Những đại gia bị bủa vây bởi... vòng lao lý

Những đại gia bị bủa vây bởi... vòng lao lý

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

“Cái danh chỉ là thời khắc, tiền bạc là hư vô, còn lại cái đáng giá nhất trên đời đó là danh dự”. Tuy nhiên, đã có không ít đại gia không thoát ra được khỏi vòng quay của tiền bạc để rồi dính vào vòng lao lý.

Thương trường được ví như chiến trường mà đôi lúc người ra trận vì mải miết chạy theo thắng lợi, lúc ngoảnh lại đã rơi vào vòng lao lý. Sự thật có những đại gia mà chiếc “vòng kim cô” tù tội luôn đeo bám khi nạn này chưa qua đã gặp họa khác, khiến danh dự và gia sản theo đó mà lụy bại.

Pháp luật - Những đại gia bị bủa vây bởi... vòng lao lý

Đại gia Phạm Hồng Thái vẫn miệt mài đi tìm lại chính mình sau quá nhiều nỗi oan khuất

“Đại gia của nỗi oan khuất”

Tôi quyết định tìm lại Phạm Hồng Thái (Gia Viễn - Ninh Bình) sau lần vô tình gặp khi có việc về nơi đây công tác. Lúc đó, nhiều người mách nhỏ, cuộc đời của Phạm Hồng Thái chắc cũng phải in thành sách. Tôi không tin, vì ấn tượng đầu tiên để lại với tôi chỉ là một nụ cười đôn hậu trên khuôn mặt chất đầy bụi trần. Biết tôi là nhà báo, Phạm Hồng Thái bộc bạch: “Đôi lúc người ta vẫn thường gọi tôi là đại gia như ngày nào. Nhưng sau sự khổ nhục của cuộc đời, tôi nhận ra, vinh - nhục cách nhau chỉ gang tấc. Hẳn ai trải qua được điều này mới thấu hiểu: cái danh chỉ là thời khắc, tiền bạc là hư vô, còn lại cái đáng giá nhất trên đời đó là danh dự”.

Sinh năm 1952, học hết lớp 4, cậu bé con nhà nghèo ở xứ lụt (Gia Viễn, Ninh Bình) Phạm Hồng Thái đã phải sớm bỏ học đi làm phụ hồ. Vào thời điểm ấy, ít ai dám nuôi mộng làm giàu từ hai bài tay trắng, đặc biệt ở cái xứ “cơm chưa đưa lên đến miệng, nước đã ngang lưng người” lại càng khó. Nhưng Phạm Hồng Thái lại khác. Được ông trời phú cho đôi bàn tay khéo léo, anh chàng thợ xây trẻ tuổi luôn được các cao thủ trong nghề truyền thụ bí kíp. 20 tuổi, Thái đã nổi danh là một thợ cả tài hoa. Cái danh cứ dần nổi lên theo mỗi công trình, chẳng vậy mà, ở đâu Thái cũng nhận được hợp đồng xây dựng lớn.

Cả thập kỷ 80 của thế kỷ trước là quãng thời gian hạnh phúc của Phạm Hồng Thái. Lúc đó ông là một đại gia của xứ Đồng Chưa. Năm 1985, trận lụt lớn nhấn chìm toàn vùng Nho Quan, Gia Viễn, Phạm Hồng Thái “khai ân, dán cáo thị” ở cổng làng cứu đói cho dân, danh tiếng càng lẫy lừng. Rồi cũng năm đó, nhà nước phát hành công trái, Thái bỏ ra 60.000 đồng (có giá trị khoảng 15 lượng vàng vào thời đó) để mua. Những gì Thái làm cho dân, đã được Mặt trận Tổ quốc tỉnh trao bằng khen và người dân trong vùng mến mộ.

Đang trên đà thăng tiến trong sự nghiệp thì ngày 22/12/1988, Công an huyện đến bắt Thái. Ngày 19/9/1989, TAND huyện Gia Viễn tuyên Phạm Hồng Thái 12 tháng tù giam với tội danh: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài xản XHCN”. Sáu tháng sau, (23/3/1990), TAND tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) đưa vụ án ra xét xử lại và tuyên Thái không phạm tội. Nhưng thời gian 6 tháng bị giam giữ, tài sản, danh dự của Thái cũng mất đi.

Đầu những năm 90, Phạm Hồng Thái bỏ quê tìm đến chân trời mới lập nghiệp. Bằng nghị lực và kinh nghiệm bản thân, Thái lại trở thành đại gia của một tỉnh vùng núi phía Bắc (Yên Bái). Nhưng oái oăm, sự đố kỵ, ghen ghét thêm một lần nữa lại đưa ông đến vòng lao lý. Cũng giống lần trước, sau 8 năm tù giam, ông lại được tuyên vô tội khiến mọi người phải công nhận ông là đại gia của nỗi oan khuất.

Vòng lao lý trở thành nỗi ám ảnh

Cùng “vương vấn” cảnh lao lý như Phạm Hồng Thái phải kể đến đại gia cao su Trần Văn Thìn (GĐ công ty TNHH Đông Nam Long, trú tại Lộc Ninh, Bình Phước), người tốn không ít giấy mực của báo giới trong suốt thời gian qua. Sự là, năm 2004, công ty của ông Thìn thực hiện dự án trồng cây cao su tại huyện Lộc Ninh. Để thuận đường làm ăn, sau khi ly hôn với vợ, năm 2008, ông Thìn đã làm thủ tục chuyển trụ sở công ty từ TP. HCM về Bình Phước. Việc di chuyển trụ sở tưởng hết sức đơn giản nhưng đã khiến ông Thìn phải chịu trận hơn 3 tháng trời với cơ quan công an vì lá đơn tố cáo của một thành viên góp vốn. Họ cho rằng ông đã giải thể công ty nhằm chiếm đoạt tài sản.

Nghĩ lòng ngay thẳng, không mảy may lo lắng, ông Thìn tiếp tục lao đầu vào công việc, thì bất ngờ ngày 4/7/2011, cơ quan công an tỉnh Bình phước ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nhưng sau đó, các quyết định khởi tố này đều bị Viện KSND tỉnh Bình Phước và Viện KSND Tối cao không phê chuẩn và hủy bỏ vì đây chỉ là tranh chấp dân sự và việc khởi tố là không đúng với quy định pháp luật.

Những tưởng đã yên chuyện, đến cuối tháng 6/2012, ông đã bị Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố, bắt tạm giam về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Sau khi nhận được đơn của công nhân, Ban chấp hành Trung ương; Ban dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội);... đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện KSND Tối cao có nội dung: Đề nghị xem xét thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với ông Thìn để tránh oan sai và không ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm lao động đang làm việc tại công ty. Chưa biết hạ hồi đúng sai ra sao, nhưng thực tế vòng lao lý đã trở thành nỗi ám ảnh đối với vị doanh nhân này.

Doanh nghiệp giải thể tăng hơn năm ngoái

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2012, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh là 26.324, tăng 5,4% so với cùng kì năm trước. Báo cáo kết quả rà soát số lượng doanh nghiệp năm 2012 của Tổng cục thống kê được công bố ngày 29/6/2012 cũng cho thấy, trong tổng số 541.103 doanh nghiệp đang tồn tại về mặt pháp lý, có tới 92.710 doanh nghiệp hiện nay không thể xác minh được, trong đó khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 91.517 doanh nghiệp. Trước đó, tại thời điểm 01/01/2012 Tổng cục Thuế đã báo cáo có 60.454 doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích.

Trần Quyết


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.