Những đề xuất đánh thuế "lạ đời" gây hoang mang dư luận

Những đề xuất đánh thuế "lạ đời" gây hoang mang dư luận

Bùi Thị Lan Anh

Bùi Thị Lan Anh

Thứ 3, 07/05/2019 14:46

TP.HCM vừa đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước hoa, dịch vụ thẩm mỹ và điện thoại di động vì cho rằng đây là những xa xỉ phẩm, đồ của "nhà giàu". Tuy nhiên, nhìn lại thì thấy ngoài đề xuất trên cũng có một số đề xuất lạ khác gây tranh cãi.

Dư luận đang xôn xao đề xuất mới đây của TP.HCM về việc đánh thuế với mặt hàng nước hoa, dịch vụ thẩm mỹ và điện thoại di động. Nếu đề xuất này được thông qua, liệu hàng triệu người băn khoăn về tính khả thi cũng như mục đích của đề xuất.

Tuy nhiên, nhìn lại thời gian gần đây ở TP.HCM cũng thấy một số đề xuất thuế lạ đời khác gây nhiều tranh cãi.

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước hoa, điện thoại là “lỗi tư duy”

Lý do đánh thuế được UBND TP.HCM đưa ra là nhằm “giúp mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên”. Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật BASICO, cho rằng UBND TP.HCM không có căn cứ nào hợp lý khi đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho các mặt hàng như điện thoại, nước hoa.

Theo luật sư Đức, thuế tiêu thụ đặc biệt để đánh vào loại hàng hoá, dịch vụ xa xỉ hoặc độc hại hay it nhất là vì lý do nào đó mà nhà nước thấy rằng không khuyến khích. Nếu không thuộc những trường hợp đó thì hàng hóa sẽ bị đánh thuế giá trị gia tăng.

Tiêu dùng & Dư luận - Những đề xuất đánh thuế 'lạ đời' gây hoang mang dư luận

TP.HCM đề xuất đánh thuế với điện thoại di động vì đây là mặt hàng xa xỉ?!

“30 năm trước, điện thoại di động còn là một mặt hàng xa xỉ mà còn không bị đánh thuế. Nay nó đã trở thành một vật dụng thiết yếu, thông dụng, với số thuê bao ngang với dân số, mà đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thì có thể đánh thuế bất cứ hàng hoá, dịch vụ nào”, “ti vi, tủ lạnh, mô tô, xe máy… đều phải đánh hết?”, luật sư Đức nêu quan điểm.

Đồng ý điện thoại di động là hàng hóa thiết yếu nhưng UBND TP.HCM lại cho rằng cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng này để “điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên"?!

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: "Đó là lỗi tư duy". Cụ thể, theo ông Đức, điều tiết thu nhập của dân cư là việc của luật Thuế thu nhập cá nhân. Người nghèo không phải nộp thuế, người khá thì nộp 10 – 20%, còn người giàu thì có thể phải nộp thuế lên đến 35% thu nhập.

Nếu mặt hàng nào cũng đánh thuế như vậy thì không khác gì muốn quay lại thời kinh tế bao cấp, chắt bóp tích lũy, vì cái gì cũng thiếu, nên cấm ăn chơi, phải thắt lưng buộc bụng hạn chế triệt để nhu cầu tiêu dùng. Cũng theo Giám đốc công ty luật BASICO, muốn thu được nhiều thuế thì phải nuôi dưỡng nguồn thu bền vững, tăng tiêu thụ để tăng nguồn thu, chứ không phải là tăng thuế, bòn mót từng đồng thuế trên mọi thứ sản phẩm thiết yếu và đại trà.

“Tư duy tận thu này không có triết lý và chỉ có hại cho sự phát triển”, luật sư Đức nhấn mạnh.

Đánh thuế rượu bia cao hơn tỉnh khác

Nhìn lại thời gian gần đây thì thấy ngoài đề xuất trên, TP.HCM cũng từng có một số đề xuất “lạ” khác gây tranh cãi, ví như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia và đánh thuế thu nhập với khoản lãi tiền gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng!

Về đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết mục đích chính và quan trọng nhất của việc tăng thuế là nhằm giảm dần mức tiêu thụ rượu bia và tăng thu cho ngân sách TP.

