Mới đây, nằm trong khuôn khổ ra mắt bản dịch tiếng Việt cuốn sách “Tớ không sợ bị bắt nạt”, các diễn giả bao gồm: Ths. Nguyễn Thị Mai Hương- Giảng viên khoa Công tác xã hội trường đại học Sư phạm Hà Nội, cô giáo Xuân Phạm- Hiệu trưởng một trường mầm non và TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh- Chủ nhiệm CLB "Sách ơi mở ra" đã có những chia sẻ đầy thú vị về chủ đề "Giúp con khỏi bị bắt nạt" tại hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội).
Trong buổi tọa đàm, ngoài việc nói về nội dung của cuốn sách “Tớ không sợ bị bắt nạt”, các diễn giả cũng đã đưa ra một số dấu hiệu nhận biết trẻ bị bắt nạt học đường, cùng với đó là giải pháp hiệu quả nhất để trẻ thoát khỏi tình trạng bị bắt nạt, tự tin hơn trong cuộc sống.
Chia sẻ trong chương trình, cô giáo Xuân Phạm cho biết: “Hành vi bắt nạt là một dạng bạo lực, hành vi này không dừng lại mà còn gia tăng liên tục, kéo dài nhằm tăng sự thỏa mãn, hiếu chiến cho người bắt nạt được người khác”.
Theo các diễn giả, đối tượng dễ bị bắt nạt nhất là trẻ em đang ở độ tuổi đến trường. Có thể, các em bị chính thầy cô, bạn bè bắt nạt nhưng người lớn không để ý. Còn về nhà, đôi khi phụ huynh cũng là người bắt nạt con mà không hề hay biết như: Ép con ăn món con không thích, ép con học môn học mà chúng cực kỳ ghét...
Nói về những dấu hiệu để các phụ huynh dễ nhận biết khi con mình bị bắt nạt ở trường, Ths. Nguyễn Thị Mai Hương chia sẻ: “Điều đầu tiên bố mẹ dễ nhận thấy con bị bắt nạt đó là áo quần, sách vở của con bị hủy hoại mỗi khi đi học về. Cơ thể con xuất hiện vết cào, xước,... khi hỏi, con không giải thích được, hoặc sợ sệt".
Một điều nữa, con không thích tham gia các hoạt động mà lớp tổ chức, không hứng thú làm bài tập hoặc có dấu hiệu về mặt trầm cảm, khóc, khó ngủ, thường xuyên gặp ác mộng, lộ vẻ lo lắng và giảm lòng tự tin ở bản thân”.
Trong suốt buổi trò chuyện, các diễn giả cũng đã đưa ra những giải pháp để con trẻ không dễ bị bắt nạt.
Ths. Nguyễn Thị Mai Hương thẳng thắn: “Để con trẻ không bị bắt nạt hay chia sẻ những điều khó nói với cha mẹ thì cha mẹ phải là tấm gương cho các con học hỏi, giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống cho con, để con hiểu được quyền của mình. Mặt khác, phụ huynh cũng cần ghi nhận khả năng của con bằng những lời khen, chê rõ ràng như: “Mẹ rất hài lòng khi con biết giúp mẹ việc nhà” hay “Bố không đồng ý khi con đánh em như thế”.
Ngoài ra, phụ huynh nên định hình cho con cái tôi để con được khẳng định bản thân, việc này sẽ giúp con trở nên tự tin hơn. Một khi con tự tin thì sẽ chẳng ai dám bắt nạt con cả. Để làm được điều đó thì lời nói của bố mẹ với con hàng ngày là điều cực kỳ quan trọng”.