Những điểm lợi và hại để cha mẹ cân nhắc việc cho con nhỏ ngủ chung

Những điểm lợi và hại để cha mẹ cân nhắc việc cho con nhỏ ngủ chung

Dương Thị Thu Nga

Dương Thị Thu Nga

Thứ 3, 27/11/2018 07:00

Vấn đề có nên cho trẻ ngủ cùng không đến nay vẫn luôn là chủ đề gây ra nhiều tranh cãi khi một số người nhất quyết ủng hộ trong khi một số khác lại chỉ trích và nêu ra những tác hại của nó.

Những ngày gần đây, thông tin bé N.A (4 tháng tuổi ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) không may chết não rồi tử vong nghi do mẹ trong lúc ngủ thiếp đi vô tình đè tay lên con khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Thế nhưng, đây không phải là trường hợp duy nhất. Cách đây vài năm, trường hợp bé sơ sinh 1 tháng tuổi được đưa vào bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) trong tình trạng ngưng thở. Nguyên nhân vì người bố ngủ say nên gác tay lên mũi con mà không biết.

Mỗi mẹ một quan điểm về việc con ngủ chung hay riêng với bố mẹ

Sau những tai nạn này, nhiều người đặt câu hỏi, có nên để con ngủ chung hay ngủ riêng với bố mẹ hay không? Ngay lập tức, câu hỏi này được trao đổi khá sôi nổi trên nhiều diễn đàn dành cho các bậc phụ huynh.

Người đồng tình cho con ngủ riêng nhiều mà người phản đối cho con ngủ riêng cũng không ít. Mỗi người một quan điểm khác nhau và đều chỉ ra được điểm tốt, điểm hại của việc nên cho con ngủ chung hay ngủ riêng.

Bà mẹ bỉm sữa Nguyễn Hiền chia sẻ: “Trường hợp của bé 4 tháng tuổi là một sự cố đáng tiếc, quá đau lòng cho gia đình nhà chị này. Để tránh xảy ra trường hợp như thế, mình khuyên thật các mẹ nên cho con ngủ trong nôi hoặc cũi nhưng nhớ phải được đặt cạnh giường bố mẹ để dễ theo dõi con.

Thêm nữa, nôi hoặc giường ngủ hay cũi của con phải được bố trí thoáng khí, không gian thoải mái không có nhiều vật như gấu nhồi bông, gối, mền xung quanh để hạn chế bé bị chúng làm ngạt”.

Chị Hiền chia sẻ thêm: “Những ngày đầu chăm bé nhà mình, mình mệt quá dẫn đến bị bóng đè, mê man. Có lần mình giật mình tỉnh khi nghe thấy tiếng con kêu khóc, mình hoảng hốt khi thấy tay mình đè ấn ngực con. Từ lần đó, mình sợ hẳn và cho con nằm riêng ra nôi.

Ngoài những lúc cho con bú, thay bỉm, vệ sinh cho con còn những lúc khác con đều ngoan ngoãn nằm nôi. Ngay cả lúc chơi với con, trò chuyện với con, mình vẫn có thói quen cho bé nằm nôi mà không bế rồi dong dong như nhiều bà mẹ khác”.

Đồng tình với chị Nguyễn Hiền, bà mẹ Minh Trang cho rằng: “Những bé sinh non hay nhẹ cân thì càng cần phải cho trẻ ngủ riêng giường với bố mẹ. Hay như bố hoặc mẹ có hút thuốc lá, bố mẹ quá mệt mỏi, mơ sâu, có chứng rối loạn giấc ngủ, mẹ đang sử dụng thuốc điều trị bệnh thì càng cần thiết cho con ngủ riêng”. 

Thế nhưng, bà mẹ Nguyễn Lan lại cho rằng: “Các mẹ chắc là đã nghe đến “da kề da”. Đó là khi mới sinh ra, con được đặt lên cơ thể mẹ, việc đặt lên cơ thể mẹ càng sớm càng tốt. Nó hình thành sợi dây gắn kết tình cảm. Và khi chăm con, các mẹ cũng nên cho con nằm chung giường, mẹ có thể ôm ấp con bất cứ lúc nào. Như vậy, giữa mẹ và con sẽ hình thành sợi dây tình cảm gắn bó khăng khít và cũng mang lại cảm giác an toàn cho con”.

Chuyên gia nói gì?

Giữa hai luồng ý kiến tranh cãi về đề vấn nên cho con ngủ chung hay ngủ riêng với bố mẹ của các bà mẹ bỉm sữa, ý kiến nào cũng có phần đúng. Vậy, ngủ chung hay ngủ riêng với bố mẹ sẽ tốt cho trẻ. Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia:

Theo chia sẻ của bác sĩ Cam Ngọc Phượng, Trưởng khoa Sơ sinh, bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc với Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM, các bậc cha mẹ cần phân biệt rõ việc tập cho trẻ ngủ riêng với việc để trẻ ngủ một mình.

