Những điểm bất thường trong vụ tai nạn máy bay Mỹ

Những điểm bất thường trong vụ tai nạn máy bay Mỹ

Thứ 3, 16/07/2013 11:27

Chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu 214 của hãng hàng không Asian Airlines, Hàn Quốc chở hơn 300 hành khách bất ngờ bốc cháy dữ dội khi đang hạ cánh tại sân bay quốc tế ở San Francisco (Mỹ). Tai nạn này đã khiến hai người thiệt mạng và 180 người khác bị thương. Nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh nguyên nhân gây ra tai nạn.

Những bất thường ở phi công

Theo nhiều nguồn tin, vài giây sau khi máy bay gặp nạn, các phi công đã liên lạc với nhân viên kiểm soát không lưu và yêu cầu hành khách... ngồi yên tại chỗ. Bà Deborah Hersman - Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) cho biết: "Điều này không bình thường chút nào. Chúng tôi không hiểu lúc đó các phi công nghĩ gì. Công tác sơ tán chỉ bắt đầu sau khi một tiếp viên hàng không phát hiện có lửa bên ngoài máy bay mà thôi".

Chủ tịch NTSB cũng khẳng định, một số ván trượt thoát hiểm đã bị căng phồng ngay từ bên trong máy bay khi nó tiếp đất, làm bị thương một số tiếp viên hàng không và cản trở hành khách thoát khỏi máy bay.

Hiện tại, các nhà điều tra Mỹ đang xem xét dữ liệu trong hộp đen, các đoạn video nhân chứng quay được và thẩm vấn tất cả bốn phi công cùng một nửa số tiếp viên trên chuyến bay.

Theo đó, máy bay này khởi hành từ Incheon, Hàn Quốc, bắt đầu tiếp cận San Francisco sau 11 tiếng đồng hồ bay qua Thái Bình Dương. Lúc đó, ba trong số bốn phi công đang ở trong buồng lái. Trước lúc máy bay hạ cánh, điều kiện thời tiết hoàn toàn thuận lợi, quang đãng nên trạm điều hành cho phép phi hành đoàn hạ cánh xuống sân bay.

Tuy nhiên, khoảng 34 giây trước khi tiếp đất, khi máy bay chỉ còn cách mặt nước khoảng 150m với tốc độ bay lên đến 248 km/h thì phi công trưởng mới phát hiện ra là máy bay đang xuống thấp. Một câu hỏi đặt ra là tại sao cơ trưởng lại phát hiện ra sự cố này quá muộn như thế? Phải chăng, họ còn non kém trong việc điều khiển máy bay?

Tiêu điểm - Những điểm bất thường trong vụ tai nạn máy bay Mỹ

Xác chiếc máy bay Boeing 777 sau khi gặp tai nạn.

Trả lời cho câu hỏi này, giới chức hãng hàng không Asiana Airlines đã xác nhận, phi công chính Lee Kang-kuk (46 tuổi) đang trong quá trình huấn luyện đối với loại máy bay này. Ông Yoon Young-doo - Giám đốc điều hành Asiana Airlines cho biết, ông Lee đã có kinh nghiệm hơn 9.000 giờ bay, song chỉ mới có 43 giờ bay với loại Boeing 777. Tuy nhiên, bay cùng ông Lee Kang-kuk còn có một phi công khác là một huấn luyện viên giàu kinh nghiệm.

Hành khách phá vỡ quy tắc an toàn?

Đề cập đến các trục trặc kỹ thuật của máy bay, giới chức hãng hàng không Asiana một mực loại trừ giả thuyết này. Bởi vậy, các hướng điều tra đều nghiêng về phía tay nghề các phi công và hãng này cũng khẳng định họ đều dày dặn kinh nghiệm. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hersman, các điều tra viên cần để ý hơn đến vấn đề này. Bà cho biết, các phi công trên chiếc máy bay gặp nạn đã dựa vào thiết bị điều chỉnh tốc độ tự động nhưng họ không nhận ra thiết bị đó đã bị trục trặc, không còn hoạt động cho tới khi máy bay bắt đầu gặp nạn.

Bà Hersman khẳng định: "Họ đạt tốc độ 137km/h và dùng bộ điều chỉnh tự động để duy trì tốc độ. Khi ở độ cao rất thấp là 60,9m, phi công mới phát hiện ra bộ điều chỉnh này đã bị hỏng". Bà còn cho biết thêm rằng, 7 giây trước khi máy bay rơi, phi công nhận ra cần phải tăng tốc và chỉ ba giây sau khi tăng tốc, thiết bị cảnh báo phi công về khả năng máy bay rơi được kích hoạt.

Trong khi cuộc điều tra nguyên nhân vụ tai nạn vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có kết luận thì một bức ảnh từ hiện trường vụ tai nạn được tung ra trên các trang mạng xã hội. Bức ảnh cho thấy, cảnh tượng nhiều hành khách tay xách nách mang hành lý di tản khỏi đống đổ nát. Bức ảnh đã làm dấy lên nhiều bình luận và tranh cãi trong cư dân mạng. Họ cho rằng, nhiều hành khách trên chuyến bay không tôn trọng nguyên tắc an toàn là bỏ lại hành lý khi máy bay gặp nạn.

Nói về hành động cứu hành lý hơn cứu mạng của những hành khách trên chuyến bay này, MeganZhong, một cư dân mạng bày tỏ: "Tôi đã rất thất vọng khi thấy những hành khách coi trọng đống hành lý cá nhân hơn là tính mạng của những người khác". 

Trong khi phi công và hành khách đang nhận được nhiều phản ứng trái chiều thì các tiếp viên hàng không trên chuyến bay đang được giới truyền thông ca ngợi là những anh hùng khi có hành động quên mình dập lửa, hướng dẫn hành khách, cõng họ thoát khỏi máy bay an toàn.

Chủ tịch NTSB cũng tiết lộ, hai nữ tiếp viên ở phía cuối chuyến bay Asiana bị văng khỏi chiếc phi cơ. Họ được tìm thấy trên đường băng và bị thương nghiêm trọng nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.

Chỉ một ngày sau vụ tai nạn kinh hoàng ở San Francisco xảy ra, một máy bay chở khách lại rơi tại sân bay Soldotna, bang Alaska, Mỹ, khiến toàn bộ 10 người gồm một phi công và 9 hành khách thiệt mạng. Nhà chức trách cho biết, máy bay gặp nạn khi đang cất cánh và đã chìm hoàn toàn trong biển lửa trước khi đội cứu hỏa được điều động đến.

Cùng ngày, tại Nga, khoảng 80 người bị thương khi một đoàn tàu chở khách bị trật bánh ở vùng Krasnodar. Theo bộ Tình trạng khẩn cấp Nga, 16 người, trong đó 5 trẻ em, được đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Đoàn tàu nói trên đi từ thành phố Novosibirsk đến khu nghỉ mát Sochi bên bờ biển Đen.

An Mai (Theo BBC)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.