Hà Nội quyết định đầu tư xây dựng bến xe Yên Sở với diện tích khoảng 3,2ha (cạnh công viên Yên Sở, quận Hoàng Mai) có mặt tiền trên đường gom vành đai 3 chỉ cách bến xe Nước Ngầm hơn 1km, đang gây ra nhiều tranh cãi. Dư luận cho rằng, việc đầu tư bến xe Yên Sở sẽ làm cho “bức tranh” vận tải của Thủ đô bị “méo mó”.
Theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, khu vực cửa ngõ phía Nam Hà Nội hiện có 2 bến xe khách lớn là bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm đang hoạt động rất ổn định, chưa cho thấy dấu hiệu quá tải. Những đoạn đường cửa ngõ phía Nam TP.Hà Nội đang là điểm nóng về ùn tắc giao thông.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông luôn có mặt tại nhiều chốt, trạm ở những khu vực quanh đây để phân luồng, điều tiết giao thông. Việc xuất hiện thêm bến xe khu vực có thực sự phù hợp cũng là dấu hỏi lớn với nhiều người.
Tại khu đất 3,2ha để xây bến xe Yên Sở đã được quây kín bằng những tấm tôn màu xanh, bên trong có nhiều máy xúc đang tích cực hoạt động để giải phóng mặt bằng. Điều khiến nhiều người khó hiểu bởi hiện khu vực cửa ngõ phía Nam nếu có thêm bến xe Yên Sở sẽ dẫn tới 3 bến xe quá gần nhau, không “giải tỏa” được ách tắc mà còn khiến giao thông khu vực này thêm rối ren.
Khu vực được quy hoạch xây dựng bến xe Yên Sở chỉ là đường gom của đường vành đai 3, đây là tuyến đường nối giữa nút giao Pháp Vân đến cầu Thanh Trì có mật độ giao thông rất lớn, không thuận tiện cho việc xây dựng bến xe. Đặc biệt, nút giao Pháp Vân và cầu Thanh Trì là hai “điểm nóng” thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
Một điểm khó hiểu khác là theo tờ trình của Sở GTVT và trong báo cáo UBND thành phố gửi Thường trực Thành uỷ Hà Nội đều xác định đây là bến xe “trung hạn” và “bến xe trong giai đoạn quá độ chuyển tiếp giữa các bến xe hiện có và bến xe quy hoạch mới”. Nhưng thực tế, Hà Nội lại cấp phép cho bến xe này hoạt động 50 năm.
Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, tại đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp nhận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của sở Quy hoạch – Kiến trúc gửi UBND TP.Hà Nội vào ngày 7/5/2018 có nêu rõ: Các bến xe hiện có nằm sâu trong phạm vi đô thị trung tâm tạm thời được giữ lại tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo trên cơ sở quy mô hiện có gồm 4 bến xe: Gia Lâm; Mỹ Đình; Giáp Bát; Nước Ngầm, dự kiến sau năm 2025, tất cả các bến xe này sẽ di chuyển ra khỏi vành đai 3.
Ngoài ra, các bến xe khách liên tỉnh quy hoạch mới chỉ gồm có 7 bến phục vụ đô thị trung tâm gồm: Bến xe Nội Bài; bến xe Đông Anh; bến xe Cổ Bi; bến xe Ngọc Hồi; bến xe Yên Nghĩa; bến xe phía Tây thành phố nằm tại khu vực nút giao đường vành đai 4 và QL6; bến xe Phùng.
Trong đó, xây dựng bến xe khách Yên Sở tại vị trí vành đai 3, phường Yên Sở, trong giai đoạn quá độ chuyển tiếp giữa các bến xe hiện có và bến quy hoạch xây dựng mới.
Tại đồ án này, thấy rõ bến xe Yên Sở chỉ là bến xe được xây dựng tạm thời để phục vụ trong giai đoạn quá độ chuyển tiếp giữa các bến xe hiện có và bến quy hoạch xây dựng mới. Chức năng của bến xe này tương tự như 4 bến xe: Gia Lâm; Mỹ Đình; Giáp Bát; Nước Ngầm, tuy nhiên lại được cấp phép hoạt động 50 năm.
Việc cấp phép xây dựng bến xe Yên Sở, khiến cho dư luận phản ứng, thắc mắc tại sao bến xe Gia Lâm; Mỹ Đình; Giáp Bát; Nước Ngầm không được cấp phép như bến xe Yên Sở trong khi chức năng hoạt động đều như nhau. Liệu rằng, việc cấp phép xây dựng bến xe Yên Sở có hợp lý hay không?
Trước đó, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc sở GTVT Hà Nội cho biết, trong Quy hoạch giao thông của TP.Hà Nội có bến xe tĩnh của Hà Nội và bãi đỗ xe Yên Sở phù hợp với quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ-TTg năm 2016.
Hiện tại, Hà Nội cũng chưa có quy hoạch nào về bến xe ngoài Quyết định 519 này. Nếu chỉ xây dựng một bến xe phía Nam (Ngọc Hồi) để thay thế 2 bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm sẽ là quá tải. Vì vậy, cần phải có một bến xe Yên Sở trong trung hạn nhằm điều tiết nhu cầu và hỗ trợ cho bến xe phía Nam.
Báo Người Đưa Tin tiếp tục thông tin về vụ việc.
Nhóm PV