Tuy nhiên, ý kiến này ngay lập tức bị nhiều chuyên gia và người làm nghề phản đối.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng với một mặt hàng tiêu thụ phổ biến, nếu sử dụng vào mục tiêu để tăng thu ngân sách, với cơ chế đặc thù của một địa phương thì không phù hợp.

Tiêu dùng & Dư luận - Những đề xuất đánh thuế 'lạ đời' gây hoang mang dư luận (Hình 2).

HoRea đề xuất gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng bị đánh thuế thu nhập.

Tăng thuế có thể làm cho tiêu dùng giảm, không bán được hàng, tức sẽ không tạo ra giao dịch có thể dẫn tới nhiều hệ quả xấu như doanh nghiệp đưa hàng hóa từ các địa phương khác vào, hoặc người dân ra biên giới mua hàng. Hay "tệ hơn", theo ông Đức, doanh nghiệp có thể chuyển hướng sang đầu tư ở những địa phương có mức thuế thấp hơn. 

Hệ quả là TP khó có thể thu được ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và còn khó thu được thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Anh, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Đức (Q.10) - chuyên kinh doanh nhập khẩu nước uống các loại, cho rằng nếu TP.HCM muốn xúc tiến triển khai đề án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần thông tin rõ mục đích chính của đề án này là gì, hướng đến thành phần nào?

Gửi tiết kiệm trên 500 triệu bị đánh thuế

Vẫn biết thuế là nguồn thu chủ yếu của Nhà nước song việc thu thuế thế nào, đánh giá tác động ra sao thì đôi khi lại chưa được thấu đáo dẫn tới tranh luận trái chiều.

Như đề xuất đánh thuế thu nhập ở những khoản tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoRea) chẳng hạn.

Còn nhớ hồi đầu năm 2013, HoRea có văn bản  gửi Thủ tướng và các bộ ngành, Hiệp hội đề xuất “đánh thuế thu nhập ở những khoản tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng” nhằm “chuyển hướng dòng tiền vào đầu tư sản xuất kinh doanh”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoRea lý giải, Việt Nam là một trong số ít những quốc gia trên thế giới không đánh thuế thu nhập cá nhân trên thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm. Với mặt bằng lãi suất trong năm 2012, một khoản tiền tiết kiệm 10 tỉ đồng sẽ cho thu nhập hơn 1 tỉ đồng nhưng họ không phải đóng thuế.

Trong khi đó, nếu số tiền này được đưa vào sản xuất kinh doanh sẽ tạo thêm công ăn việc làm, đem lại nguồn thu cho ngân sách thông qua thuế và bản thân người có tiền. Như vậy, chúng ta không thu thuế thu nhập trên thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm vô hình trung sẽ khuyến khích gửi tiết kiệm chứ không khuyến khích bỏ tiền vào sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, hầu hết người dân và các chuyên gia lại không nghĩ như vậy. Hầu hết mọi người đều cho rằng nếu đánh thuế thêm cả tiền gửi tiết kiệm thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động huy động vốn và cho vay của các ngân hàng, khiến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh càng khó khăn hơn. Chưa kể gửi tiết kiệm hiện nay khó có thể coi là kênh đầu tư tốt vì lãi suất gửi tiết kiệm thực tế chỉ bù lại được khoản trượt giá hằng năm.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng việc đánh thuế như thế này sẽ gián tiếp gây khó cho sản xuất kinh doanh.

Theo ông Doanh, tiền gửi tiết kiệm là đầu vào quan trọng và chủ yếu của các ngân hàng thương mại, gián tiếp là đầu vào của các doanh nghiệp. Hiện nay 80% nguồn vốn vay của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào các ngân hàng. Do vậy, nếu đánh thuế thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm, nguồn vốn huy động của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng; từ đó ảnh hưởng đến nguồn vốn vay của các doanh nghiệp.

Đó là chưa tính tới chuyện người dân có thể lách luật bằng cách chia nhỏ khoản tiền gửi hoặc rót vốn vào ngoại tệ, vàng khiến nguồn vốn của ngân hàng giảm. Hệ quả là doanh nghiệp khó vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.

Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.