Đá bóng bằng tai
Thoạt nghe câu chuyện ấy, người ta tưởng đó là điều vô lý. Nhưng trong thế giới người khiếm thị, việc ra sân thi đấu bóng đá là chuyện hết sức bình thường. Niềm đam mê đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn để chơi bóng khi thiếu đi đôi mắt. Trái bóng vẫn có thể lăn tròn trước chân những cầu thủ khiếm thị và tạo nên những cung bậc cảm xúc cho những người chứng kiến. Và, lại một lần nữa, người khiếm thị chứng minh rằng, họ tàn nhưng không phế. Họ có thể làm được tất cả những việc giống như người bình thường dù số phận đã lấy mất đi cái quý giá nhất là cửa sổ tâm hồn.
Tôi đã từng tiếp xúc với khá nhiều người khuyết tật. Và, mỗi lần như vậy, tôi luôn phải dè dặt trong từng câu nói của mình. Vì điều tôi sợ nhất là chạm vào nỗi niềm mặc cảm cố hữu của họ... Nhưng khi tiếp xúc với nhóm "3Đ" (Cao Duy Đạt, Nguyễn Minh Đức và Ma Văn Đại), cùng sinh năm 1991, cùng đến từ đội tuyển bóng đá khiếm thị Thái Nguyên, tôi đã phải suy nghĩ lại.
Những trận đá bóng của người khiếm thị luôn giành được sự quan tâm đặc biệt của khán giả.
Điều lạ là, trong mỗi diễn đàn hay những cuộc vui lớn của người khuyết tật đều thấy ba cái tên này xuất hiện. Bởi thế, ở hội người khuyết tật toàn quốc, mọi người đều ưu ái gọi các em là nhóm "3Đ". Bởi, các em chơi thân và có quá nhiều điểm chung. Kỷ niệm vui nhất của "3Đ" là họ cùng dắt tay nhau vào trận bóng thi đấu giải "Hội thao học sinh khuyết tật toàn quốc" tại Thái Bình lần thứ IV tháng 12/2011. Mặc dù chỉ được giải đồng nhưng với các em, đó là niềm vui, là đam mê và cả sự cố gắng hòa nhập với cuộc sống bình thường.
Khi nhắc đến bóng đá, tôi cứ nghĩ các em sẽ buồn vì không nhìn thấy, không thể chơi được. Tuy nhiên, các em lại hồ hởi, rạo rực đến lạ thường. Đúng là môn thể thao vua, chẳng trừ một ai...
Nói chuyện với tôi, Đức hào hứng cho biết: "Mỗi khi chúng em xuất trận với tấm băng đầu, bịt mắt, cảm giác sợ sệt lại xuất hiện. Vì mình không nhìn thấy gì, hoàn toàn phải nghe bằng tai và cảm nhận để sút bóng. Nhưng khi đã ra sân, mục tiêu là tiếng chuông phát ra từ quả bóng, mọi lo ngại sẽ bị dập tắt".
Quả bóng dành cho trận đấu của người khiếm thị được thiết kế một cách đặc biệt. Ngoài những thiết kế như bóng bình thường còn được lắp thêm một hệ thống chuông kêu (hoặc là để một hòn bi bên trong để phát ra âm thanh). Quả bóng sẽ phát ra tiếng kêu và người chơi bóng căn cứ vào tiếng kêu đó để tìm và sút bóng.
Xung quanh sân bóng người ta sẽ vây một lớp đệm mút để cầu thủ nếu trót phóng chân đi ra ngoài biên sẽ không bị đau và biết giới hạn sân để quay lại. Bên cạnh đó, sẽ có những lớp tường cao để khi bóng bay ra ngoài có thể đập lại sân mà không phải di chuyển quá xa để nhặt. Một trận đá bóng của học sinh khiếm thị thường chỉ kéo dài khoảng 40 phút. Thủ môn bắt bóng sẽ được ưu tiên là những người mắt kém (tức là không khiếm thị hoàn toàn - PV). Thủ môn cũng chính là người quan trọng nhất. Bởi ngoài huấn luyện viên, họ là đoi mắt của cầu thủ.
Cũng vì không quan sát được nên các cầu thủ đá bóng thì ít mà ôm nhau thì nhiều. Nguyên tắc khi đá trên sân là phải hô "voi, voi, voi" liên tục. Tiếng "voi" được phiên âm từ chữ volumle trong tiếng Anh nghĩa là "tiếng". Đây là tín hiệu bắt buộc mà nếu cầu thủ nào không chấp hành sẽ bị coi như phạm lỗi. Đức cho biết, họ phải hô như vậy cũng là để các cầu thủ tự biết đường tránh, không va chạm vào nhau. Như vậy, không chỉ đá bóng bằng chân, bằng sức lực, người khiếm thị còn phải dùng đến tai, bằng miệng, sự cảm nhận và sự dũng cảm khi chấp nhận mọi va chạm không thể tránh.
Đạt, Đức, Đại (từ phải sang) luôn sát cánh cùng nhau.
Đau nhưng vẫn... máu vì... mê
Nói chuyện với tôi, Đạt tâm sự: "Sau lần tham gia giải bóng ở Thái Bình, về nhà em bị đau ê ẩm suốt cả tháng trời. Nhưng nếu có cơ hội, em vẫn muốn được tham gia. Vì đây không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe mà còn giúp mình cảm thấy cuộc sống vui vẻ hơn khi được giao lưu với các bạn cùng hoàn cảnh trên khắp cả nước".
