Hôn nhân không tình yêu
Tôi quen V.A trong một dịp khá tình cờ. V.A là người phụ trách truyền thông của một công ty chuyên về tổ chức sự kiện. V.A ăn vận theo kiểu "tomboy" dường như trở thành một điểm thu hút những người cùng có mặt trong sự kiện hôm đó. V.A không đẹp, thậm chí gương mặt nhiều góc cạnh nhưng bù lại, sự thông minh, sắc sảo và giọng nói trầm ấm của cô tạo nên một ấn tượng khá tốt.
Người đồng tính vẫn ước mơ có được một gia đình bình thường như bao người khác.
Một lần, chừng tối muộn, không hiểu buồn vì chuyện gì, V.A uống rượu say rồi gọi tôi đến đưa về. Lần đầu tiên đến căn phòng nhỏ chưa đầy 10 mét vuông, nhỏ tới mức không thể đứng thẳng người, phải đi lom khom, khó khăn lắm mới đưa cô về được chiếc giường nhỏ trong tình trạng say mềm. Nhìn lại, căn phòng cũng không đến nỗi tù túng như ban đầu. Trên tường dán đầy poster và ảnh tạo nên cảm giác ấm cúng. Đặc biệt có rất nhiều ảnh V.A chụp ảnh cùng một cô gái xinh đẹp, trông cả hai rạng ngời hạnh phúc. Tuy rất tò mò nhưng tôi không hỏi thêm gì.
Mấy hôm sau, buổi chiều V.A hẹn gặp rồi lại khóc. Cô hỏi tôi có biết những bức hình chụp trên tường là của ai không, tôi chỉ cười. V.A cười cay đắng nói: "Đó là người yêu của em đấy chị ạ. Em buồn, em uống rượu vì cô ấy vừa mới phải đi lấy chồng". Nghe V.A, tôi từ bất ngờ đến choáng váng. Quen biết V.A đã lâu nhưng chưa bao giờ tôi nghi ngờ về giới tính của bạn mình. Ngoài cách ăn mặc rất nam tính và tác phong làm việc khá khắt khe, V.A chưa từng có biểu hiện nào lạ, tôi nghĩ rằng V.A không để ý nhiều đến chuyện yêu đương chẳng qua là vì quá ham công việc. Nhìn V.A khóc, cảm giác buồn cứ nhói lên trong lồng ngực. V.A quen cô gái ấy cũng được gần một năm, quen rồi cùng yêu chứ không phải yêu đơn phương. Bên ngoài, hai người khá kín tiếng, người ngoài có nhìn vào cũng chỉ nghĩ là đôi bạn thân chứ tuyệt nhiên không hề nghĩ là một đôi "tình nhân". Tuy nhiên, vì sức ép của gia đình, người yêu của V.A buộc phải kết hôn theo sự sắp xếp của gia đình.
V.A khiến tôi suy nghĩ khá nhiều về câu chuyện của những người đồng giới. Hiện nay, khi xã hội đã có cái nhìn cởi mở hơn trong việc chấp nhận giới tính thứ ba, việc chấp nhận những mối quan hệ đồng giới nhưng chưa phải ai cũng có thể đồng thuận ngay được. Nhiều người đồng giới cũng vì thế mà buộc phải giấu đi giới tính thật của mình và "ngả theo chiều" của gia đình và xã hội. Khi mà việc có người thân trong gia đình thuộc giới tính thứ ba vẫn còn là sự sỉ nhục đối với một số người, không phải người đồng tính nào cũng dám sống thật, thậm chí phải chấp nhận tìm kiếm một bạn tình giả để che mắt người ngoài. Những đám cưới hợp đồng, những đám cưới giữa gay (đồng tính nam) và les (nữ) dường như trở thành cứu cánh với họ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tìm được những "mối kết hôn lý tưởng" như vậy. Sự ép buộc của gia đình và người thân đã dẫn đến những đám cưới đầy nước mắt, kéo theo những bi kịch không lời.
L.T, một đồng giới nam ở Hà Nội, đã có gia đình riêng với người khác giới tâm sự: "Trước ngày rước dâu, em khóc rất nhiều. Khóc vì thương cho mình và nhớ người em yêu. Đêm tân hôn, để có thể thực hiện nghĩa vụ của một người chồng, em phải dùng viagra. Trong suốt ba tháng sau đó, em vẫn phải dùng thuốc để có thể duy trì. Sau đó thì cũng quen dần, không phải dùng thuốc nữa nhưng cũng không thể có cảm giác gì với vợ". L.T thương vợ mình, cũng không cố gắng để gặp lại bạn tình trước đó, nhưng với anh, cuộc sống ngày càng trở nên vô nghĩa. Trong mắt người ngoài, L.T có một gia đình hạnh phúc nhưng chỉ có người trong cuộc mới thấm thía được cảnh nằm cạnh nhau mà xa cách nghìn trùng.