Cho trẻ ngủ riêng tức là trẻ vẫn ở chung phòng với cha mẹ nhưng không ngủ chung giường và lúc này cha mẹ vẫn có thể chăm sóc trẻ khi cần. Bác sĩ Cam Ngọc Phượng cho rằng, việc cho trẻ ngủ chung với bố mẹ sẽ có những điểm thuận lợi và cũng có những điểm bất lợi mà cha mẹ cần phải lưu ý.

Thông thường, khi trẻ vừa sinh ra đời, các bác sĩ thường sẽ khuyên nên đặt bé lên cơ thể người mẹ càng sớm càng để "da kề da", mẹ có thể ôm ấp trẻ ngay sau sinh từ đó giúp gắn kết tình cảm mẹ con và cũng mang lại cảm giác an toàn cho trẻ.

Bên cạnh đó, việc để trẻ ở ngay cạnh mẹ cũng sẽ giúp mẹ cho con bú được sớm hơn và dễ hơn. Điều này duy trì đủ lượng sữa cho trẻ. Đây là những điểm thuận lợi bởi tình cảm mẹ và bé được vun đắp ngay từ đầu, tâm lý bé được phát triển tốt hơn, không có cảm giác bị cách ly.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm thuận lợi khi cho bé ngủ chung giường thì cũng có những điểm bất lợi của việc để trẻ ngủ chung cùng bố mẹ như sau:

Cha mẹ có thể nằm đè lên bé, nhất là khi cha mẹ mệt, ngủ sâu, uống rượu, hút thuốc lá… làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Trong lúc ngủ tay cha hoặc mẹ có thể quơ trúng bé, đè lên mặt, mũi bé khiến bé bị ngạt thở.

Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ từ chăn, ga giường đều có thể khiến bé bị ngộp.

Chính vì thế, bác sĩ Phượng khuyên các bậc cha mẹ cần phải xác định rõ về vấn đề chăm sóc trẻ nhỏ sau sinh. Theo khuyến cáo, khi chăm sóc trẻ sơ sinh mẹ và bé nên nằm riêng (mẹ nằm trên giường, bé nằm trên nôi) và ở chung một phòng mới là tốt nhất.

Gia đình - Những điểm lợi và hại để cha mẹ cân nhắc việc cho con nhỏ ngủ chung

Các chuyên gia khuyến cáo không nên cho trẻ nằm cùng giường với bố mẹ.

Trao đổi với Dân trí, bác sĩ Nguyễn Đức Thường cũng cho rằng, các bậc cha mẹ không nên cho trẻ dưới 6 tháng ngủ chung với người lớn vì kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã cho thấy, trẻ dưới 6 tháng tuổi nên ngủ trong giường, cũi cạnh giường bố mẹ là giải pháp an toàn nhất.

Nếu trẻ ngủ cùng cha mẹ sẽ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS: Sudden infant dead syndrome), hội chứng này được chẩn đoán khi một đứa trẻ khỏe mạnh tử vong mà không có dấu hiệu cảnh báo hay lý do rõ ràng. SIDS hiếm gặp nhưng nó vẫn có khả năng cao gây tử vong ở trẻ sơ sinh.

Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM): Một số trường hợp không nên ngủ cùng trẻ như bố mẹ hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng thuốc điều trị bệnh hoặc dùng ma túy… Trong những trường hợp này, bố mẹ thường bị suy giảm nhận thức và ý thức nên không đủ tỉnh táo để chú ý tới con.

Theo thống kê, trẻ sơ sinh có cả bố và mẹ hút thuốc sẽ có nguy cơ gặp phải hội chứng đột tử cao hơn 3,5 lần trẻ có cả bố và mẹ không hút thuốc; nếu chỉ có mẹ hút thuốc, nguy cơ giảm xuống còn gấp 2 lần và 1,5 lần nếu chỉ có bố hút thuốc.

Còn nếu cha mẹ cho con ngủ chung thì cần cảnh giác để đảm bảo an toàn cho con. Cha mẹ nên mua một chiếc giường rộng rãi. Trên giường ngủ cũng không nên đặt nhiều đồ chơi của trẻ.

Thường xuyên kiểm tra giấc ngủ của trẻ trong đêm để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường và cũng giảm được tình trạng chăn của bố mẹ kéo lên cao chèn vào mũi của trẻ làm trẻ ngưng thở.

Tư thế ngủ cũng cần để ý cho trẻ nằm ngửa, trên nền giường hoặc cũi cứng, phẳng thay vì cho trẻ nằm sấp hoặc nằm nghiêng.

Phong Linh (tổng hợp)

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.