Người lên đỉnh cao, người về vực sâu...
Kể từ buổi chiều ảm đạm 14/8/2015 của ngân hàng Đông Á, khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố kết luận thanh tra toàn diện và quyết định kiểm soát đặc biệt với ngân hàng này, tiếp đó hàng loạt lãnh đạo chủ chốt từ Tổng giám đốc Trần Phương Bình lần lượt bị miễn nhiệm, đình chỉ, khởi tố, ngân hàng đã rơi vào hoạt động cầm chừng trong hoàn cảnh quá nhiều xáo trộn.
Hậu quả này không chỉ đến với đội ngũ DongA Bank mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến các cổ đông của ngân hàng vì cổ phiếu không còn sinh lời, cũng không thể mua bán, chuyển nhượng.
Cơ cấu cổ đông của ngân hàng Đông Á bao gồm: CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 nắm 10%; công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) nắm 7,7%, văn phòng Thành ủy TP.HCM nắm 6,87%, công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận nắm 2,14%. Cá nhân cựu Tổng giám đốc Trần Phương Bình và gia đình nắm 7,06%. Còn lại là cổ đông khác nắm 58,6%. Ngân hàng này không có đối tác chiến lược nước ngoài.
Trong đó, cổ đông gây chú ý nhất là PNJ, bởi lẽ đây là doanh nghiệp “khủng” trong lĩnh vực kinh doanh vàng, với tốc độ tăng trưởng chóng mặt trong những năm gần đây và bởi vì CEO của PNJ – nữ doanh nhân quyền lực Cao Thị Ngọc Dung chính là vợ của sếp cũ DongA Bank Trần Phương Bình.
Trong khi ông Trần Phương Bình “xộ khám” vì tội Cố ý làm trái và Vi phạm quy định về cho vay tại tổ chức tín dụng, mọi chú ý của dư luận càng đổ dồn vào hoạt động kinh doanh của PNJ.
Và điều đáng mừng là vượt qua sóng gió của DongA Bank, bà Cao Thị Ngọc Dung đã điều hành PNJ ngày càng tăng trưởng. Năm 2017, PNJ đạt 725,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt kế hoạch hơn 20%. Chỉ tính riêng trong năm, doanh nghiệp bán lẻ vàng bạc này đã khai trương mới 54 cửa hàng, tốc độ mở cửa hàng được coi là “thần tốc” ngang ngửa với chuỗi hệ thống Thế giới Di động.
Đối với khoản đầu tư tài chính dài hạn trị giá khoảng 395 tỷ đồng tương đương 7,7% cổ phần bị “chôn chân” tại DongA Bank, PNJ trước đó thừa nhận đã có thời kỳ khiến lợi nhuận của mình lao dốc. Tuy nhiên, khoản đầu tư này đã được doanh nghiệp xử lý bằng trích lập dự phòng.
Cổ đông lớn nhất của DongA Bank với tỉ lệ nắm giữ 10% vốn điều lệ (tương đương 500 tỷ đồng) là CTCP Xây dựng Bắc Nam 79. Cổ đông này vốn dĩ không được ai chú ý nếu như không liên quan đến ông trùm bất động sản Đà Nẵng Vũ “nhôm”.
Theo đó, công ty Xây dựng Bắc Nam 79 là một pháp nhân do ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”, người bị bắt giam vì tội Làm lộ bí mật Nhà nước hồi đầu tháng) từng sở hữu 92,86% vốn, tuy nhiên trước khi bỏ trốn, ông này đã thoái vốn khỏi công ty nói trên.
Trao đổi với PV báo Người đưa tin hồi cuối tháng 12/2017, đại diện ngân hàng Đông Á xác nhận, công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 là cổ đông pháp nhân đang sở hữu 50 triệu cổ phần, tương ứng 10% vốn điều lệ (giá trị theo mệnh giá là 500 tỷ đồng) tại ngân hàng này.
"Ngoài ra, cá nhân ông Phan Văn Anh Vũ cũng đang sở hữu 2,73% vốn điều lệ, tương đương gần 137 tỷ đồng (theo mệnh giá) vốn góp tại DongA Bank” – vị đại diện nói.
Ngoài hai đại gia trên, theo tìm hiểu của PV báo Người đưa tin, trong số 58,6% cổ phần DongA Bank do các “cổ đông khác” đang nắm giữ, đáng chú ý là hai tên tuổi SABECO và SASCO.
Hiện tại, SABECO đang sở hữu 0,95% vốn DongABank, tương đương hơn 136 tỷ đồng. Khi DongA Bank bết bát, giống như PNJ, Sabeco đã phải chi thêm 136 tỷ đồng để trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này.
Không đến nỗi “sa lầy” ở DongA Bank như SABECO, PNJ và công ty từng liên quan đến Vũ “nhôm”, song công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) do ông Johnathan Hạnh Nguyễn (bố chồng ngọc nữ Tăng Thanh Hà) nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị và vợ ông - bà Lê Hồng Thủy Tiên nắm giữ chức vụ thành viên Hội đồng quản trị, vẫn đang là cổ đông của DongA Bank. Hiện, SASCO vẫn ghi nhận khoản đầu tư 28,644 tỷ đồng vào DongA Bank.