Tiến sĩ Nguyễn Thu Nam cho biết kết quả nghiên cứu trực tuyến có trên 2.500 người đồng tính.
Sự tổn thương không thể nào bù đắp
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Quang Bình, Viện trưởng viện Nghiên cứu kinh tế xã hội và môi trường (ISEE) kể lại câu chuyện của một đồng tính nữ ở Hải Dương cách đây ít lâu có tìm đến với chương trình nghiên cứu của viện dành cho người đồng tính. Cô gái tên B.D kể về ngày cưới của mình, khi bước lên xe hoa cũng là lúc cô chết lặng trong lòng. Lấy người đàn ông mà mình không hề có cảm giác, chuyện vợ chồng "em cứ trơ như khúc gỗ, mặc kệ chồng muốn làm gì thì làm".
Nhiều người đồng tính, sau khi kết hôn chỉ mong muốn có con để có thể dồn tình thương của mình cho con cái, để cố gắng tạo nên một cảm giác gia đình nhưng sau cùng, cảm giác đó cũng chỉ là cảm giác giả. Những người mạnh dạn dám trở lại với cuộc sống thật của mình, lựa chọn ly hôn đã đành, những người vì những lý do khác tiếp tục chấp nhận hôn nhân nhưng lại ngày càng khoét sâu vào sự tổn thương của vợ hoặc chồng mình và cả chính bản thân họ.
Số người đồng tính may mắn có được những cuộc hôn nhân "dị tính" như ý không nhiều. Do có mối quen biết rộng, có thể tìm được những người có cùng hoàn cảnh như mình, đều có nhu cầu che mắt cha mẹ, người thân nên họ tìm đến với nhau. Đám cưới của T.A (đồng tính nam, 35 tuổi, hoạt động nghệ thuật) và X.L (30 tuổi, đồng tính nữ, kinh doanh) diễn ra trong sự chúc phúc của bạn bè, người thân. Đều là những người thành đạt nên họ có thể góp tiền mua được một căn hộ trong phố. Sau một thời gian, căn nhà của họ lại có thêm một cặp đôi khác đến ở cùng. Hỏi thì bảo là bạn bè nhưng chỉ có những người thân quen mới biết, cặp đôi kia chính là người tình của hai vợ chồng, cả hai chấp nhận cuộc sống chung, việc ai nấy làm, tình ai nấy yêu, hài lòng với những việc người kia làm.
Trở lại với câu chuyện của V.A, người đã được đề cập tới ở đầu bài viết. V.A kể trước kia, cũng đã từng cố gắng để thử yêu người khác giới nhưng "mỗi lần người ta động vào những chỗ nhạy cảm của mình là em cảm thấy đau đớn lắm, không thể nào cố gắng được". Hạnh phúc và có một gia đình bình thường, một vợ một chồng như bao người khác cũng là ước mơ của những người đồng tính. Tuy nhiên tạo hoá đã không cho họ lựa chọn được giới tính của mình ngay ban đầu, chấp nhận cuộc hôn nhân dị tính hay đấu tranh để có được tình yêu là một câu hỏi khiến họ phải lựa chọn.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thu Nam, viện Chiến lược và Chính sách y tế thì theo nghiên cứu trực tuyến gần 2.500 người đồng tính, song tính và chuyển giới thì chỉ có 54 người đã từng kết hôn với người dị giới. Lý do mà họ đưa ra là do gia đình ép buộc, mong muốn bản thân có gia đình như những người bình thường, sinh con và báo hiếu với cha mẹ. Tuy nhiên, 52% trong số này sau một thời gian chung sống đã không thể lừa dối bản thân, cảm thấy hôn nhân như địa ngục nên phải ly hôn. Nhiều người sau khi chia tay với chồng hoặc vợ trên danh nghĩa cảm thấy xót xa vì mối quan hệ "đồng sàng dị mộng" của mình đã để lại nỗi buồn cho những đứa con. Số khác vì lo sợ gây nên sự tổn thương cho bạn đời của mình nên vẫn gắng gượng duy trì mối quan hệ gia đình, tạo nên một cuộc sống nhạt nhoà, không hạnh phúc cho cả đôi bên.
“Em khóc thương cho tình trái ngang...” Cái ngày V.A uống say đó cũng là ngày người yêu cô đi lấy chồng. V.A kể, cũng chẳng mong nhận được sự thông cảm, an ủi gì từ nơi tôi mà chỉ muốn được thành thật với một ai đó. "Những người như em, gặp chuyện như vậy cũng là bình thường thôi chị ạ. Xã hội không dễ dàng chấp nhận để hai người đồng giới yêu nhau. Bạn gái em thì yếu đuối lắm, cô ấy không thể chịu được sự phản đối của gia đình. Lúc nhìn cô ấy lên xe hoa, cô ấy cũng khóc mà em cũng khóc theo. Có điều người ta tưởng cô ấy khóc theo kiểu cô dâu về nhà chồng, còn em thì người ta không để ý đến...". |
Đỗ Huệ