Bàn chân có màu vàng
Bàn chân không chỉ "gánh vác" cả trọng lượng cơ thể mà nó còn có thể thông báo cho con người những dấu hiệu bất thường của sức khỏe. Da ở chân có màu vàng có thể là dấu hiệu cảnh báo quá trình chuyển hóa các chất ở gan không ổn, đặc biệt là bilirubin. Khi bị dư thừa, bilirubin sẽ đi vào máu và có biểu hiện ngả vàng qua da.
Xuất hiện màu xanh hoặc tím ở ngón chân
Trường hợp ngón chân thay đổi màu sắc ngay cả khi thời tiết ấm áp hay chân không bị lạnh, thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo về hội chứng ngón chân xanh, xảy ra khi các mạch máu bị chặn. Do đó, nếu thấy chân xuất hiện các vết thâm màu xanh hoặc tím thì bạn nên đi kiểm tra tình trạng mạch máu sớm.
Đau gót chân
Đau gót chân khiến bạn không những cảm thấy khó chịu mà còn hạn chế vận động. Chân là bộ phận nâng đỡ cả cơ thể, do đó bạn có thể bị đau gót chân khi đứng quá lâu hoặc chạy nhiều. Tuy nhiên, nguyên nhân gây đau gót chân không đơn giản như vậy. Có rất nhiều tình trạng bệnh lý khiến một người bị đau gót chân trong đó phổ biến là: Viêm cân gan chân, bong gân và căng cơ, viêm cột sống dính khớp, thoái hóa xương sụn, viêm khớp phản ứng, gãy xương, viêm gân gót chân, viêm bao hoạt dịch khớp, hội chứng ống cổ chân.
Khi bị đau gót chân vài ngày không khỏi tốt nhất bạn nên đến cơ sở y tế để tìm ra nguyên nhân và có phương án điều trị kịp thời.
Thường xuyên bị chuột rút
Mất nước thường làm cơ bắp bị chuột rút vì vậy bạn nên uống đủ nước, đồng thời bổ sung thêm kali, magiê và canxi. Để giảm nhẹ tình trạng chuột rút, bạn nên ngâm chân trong nước ấm và duỗi chân hướng lên mũi, không hướng xuống. Nếu hiện tượng chuột rút diễn ra thường xuyên bạn nên đi khám sớm nhất có thể bởi bệnh nhân bị các bệnh: Tiểu đường, Parkinson, đường huyết thấp, thiếu máu, bệnh tuyến giáp, bệnh thận đang lọc máu, rối loạn tuần hoàn, bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới đều dễ bị chuột rút.
Đau lòng bàn chân
Đau lòng bàn chân có thể được cảm nhận ở phần gót chân, giữa vòm của lòng bàn chân hay phần ụ ngón chân tuỳ thuộc vào các bệnh lý khác nhau như: Viêm cân gan chân, viêm xương gót, đau ụ ngón chân, gãy xương cơ học hoặc gãy xương stress, hội chứng ống cổ chân.
Đôi khi đau lòng bàn chân tự hết sau một vài ngày. Nếu cơn đau kéo dài hơn hai tuần, hoặc cơn đau trầm trọng đi kèm với sưng tấy hoặc đổi màu da thì hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Tê chân
Bị tê hai chân thường là dấu hiệu rối loạn ngoại vi hệ thần kinh, đa phần gây ra bởi bệnh tiểu đường, chứng nghiện rượu mãn tính hoặc hiệu ứng của hóa trị. Nếu chỉ bị tê một chân, có thể là dây thần kinh bị ép chặt ở chân, mắt cá và lòng bàn chân, thông thường do bạn đi giày quá chật trong thời gian dài.
Các mảng đen trên móng chân
Gan là nơi tiến hành lọc máu, giúp xử lý các chất độc. Bình thường gan chuyển hóa các chất có hại để giữ cho máu sạch và khỏe mạnh. Khi gan có vấn đề, độc tố trong máu sẽ tăng lên, tuần hoàn máu không bình thường khiến bàn chân lắng đọng nhiều độc tố. Triệu chứng chính là móng chân có những đường dọc hoặc mảng đen.
