâm. Chúng tôi có phần hơi bất ngờ khi giữa mảnh đất miền sơn cước lại có một tấm biển "xe ôm" treo ngay dưới chân dốc dẫn lên con đường vào bản Trống Páo Sang. Lúc chúng tôi đến, có khoảng 4-5 người đàn ông đang ngồi trên xe Minsk nói chuyện.
Người đàn ông có tên Lại Đăng Hiệp (36 tuổi) hồ hởi chia sẻ với chúng tôi về nghề nghiệp đặc biệt này. Là người Hà Nam lên Mù Cang Chải lấy vợ rồi lập nghiệp, sinh sống tại đây, với vốn tiếng Kinh nhuần nhuyễn và sự am hiểu về tiếng Mông từ vợ, anh Hiệp vô tình trở thành người phiên dịch, giúp chúng tôi trò chuyện với những người đàn ông quanh đó.
Qua lời anh Hiệp, chúng tôi được biết, ở xã La Pán Tần có khoảng 5- 6 người làm nghề xe ôm. Nói là "nghề" nhưng trên thực tế, đây chỉ là công việc ăn theo mùa vụ. Thời gian đông khách nhất là khi Mù Cang Chải vào mùa lúa chín. Khách du lịch khắp nơi đổ dồn về đây chiêm ngưỡng di sản của đất nước. Ngoài ra, "nghiệp đoàn" xe ôm ở đây còn phục vụ những vị khách đặc biệt muốn khám phá những cung đường hiểm trở, đi tận sâu vào một số bản xa để tham quan và tìm hiểu cuộc sống của người Mông. Thi thoảng, một số người trong nhóm của anh có được vài mối khách hời khi chở công nhân vào trong các điểm mỏ. Thường ngày, sau đợt nghỉ phép, họ đi vào các điểm mỏ bằng xe tải của công ty. Nhưng nếu trước đó ít ngày, trời mưa to, đất đá sạt lở nhiều, họ bắt buộc phải nhờ đến những tay lái cừ khôi như các anh mới có thể đến được địa điểm làm việc một cách an toàn.
Kể về mức thu nhập từ nghề này, anh Vàng A Dế (40 tuổi, bản Trống Tông) cho biết: "Vì công việc làm ăn theo mùa vụ nên thu nhập không cố định. Vào mùa du lịch, anh em nào chạy tốt, có nhiều khách cũng có thể kiếm được 2-3 triệu đồng/tháng; còn không thì 1,5 triệu đồng/tháng là phổ biến. Ngày thường, không có khách, chúng tôi để số điện thoại lại cho những ai ở gần đây, hễ có khách, họ sẽ gọi”.
Nhớ lại chuyến đi nguy hiểm nhất và có mức thu nhập "khủng" nhất khi lên Mù Cang Chải làm xe ôm, anh Hiệp tâm sự: "Hồi La Pán Tần xảy ra vụ sạt lở tháng 9/2012 vùi lấp 20 người, tôi vẫn nhớ đã từng chở hai phóng viên vào khu sạt lở. Lần đó, may mắn là trời không mưa nên tôi mới dám nhận lời chạy xe. Hai phóng viên đó thuê tôi chở, nhưng tôi nói rõ chỉ có thể chở được một người, đường đất đá, cao dốc khó đi nên không thể chở hai người trên một xe. Mỗi xe tôi lấy 700.000 đồng. Nhiều người nghe sẽ nghĩ đây là số tiền lớn và chúng tôi lấy đắt vì đường vào chỉ chừng hơn 10 cây số. Nhưng quả thực, ai đi hết cung đường dốc đá mới thấy hết sự khó khăn và nguy hiểm. Cái giá đó là trả cho sự khó nhọc và cả cái sự liều, chấp nhận rủi ro, có thể phải gặp tai nạn trên đường đi. Khi đưa ra mức giá ấy, hai phóng viên trẻ có phần ngần ngại vì cho rằng còn đắt gấp chục lần giá taxi dưới Hà Nội. Sau một hồi thương lượng, giải thích cho họ hiểu, chúng tôi cũng hạ giá xuống 500.000 đồng/xe. Nghĩ họ là người tốt, đi làm việc vì Đảng, vì dân, lặn lội xa xôi lên vùng đất heo hút này viết bài nên anh bạn đồng nghiệp cũng đồng ý với suy nghĩ vừa chở xe, vừa giúp cho những phóng viên trẻ nên chúng tôi lấy mức giá hữu nghị hơn".
Nhìn lên con dốc đứng trước mặt, anh Hiệp nói tiếp: "Sau hơn 3 tiếng đồng hồ, cuối cùng bốn anh em chúng tôi cũng vào đến chỗ sạt lở. Đường đi "khó nhằn" hơn tôi tưởng vì cơn mưa lớn kéo dài trước đó đã gây sạt lở nhiều đoạn đường tại bản Trống Páo Sang. Đoạn nào chạy xe được là may mắn, còn nhiều đoạn phải đẩy bộ. Lúc ấy, đồ đạc nhiều, đường lại dốc, chúng tôi phải bỏ lại những thứ không cần thiết để bớt tốn sức. Nhiều đoạn, cậu phóng viên ngồi sau phải hét lên hoảng sợ, mắt nhắm nghiền và phải ôm chặt lấy tôi. Tôi cũng phải động viên hai cậu thanh niên vì không ít lần họ có ý định dừng lại vì quãng đường quá hiểm trở. Trong lần sạt lở đó, tôi đã chạy hai chuyến xe ôm vào vùng nguy hiểm, tự thấy mình cũng là người may mắn".
Anh Lại Đăng Hiệp cho hay, thường ngày tuyến đường qua đó chỉ có những công nhân của công ty TNHH Thịnh Đạt (một đơn vị khai thác đá trên địa bàn - PV) và một số hộ đồng bào Mông có nhà gần tuyến đường đi lại. Còn du khách thập phương, trăm người may ra mới có một người đủ dũng cảm và hứng thú lên đây.
"Nghề để đời" Làm xe ôm ở đồng bằng phải đối mặt với nhiều rủi ro. Nhưng chạy xe ôm ở vùng cao Mù Cang Chải, người xế đối mặt với nhiều nguy hiểm khác, từ địa hình đặc thù đem đến. Anh Hiệp chia sẻ: "Nếu không "chắc tay lái", có thể phải trả giá bằng cả tính mạng của mình và du khách. Do vậy, anh em chạy xe ôm như chúng tôi thường bảo nhau giữ an toàn trên hết. Nếu vùng nào, đường sạt lở, ước tính không thể chạy xe qua thì dù khách có muốn lắm, trả giá cao, chúng tôi cũng giải thích cho họ hiểu là không nên đi tiếp. Một vài người đã từng bị ngã xây xước chân tay, như thế cũng coi như đã là một sự may mắn lắm rồi". |
Hạnh - Thu