Theo lời Đức, ngã là điều không thể tránh khỏi khi tham gia trận bóng. Có những khi bóng ở ngay trước mắt mình mà cũng không biết. Vì đội bạn có người bóng quá giỏi. Đây cũng là một kỹ thuật mà bất cứ cầu thủ chơi bóng nào cũng mong muốn rèn luyện để đạt đến. Đó là khả năng rê bóng điêu luyện, không để phát ra tiếng kêu. Ngồi bên cạnh, Đạt cười cho biết: "Thực ra với thiết kế chuông đặc biệt thì một sự di chuyển nhẹ cũng khiến quả bóng phát ra âm thanh. Nhưng vì khán giả trên sân quá cuồng nhiệt, không tuân thủ theo quy định cổ vũ thầm lặng nên nhiều lúc cầu thủ không thể nghe thấy âm thanh trái bóng. Bí quyết để ghi bàn là rê bóng làm sao cho thật êm để không ai xung quanh mình biết được. Nhiều khi có cảm giác như trò bịt mắt bắt dê vậy".
Mặt khác, khi có kỹ thuật kẹp quả bóng trong chân và di chuyển nhẹ nhàng thì âm thanh từ quả bóng phát ra là khó kiểm soát. Có những lúc, nghe các thầy gào khản cả tiếng mà vẫn không tranh được bóng của đội bạn.
Điều khó nhất mà các cầu thủ khiếm thị gặp phải là việc xác định hướng bóng trên sân. Đại háo hức cho biết: "Nếu lắng tai nghe tiếng chuông thì bằng thính giác chúng em cũng có khả năng định vị được bóng. Thế nhưng, khi khán giả cổ vũ quá ồn ào thì rất khó để nghe chuông. Nhiều khi chỉ đá bằng cảm nhận và hụt bóng là chuyện rất bình thường. Nhưng không khí thì vui lắm, chắc không có trận bóng nào của người bình thường lại vui đến như vậy". Mặc dù trong luật quy định khán giả không được cổ vũ ồn ào nhưng sự hấp dẫn của những đường bóng ngờ nghệch trên sân khiến bất cứ ai cũng không kìm được lòng. Trọng tài liên tục phải nhắc nhở khán giả yên lặng để cầu thủ có thể nghe được tiếng bóng. Có khi không biết rõ bóng ở đâu nhưng họ cứ lao vào nhau. Thậm chí, việc xảy ra những tai nạn "đổ máu" là chuyện bình thường.
Biết có thể va chạm, có thể đau, nhưng hầu như không cầu thủ nào chịu đứng yên trên sân khi thi đấu. Ai cũng hăm hở, sẵn sàng lăn xả để ghi bàn. Điều mà mỗi cầu thủ khiếm thị khi ra sân đều phải ghi nhớ là làm sao để hạn chế ngã. Tuy nhiên, nếu ai bị ngã cũng cố gắng bật dậy thật nhanh để tranh bóng. Vì không giống như những người sáng mắt, khi có một người bị ngã, những cầu thủ còn lại không thể quan sát được. Theo đà trận đấu, mọi người vẫn sẽ lao về phía chuông để tìm và dẫn bóng. Như vậy người ngã rất dễ bị đè thêm, hoặc bị vết giày của người khác xéo lên, đau điếng.
Vất vả nhất có lẽ là những huấn luyện viên của các đội bóng. Mỗi đội thường sẽ có ba huấn luyện viên. Một người phụ trách ở sân nhà, một người ở giữa sân và một người phụ trách ở gôn của đối thủ. Một khi khán giả đã cuồng nhiệt thì các huấn luyện viên càng vả hơn rất nhiều. Họ vừa quan sát, vừa la hét và chỉ cho cầu thủ đội mình biết đá bóng theo hướng nào. Đạt kể: "Hôm em thi đấu, cứ nghe thấy thầy nói rất to: "Đạt ơi, thầy đây, thầy ở đây, đá vào đây đi nào. Và thầy gõ liên tục vào cầu môn nhưng có khi cũng không có được hiệu quả mong muốn. Em tung một cú sút hướng phía đội Đà Nẵng mà chẳng hiểu sao lại súyt bay vào cầu môn của đội mình. May mà thủ môn đón được".
Chính vì phải hô nhiều, gào nhiều mà sau mỗi trận đấu, việc các thầy bị mất giọng cả tháng trời là chuyện hết sức bình thường. Thế nhưng, vì niềm đam mê của các trò khuyết tật mà các thầy đều bỏ qua hết những vất vả của riêng mình. Điều các huấn luyện viên mong muốn là giúp các em hòa nhập với người bình thường.
Gian khổ hành trình trở thành "siêu sao" Để có được 40 phút vào sân chiến đấu hết mình như thế, các cầu thủ phải rèn luyện rất nhiều, không kém một người bình thường. Đạt kể: "Trong suốt hai tháng trời trước khi thi đấu, bọn em phải dậy sớm. Ngày nào cũng tập chạy bền, rồi đá lăng chân ra phía trước. Ép chân cho thẳng để khi đá tránh tình trạng chuột rút. Dù vất vả mấy nhưng niềm háo hức khi được ra sân cũng khiến mọi nỗi vất vả trở nên bình thường". |
Dương Thu