Móng chân vàng
Móng chân thường bị vàng tự nhiên khi lớn tuổi hoặc sơn móng chân trong thời gian dài. Tuy nhiên, nếu kèm theo hiện tượng giòn, dễ gãy hoặc dễ bong tróc, đó có thể là dấu hiệu bị viêm nhiễm do nấm.
Da bàn chân khô, nứt nẻ
Đối với hầu hết mọi người, nứt gót chân không quá nghiêm trọng. Dấu hiệu đầu tiên của gót chân nứt nẻ là có những vùng da khô, dày ở xung quanh vành gót chân. Khi bạn đi bộ, lớp đệm mỡ dưới gót chân của bạn sẽ nở ra. Điều này làm cho các lớp da dễ bị nứt.
Các yếu tố khác có thể gây nứt gót chân bao gồm: Đứng trong nhiều giờ, đi chân trần hoặc đi dép hở gót, tắm nước nóng lâu, sử dụng xà phòng tẩy rửa mạnh, mang giày không vừa hoặc không bảo vệ được gót chân, da khô do khí hậu chẳng hạn như nhiệt độ lạnh hoặc độ ẩm thấp.
Song da bàn chân khô nứt còn có thể gây ra bởi một số bệnh như viêm da, vảy nến, eczema, chứng dày sừng, nhiễm nấm. Ngoài ra, khi bàn chân có mùi thì có thể đây là dấu hiệu bị nhiễm nấm. Phần da giữa các ngón chân và gan bàn chân có thể bị ngứa, cảm giác châm chích nhức nhối, nứt nẻ và khô.
Phù chân
Có một số bệnh phát sinh trong nội tạng có thể biểu hiện bằng những dấu hiệu bất thường trên đôi chân. Ví dụ, khi bị suy tim phải, máu sẽ ứ ở tuần hoàn ngoại vi gây nên tình trạng sưng, phù chân. Phù lúc đầu ở 2 chi dưới sau có thể phù toàn thân, phù tăng lên khi đứng lâu, tăng về chiều, giảm phù khi nghỉ ngơi ngoài ra còn kèm theo biểu hiện đi tiểu ít.
Nếu bàn chân có hiện tượng phù nề rõ ràng và dần trở nên nặng hơn, bạn cũng cần hết sức cảnh giác. Sự chuyển hóa bất thường của gan khiến các dịch trong cơ thể lưu thông kém dẫn đến bàn chân bị sưng.
Ngoài ra phù chân còn là dấu hiệu cảnh báo các bệnh khác như: Suy giãn tĩnh mạch chi dưới, phù nề chân do tắc nghẽn đường bạch huyết, bệnh thận, viêm tắc tĩnh mạch,…
Xuất hiện những vết bầm tím không rõ nguyên nhân ở chân
Nếu bạn bỗng nhìn thấy các đốm thâm tím hoặc xanh xuất hiện ngẫu nhiên mà không có bất kỳ nguyên nhân va đập nào và lưu lại trong một thời gian dài trên da thì bạn nên đi khám sớm. Tình trạng này xảy ra có thể là do một số bệnh như: Bệnh gan, một số bệnh tự miễn, viêm mạch máu,…
Nổi mẩn đỏ ở chân
Nếu chân bạn nổi những đốm màu đỏ tươi, đỏ sẫm hoặc tím, có thể đi kèm một số phản ứng như ngứa rát trong thời gian dài, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm mạch máu và một số bệnh tự miễn như lupus hoặc viêm khớp dạng thấp.
Đau cổ chân
Nguyên nhân đau khớp cổ chân có thể do chấn thương, gout, cân nặng, lối sống,… Để khắc phục tình trạng này, bạn cần thay đổi thói quen ăn uống, vận động nhẹ nhàng kết hợp với điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Minh Hoa (t/h)