Hồi đó cô văn dạy mình người Huế, bữa học đầu tiên không học về bình luận tác phẩm, cũng không học về văn nghị luận xã hội mà học về thơ và dấu câu.
Mình ấn tượng nhất câu nói của cô về dấu ba chấm. Rằng mỗi khi con đặt bút viết dấu ba chấm, hãy suy nghĩ thật kỹ. Không phải cái chấm lửng nào cũng dạt dào cảm xúc, cũng không phải chỉ có những dấu chấm lửng mới mang lại sự nghẹn ngào. Con dùng dấu chấm lửng ít thôi, nhưng làm sao để khi con chấm một chấm đầu tiên thì người khác dừng lại, chấm thứ hai thì người ta lặng đi và chấm thứ 3 thì người đó ngã gục luôn. Cái hay của dấu chấm lửng là ở chỗ đó.
Mình vẫn nhớ hoài bài học đó. Cái sự nhớ khác với việc mình thuộc làu làu đoạn mở bài tủ mà bài nào cũng viết ra được. Kiểu như: “Cuộc sống không là bất tận. Con người đến rồi đi duy nhất một lần trong đời. Có lẽ vì thế mà trước phút lâm chung, vua phổ gọi Mozart lại mà bảo rằng: Ta vốn là kẻ trị vì thiên hạ. Ngươi là người đem những nốt nhạc cống hiến cho thế gian. Biết đâu hậu thế sau này quên ta mà nhớ đến ngươi. Vâng, nếu như Mozart đã đem những nốt nhạc thắp lên cho vườn bông nghệ thuật của thế giới thì (điền tên ông nhà thơ nhà văn nào đó vô) đã ghi dấu ấn trên văn đàn Việt Nam với tác phẩm (điền tên tác phẩm).
Cái nhớ là ở sự cẩn trọng khi dùng từ ngữ. Cả những dấu câu nó cũng có câu chuyện riêng của nó. Không phải lúc nào muốn phẩy thì phẩy. Làm nghề viết (hoặc chỉ cần ngồi viết một cái gì đó) cũng phải suy nghĩ cẩn trọng những gì mình viết ra. Những điều đó có đúng không, có phù hợp với xã hội không, có mang lại bài học nào cho mọi người không hay chỉ là những cách chộp giật tin tức nhằm mang lại số lượt xem cao cùng một số tiền nhuận bút rủng rỉnh.
Những đồng tiền đó thì bẩn lắm
Làm nghề viết trước nhất là cần cái tâm.
P.L (Gocsuyngam)