Tổng thống Vladimir Putin hôm 29/2 đã đọc Thông điệp Liên bang trước người dân Nga, nêu quan điểm của ông về cuộc chiến ở Ukraine đang tiến triển như thế nào và mối quan hệ của Nga với phương Tây.
Bài phát biểu thường niên lần thứ 19 của ông chủ Điện Kremlin, và lần thứ 29 trong lịch sử đất nước, được truyền hình toàn quốc và thậm chí còn được chiếu ở một số rạp chiếu phim. Nó được đọc vào thời điểm chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Nga.
Bài phát biểu của ông Putin trước cả hai viện của Quốc hội, Duma Quốc gia và Hội đồng Liên bang, cũng như các khách mời, chỉ kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ và đề cập đến một loạt vấn đề. Dưới đây là một số điểm mới trong thông điệp năm nay của nhà lãnh đạo Nga.
Xung đột ở Ukraine
Ông Putin bắt đầu bài phát biểu bằng một loạt đề cập đến cuộc xung đột đang diễn tiến ở quốc gia láng giềng Đông Âu, mà phía Nga gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
“Bất chấp mọi thử thách và mất mát cay đắng, mọi người vẫn kiên quyết với sự lựa chọn này”, ông Putin nói, đề cập đến “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà ông tuyên bố rằng phần lớn dân chúng ủng hộ.
Trong phần đầu tiên của bài phát biểu, ông cũng cáo buộc phương Tây “đang cố gắng lôi kéo chúng ta vào một cuộc chạy đua vũ trang” bằng cách “cố gắng làm chúng ta suy yếu”, trước khi chuyển sang nói về quan điểm toàn cầu và sau đó là các vấn đề trong nước như phát triển kinh tế.
“Phương Tây không chỉ đang cố gắng kìm hãm sự phát triển của chúng ta… gieo rắc sự bất hòa trong nước và làm suy yếu chúng ta từ bên trong”, ông nói, và bổ sung thêm rằng, “Tuy nhiên, họ đã tính toán sai lầm”.
Đầu tuần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, phát biểu sau Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Âu ở Paris, đã nói rằng mặc dù hiện tại đang thiếu sự đồng thuận, nhưng “không loại trừ” việc gửi lực lượng phương Tây đến chiến đấu bên cạnh người Ukraine để ngăn Nga chiến thắng ở đó.
Ông Putin cho biết, một động thái như vậy sẽ dẫn đến hậu quả bi thảm cho “những kẻ can thiệp”. Ông cũng nói rằng sự tham gia như vậy của phương Tây sẽ làm tăng nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân toàn cầu.
“Nga có vũ khí có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của họ và những gì họ đang đề xuất và khiến thế giới sợ hãi, tất cả những điều đó làm tăng mối đe dọa thực sự về một cuộc xung đột hạt nhân đồng nghĩa với sự hủy diệt nền văn minh của chúng ta”, Tổng thống Nga nói.
Trong khi bác bỏ các báo cáo của phương Tây rằng Moscow đang xem xét việc triển khai vũ khí hạt nhân trên không gian, ông Putin nói rằng lực lượng hạt nhân của Nga đang ở trạng thái “sẵn sàng hoàn toàn” và quân đội của ông đã triển khai vũ khí mới trên chiến trường Ukraine.
Ông cũng cho biết tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng Sarmat mới đã được đưa vào sử dụng trong lực lượng hạt nhân của Nga, trong khi nước này đang hoàn tất thử nghiệm tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng nguyên tử Burevestnik và máy bay không người lái trang bị hạt nhân chạy bằng năng lượng nguyên tử Poseidon.
Đề cập đến việc Phần Lan và Thụy Điển đã trở thành thành viên thứ 31 và 32 của NATO, ông Putin cho biết Nga sẽ cần tăng cường quân khu phía Tây. Phần Lan có biên giới đất liền dài với phía Tây Bắc nước Nga.
Thành tích kinh tế
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Putin cho biết Nga hiện là nền kinh tế lớn nhất châu Âu tính theo sức mua tương đương (PPP) và có thể gia nhập Top 4 toàn cầu. Ông lưu ý rằng vào năm 2023, nền kinh tế Nga đã vượt xa các nước G7 về tốc độ tăng trưởng.
“Tốc độ và chất lượng tăng trưởng cho phép chúng ta nói rằng trong tương lai gần, chúng ta sẽ tiến thêm một bước và trở thành một trong 4 cường quốc kinh tế thế giới”, ông Putin nói.
PPP so sánh năng suất kinh tế và mức sống giữa các quốc gia bằng cách điều chỉnh sự khác biệt về chi phí hàng hóa và dịch vụ. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), vào năm 2023, Nga là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới tính theo PPP, và là quốc gia duy nhất ở châu Âu nằm trong Top 5, với Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đang chiếm 4 vị trí đầu tiên.
Theo thống kê chính thức của Moscow, nền kinh tế Nga đạt mức tăng trưởng 3,6% vào năm 2023, mặc dù phải chịu một loạt các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế và bị cô lập khỏi các thị trường tài chính lớn.
Ông Putin cũng cho biết các quốc gia BRICS đang vượt qua G7 về tỉ trọng trong GDP toàn cầu tính theo PPP. Tỉ trọng của BRICS sẽ tăng lên 36,6% vào năm 2028, trong khi tỉ trọng của G7 sẽ giảm xuống 27,8%, theo ước tính do Tổng thống Nga cung cấp.
Theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỉ trọng của G7 (bao gồm Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy) trong GDP toàn cầu tính theo PPP đã giảm liên tục trong nhiều năm qua, giảm từ 50,42% năm 1982 xuống 30,39% vào năm 2022. Tổ chức có trụ sở tại Washington DC dự đoán con số này sẽ giảm xuống còn 29,44% trong năm nay.
BRICS gồm các nền kinh tế mới nổi, trước đây bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Nhóm này đã trải qua quá trình mở rộng lớn sau khi Iran, Ethiopia, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) gia nhập vào tháng 1 năm nay.
Ả Rập Xê-út cũng đã được mời và chuẩn bị trở thành thành viên. Nhiều quốc gia khác đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia, trong khi một số quốc gia đã chính thức nộp đơn xin gia nhập nhóm.
Minh Đức (Theo DW, RT, RFE/RL)