Nhiều đại gia “chết hụt”
Còn nhớ, một ngày trước khi bị kiểm soát đặc biệt, Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á lúc bấy giờ là ông Trần Phương Bình khi trả lời phỏng vấn báo chí đã cho biết đang có nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đặt vấn đề mua 49% cổ phần của Ngân hàng này để trở thành cổ đông chiến lược.
Theo ông Bình, nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua 49% cổ phần DongA Bank và hỗ trợ về tài chính trong quá trình xử lý nợ xấu tái cơ cấu để DongA Bank nâng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa thương vụ đầu tư có giá trị khoảng 4.900 tỷ đồng.
Trước đó, tại Đại hội cổ đông năm 2015, ông Trần Phương Bình cũng thông báo về việc công ty Cổ phần Kinh Đô (sau này đổi tên thành công ty Cổ phần tập đoàn KIDO) sẽ rót 1.000 tỷ đồng vào DongA Bank, trở thành nhà đầu tư đồng hành với tỷ lệ cổ phần nắm giữ khoảng 10%.
Khi đó ông Bình đã đặt kỳ vọng sẽ trông cậy vào nhà đầu tư để xử lý nợ xấu và đưa DongA Bank nằm trong danh sách những NH thương mại cổ phần tự tái cơ cấu thành công mà không cần đến bàn tay của nhà nước.
Tuy nhiên điều kỳ diệu này đã không xảy ra bởi ngay ngày hôm sau, 14/8/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát đi thông báo đưa DongA Bank vào diện kiểm soát đặc biệt.
Trong một diễn biến liên quan, một nguồn tin rò rỉ cho hay thương vụ Kinh Đô – DongA Bank vốn dĩ đã không khả thi từ trước khi nhà băng này bị kiểm soát.
Vài ngày sau thông báo của ông Trần Phương Bình tại Đại hội cổ đông 2015, một người được cho là đã tham gia vào quá trình đàm phán mua cổ phần DongA Bank của KIDO cho biết hai bên đã ngưng đàm phán, phía KIDO đã quyết định không mua 1.000 tỷ đồng với lý do tình hình tài chính của DongA Bank có quá nhiều vấn đề cần cải thiện.
Trước thời điểm “bản lề” bị kiểm soát, tổng lợi nhuận trước thuế năm 2014 của DongA Bank chỉ đạt 35 tỷ đồng, giảm 96% so với năm 2013. Với kết quả trên, DongA Bank không trả cổ tức cho cổ đông. Tăng trưởng tín dụng là 1% (cho vay tổ chức tín dụng trong nước tăng 73% trong khi cho vay khách hàng giảm 2,26%) và nợ xấu là 3,7%. Năm 2015, cổ phiếu DAF buộc phải ngừng giao dịch trên thị trường OTC.
Những ai đang ngậm ngùi?
Ngoài các cổ đông lớn nói trên, hiện DongA Bank còn là “vũng lầy” về đọng vốn khiến nhiều người phải ngày ngày nhìn tiền “chết” do không còn sinh lời cũng không mua bán chuyển nhượng được.
Theo báo cáo tình hình quản trị 2017 của ngân hàng Đông Á vừa công bố hôm 18/1/2018, khối lãnh đạo DongA Bank còn chiếm giữ tỉ lệ cổ phần rất nhỏ. HĐQT còn nắm giữ gần 3% cổ phần, Ban Kiểm soát có 0,17% và Ban Tổng giám đốc giữ tỷ lệ 0,18% vốn điều lệ của ngân hàng.
Chủ tịch HĐQT – ông Võ Minh Tuấn, Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Tùng và Kế toán trưởng Bùi Nguyễn Bảo Vi không có cổ phần nào tại nhà băng này. Trong khi đó, công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận (đại diện là ông Trang Thành Sương) giữ 2,142%, tương đương hơn 100 tỷ đồng. Vợ ông Sương là bà Nguyễn Thị Hồng Thắm còn nắm giữ 0,011%, tương đương khoảng gần 600 triệu đồng.
Nguyên Chủ tịch HĐQT DongA Bank – ông Cao Sỹ Kiêm, người đã từ chức chỉ sau ít tháng ngồi ghế nóng hiện không phải cổ đông của ngân hàng Đông Á song vợ - bà Nguyễn Thị Thứ thì vẫn bị “chôn” 0,073% tại ngân hàng này, tương ứng số tiền khoảng gần 4 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại thời điểm DongA Bank bị kiểm soát đặc biệt hồi tháng 8/2015, theo chúng tôi được biết, ông Trần Phương Bình, bà Cao Thị Ngọc Dung cùng 3 con gái Trần Phương Ngọc Thảo, Trần Phương Ngọc Giao và Trần Phương Ngọc Hà vẫn đang sở hữu tổng cộng 9,62% cổ phần, tương ứng với lượng cổ phiếu có mệnh giá 480 tỷ đồng.