Theo chân những người lính thuộc sư đoàn 356 khi xưa, chúng tôi tới thăm gia đình ông Đinh Ngọc Thạch (tên thường gọi là Bình, 52 tuổi, quê Hà Nam), người lái xe xích lô chở tôn khiến bé trai 10 tuổi tử vong sau khi bị tôn cứa vào cổ. Sư đoàn 356 là đơn vị ông Thạch từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang) năm nào.
Được tại ngoại ngày 6/10, tới nay đã 10 ngày nhưng những day dứt, ân hận và cả sự bàng hoàng vẫn trở về cả trong giấc ngủ lẫn cuộc sống thực tại của ông Thạch. Và, ông vẫn lầm lũi, ít nói như bao ngày qua.
"Nhiều đêm đang ngủ, ông ấy bật dậy hô xung phong hay ú ớ nói mê”, đó là chia sẻ của bà Lê Thị Phương (vợ người lái xích lô).
Bà Phương cũng cho biết, dù sức khỏe yếu nhưng từ khi chồng được tại ngoại, vợ chồng ông bà thường xuyên sang nhà bị hại để thắp hương, tạ lỗi.
Trong ngày rằm tháng 9 (tức ngày 15/10 dương lịch), từ sớm bà đã chuẩn bị đồ lễ để chờ đại diện sư đoàn 356 tới, vợ chồng ông bà sẽ cùng mọi người sang thắp hương cho cháu H. (nạn nhân tử vong do tôn cứa cổ).
Nhận những lời động viên từ đồng đội của người lái xích lô chở tôn, bà nội cháu H. không ngăn được nước mắt. Nhìn giọt nước mắt lăn dài trên má người phụ nữ vừa mất cháu nội, những cựu binh Vị Xuyên chỉ nắm chặt tay bà để mong san sẻ được phần nào nỗi đau.
Họ thương cháu bé bao nhiêu lại thương người đồng đội của mình bấy nhiêu. Bởi, từ lúc vụ tai nạn thương tâm xảy ra, dù đã được tại ngoại, sống trong sự chăm sóc, động viên của đồng đội, gia đình song ông Thạch vẫn chưa hết bàng hoàng, ân hận. Bởi, với ông việc vô tình gây ra cho cháu bé còn khiến ông sợ hãi hơn cả khi nằm trên chốt, chiến đấu với quân địch.
Tâm sự thêm với chúng tôi, bà Đinh Thị Kim Lan (chị gái ông Thạch) bảo, em trai vẫn chưa được bình thường, sức khỏe có chiều hướng đi xuống dù bà và bà Phương thường xuyên động viên.
“Chú ấy vẫn hoang mang lắm, tâm lý bất ổn. Đi làm lại chứng minh chưa được về cũng mất ăn, mất ngủ đến 2 ngày. Rõ khổ”, bà Lan buồn bã cho biết.
Trong căn nhà cấp 4 nằm sâu trong ngõ 66 phố Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội), gần 30 đồng đội cùng trung đoàn với ông Thạch ngồi quây quần bên nhau như những ngày còn ở quân ngũ.
Những nụ cười thay bằng nỗi lo lắng khôn nguôi khi thấy đồng đội gặp hoạn nạn. Nhận tiền đồng đội, những nhà hảo tâm quyên góp, giúp đỡ để bản thân và gia đình thay đổi cuộc sống cơ cực trước mắt, người lính Vị Xuyên chỉ nói được câu cảm ơn. Bởi, ông vốn kiệm lời, không biết ăn nói.
Thay mặt chồng, bà Phương xúc động cho biết, gia đình sẽ sử dụng những đồng tiền được quyên góp đúng mục đích.
“Hiện tại, mong muốn lớn nhất của tôi là được đưa chồng đi chữa bệnh. Từ lúc xảy ra vụ tai nạn, ông ấy thường xuyên kêu tức ngực, khó thở, đau đầu… không ăn, không ngủ được khiến cơ thể bị suy nhược”, vợ người lái xích lô nói thêm.
Ông Kim Văn Thuyết (đại diện cựu chiến binh huyện Thanh Trì, Hà Nội), hiện đang là bác sỹ đa khoa chữa bệnh bằng phương pháp đông y đã nhận khám, chữa bệnh cho ông Thạch bằng thuốc đông y.
Và, bản thân những người trong gia đình cũng như đồng đội của ông Thạch đều mong đợi khi ông ổn định tâm lý sẽ tìm công việc phù hợp mà không phải là lái xích lô nữa.
Nguyễn Huệ