Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất trong cơ thể, có hình dạng giống như con bướm nằm ở phía trước cổ tương đương với vị trí từ đốt sống cổ 5 đến đốt sống ngực 1. Do kích tố của tuyến giáp chủ yếu là chất tyrosine được hình thành từ tyrosin và i-ốt nên tuyến giáp đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng như tăng cường quá trình trao đổi chất, kích thích sự sinh trưởng phát dục, điều hòa quá trình tạo nhiệt, làm tăng đường huyết, kích thích hoạt động của tim. Ngoài ra tuyến giáp còn có tác dụng kích thích sự phát triển và hoàn thiện hệ thần kinh và điều tiết lượng photpho và canxi trong máu luôn duy trì nồng độ 1%.
Ung thư tuyến giáp là căn bệnh đáng sợ nhất liên quan đến tuyến giáp. Dù chỉ chiếm khoảng 1% trong các loại ung thư nhưng là dạng ung thư tuyến nội tiết thường gặp nhất. Đa số ung thư tuyến giáp tiến triển âm thầm, giai đoạn ẩn bệnh dài nên thường khó phát hiện.
Việt Nam nằm trong nhóm có tỉ lệ mắc ung thư tuyến giáp cao. Khi mắc bệnh, bệnh nhân thường gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và gặp phải những tác động tiêu cực đến tâm lý. Ở giai đoạn đầu, bệnh không có triệu chứng rõ ràng, đến các giai đoạn sau, các triệu chứng xuất hiện nhiều hơn như khàn giọng, sưng hạch bạch huyết ở cổ và gây đau kèm theo tình trạng khó thở và khó nuốt. Đặc biệt nếu sờ thấy khối u ở vùng cổ rất có thể bạn đã mắc ung thư tuyến giáp.
Căn cứ vào biểu hiện lâm sàng, phương pháp điều trị và tiên lượng có thể chia ung thư tuyến giáp thành 2 loại là ung thư tuyến giáp thể biệt hóa và ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa. Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa tiến triển chậm, người bệnh thường đến viện khi u tại chỗ và hạch di căn còn có thể cắt bỏ được. Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa tiến triển nhanh, chỉ khi u và hạch đã xâm lấn rộng, không thể cắt bỏ được người bệnh mới tìm đến bệnh viện.
Nếu được phát hiện sớm, ung thư tuyến giáp là một trong những dạng ung thư dễ điều trị thành công nhất, tỷ lệ sống trên 5 năm cho bệnh nhân là gần 100%.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư tuyến giáp
- Bệnh nhân có tiền sử điều trị các bệnh lý bằng xạ trị
- Bệnh nhân có chế độ ăn thiếu I-ốt
- Bệnh nhân có người thân trong gia đình từng mắc bệnh
- Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh về tuyến giáp như bướu giáp, bệnh basedow hoặc hormone tuyến giáp mãn tính
- Yếu tố tuổi tác, Hormone (bệnh nhân mắc bệnh này thường nằm trong độ tuổi từ 30-50. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 - 4 lần so với nam giới).
Các dấu hiệu cảnh báo bệnh
- Sờ thấy khối u ở tuyến giáp: Khoảng 90% nhân giáp là lành tính nhưng nếu bạn phát hiện u lớn ở trước cổ, dưới yết hầu, hãy theo dõi sự hoạt động của nó. Chú ý xem khối u có di chuyển lên xuống khi nuốt không. Phần lớn u lành tính sẽ di chuyển lên xuống, trong khi các khối u ác tính không di chuyển.
- Bị khàn tiếng: Một trong những dấu hiệu dễ nhận biết của ung thư tuyến giáp là giọng nói khàn. Bởi các dây thần kinh thanh quản kiểm soát các cơ mở và đóng dây thanh âm nằm ở phía sau tuyến giáp nên rất có thể sự phát triển của khối u ung thư làm tổn thương dây thần kinh này và ảnh hưởng tới hộp thanh âm.
- Nuốt vướng và khó thở: Khi khối u phát triển đến kích thước nhất định sẽ khiến bạn cảm thấy nuốt hoặc khó thở, đây có thể là dấu hiệu ung thư tiến triển và ác tính cao.
-Ho mãn tính: Một số người bị ung thư tuyến giáp sẽ bị ho mà không rõ nguyên nhân. Ho do ung thư tuyến giáp khiến người bệnh bối rối vì bệnh nhân thấy ho nhưng không kèm sốt và có đờm.
Ở giai đoạn muộn, bạn có thể sờ thấy các khối u to, rắn, cố định trước cổ, da vùng cổ bị thâm nhiễm hoặc sùi loét chảy máu hoặc các triệu chứng của di căn xa như đau xương trong di căn xương... Nếu gặp phải những triệu chứng này, bạn nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa để được điều trị sớm nhất có thể.
Ung thư tuyến giáp được chia làm 4 giai đoạn dựa trên 3 đặc tính: kích thước khối u, sự di căn đến các hạch lympho và sự di căn đến các cơ quan xa tuyến giáp. Có nhiều phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp như phẫu thuật, iốt phóng xạ, điều trị hormone, xạ trị từ bên ngoài, hóa chất, điều trị trúng đích. Các bác sĩ sẽ căn cứ vào loại ung thư, giai đoạn bệnh, tuổi tác và tình trạng sức khỏe của người bệnh để có phác đồ điều trị thích hợp.
Sau điều trị, nên định kỳ 3 tháng tái khám 1 lần trong 2 năm đầu, 1 năm 1 lần trong những năm tiếp theo. Ngoài ra để phòng bệnh, mọi người nên duy trì lối sống lành mạnh, không dùng chất kích thích, ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ đồng thời thường xuyên luyện tập thể thao để tăng cường quá trình chuyển hóa của cơ thể.
Minh Hoa (t/h)