Chỉ trong 2 tháng qua, tại bãi biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, 3 chiếc tàu có niên đại từ 400-700 năm đã được phát hiện.
Vớt cổ vật từ một con tàu bị đắm ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
Có thể còn nhiều tàu cổ
Ngày trước, do thôn Châu Thuận khá rộng nên chính quyền địa phương mới tách ra làm 2 thôn là Châu Thuận Biển và Châu Thuận Nông, dựa vào đặc tính nghề nghiệp của người dân nơi đây.
Xung quanh thôn Châu Thuận Biển được bao bọc bởi những cánh đồng cát mênh mông. Một phía tiếp giáp với vùng phố cổ Thu Xà (huyện Tư Nghĩa), còn phía kia tiếp giáp biển. Ở giữa thôn bị biển khoét sâu vào bên trong nên từ lâu, người ta đã gọi nơi đây là eo biển Vũng Tàu. Một điểm riêng ở bờ biển thôn Châu Thuận Biển là có độ dốc khá lớn, giống như bờ vực nên nhiều tàu thuyền vào đây neo đậu mà không sợ mắc cạn. Theo những người cao niên ở địa phương, vì độ dốc lớn nên từ xa xưa, eo biển Vũng Tàu đã đón rất nhiều tàu thuyền vào neo đậu, tránh gió bão. Ðến bây giờ, cứ mỗi lần biển động, ngư dân xã Bình Châu cũng đưa tàu thuyền vào đây lưu trú.
Sau khi phát hiện thêm chiếc tàu cổ thứ 2 (ngày 16/8), chiều 19/8, chúng tôi tìm đến nhà ông Trương Ð., người được mệnh danh là "vua cổ vật" ở xã Bình Châu. Căn nhà cấp 4 trưng bày đầy chén, đĩa, lọ hoa và những đồ gốm sứ do ông Ð. sưu tập được trong cả chục năm nhặt nhạnh ở biển. Ông khẳng định những cổ vật này do chính ông sưu tầm chứ không phải lấy từ con tàu cổ vừa rồi.
Vớt cổ vật từ một con tàu bị đắm ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
Sau đó, ông Ð. đưa chúng tôi xem một chiếc đĩa có đường kính 25 cm, tráng men xanh, in hình hoa lá bên trong và cho biết đây là đồ gốm Chu Ðậu, khoảng cuối thế kỷ XIV. "Tôi tìm thấy nó cách đây gần 10 năm, trong 1 lần lặn biển. Ðồ gốm sứ kiểu này, rất nhiều người dân làng chài ở các xã Châu Tân, Châu Me, An Hải của huyện Lý Sơn… có được nhiều mảnh vỡ, ai may mắn thì sở hữu nguyên vẹn" - ông Ð. cho biết.
Theo ông Ð., dấu tích về những con tàu cổ bị đắm ở eo biển Vũng Tàu rất nhiều vì người dân phát hiện những mảnh vỡ cổ vật tại nhiều địa điểm khác nhau và loại gốm, hoa văn cũng khác.
"Nếu tính từ trước tới nay, đây là con tàu thứ 6 được phát hiện. Năm 1990, chính tôi là người phát hiện ra những mảnh gốm sứ bị vỡ từ con tàu Châu Tân (cách con tàu vừa được phát hiện khoảng 1 km). Sau đó, bà con làng chài đổ xô khai thác cổ vật bên trong nhưng phần lớn bị bể. Năm 1999, cách tàu Châu Tân không xa, người dân tiếp tục phát hiện gốm sứ từ một con tàu khác và tổ chức trục vớt, gọi đây là tàu Châu Tân 2. Ðến năm 2000, con tàu thứ 3 được tìm thấy ở Ghềnh Ráng (thuộc xóm Gành Cả bây giờ, cách con tàu mới được phát hiện khoảng 1,5 km). Hiện vật được tìm thấy trong con tàu gồm nhiều đồ gia dụng bằng đất nung, gốm…" - ông Ð. nói.
Trong khi cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông Ð. hôm 19/8 chưa dứt, khu vực bờ biển thôn Châu Thuận Biển lại dậy sóng bởi người dân phát hiện thêm một xác tàu cổ khác. "Nhiều người dân ở đây đã biết con tàu này khoảng 3-4 năm trước. Hồi đó, vì thấy cổ vật bị bể nhiều lại có niên đại muộn (khoảng thế kỷ 18) nên không ai khai thác… Còn nhiều con tàu khác nằm dưới lớp cát của bờ biển ở thôn này" - ông Ð. quả quyết.
Theo TS Ðoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi, ngoài những con tàu người dân tìm thấy, vào năm 1999, ngành khảo cổ của tỉnh đã khai quật tại bờ biển thôn Châu Thuận Biển 1 con tàu khác có nhiều đồ gốm sứ ở thế kỷ XVII.
Nằm trên con đường gốm sứ
Tiến sĩ Ðoàn Ngọc Khôi nhận định từ việc tìm thấy nhiều con tàu liên tiếp, có thể khẳng định vùng biển Châu Thuận ngày xưa là nơi neo trú tàu thuyền mỗi khi gặp gió bão. "Hàng trăm năm trước, trên con đường thông thương dọc theo bờ biển miền Trung, những con tàu của các thương gia phương Bắc hành trình trên biển Ðông, mỗi khi gặp bão thì thường ghé vào eo biển Vũng Tàu ở đây để neo đậu, mua bán, tiếp tế lương thực… rồi tiếp tục hành trình về phương Nam. Ðiều này chứng minh eo biển Vũng Tàu ngày xưa là một điểm trung chuyển trên con đường gốm sứ, tơ lụa. Thời đó, chỉ đi lại bằng thuyền buồm nên khi gặp thời tiết xấu, các con tàu phải vào nơi khuất để gió tránh bão rồi xảy ra cháy, chìm tàu… Ðiều này cũng lý giải vì sao mỗi con tàu tìm thấy thường bị cháy. Một khả năng khác cũng dẫn đến cháy tàu là bị cướp biển tấn công hoặc cư dân bản địa đốt…" - TS Khôi nhận định.
Theo TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Ðông Nam Á, Quảng Ngãi nằm trên "con đường gốm sứ" từ phương Ðông sang phương Tây. "Con đường gốm sứ" dựa trên cơ sở phát hiện 5 tàu cổ chở gốm sứ ở các vùng biển Việt Nam được khai quật trước đó. Cụ thể, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã khai quật tàu đắm ở Hòn Cau (Bà Rịa - Vũng Tàu) vào năm 1990, Hòn Dầm (Kiên Giang) vào năm 1991, Cù Lao Chàm (Quảng Nam, vừa mới hoàn thành năm 2012), Cà Mau và Bình Thuận (2001). Các con tàu này chở gốm sứ từ thế kỷ XIII-XVIII và có nhiều nguồn gốc khác nhau.
"Với việc phát hiện ra hàng loạt con tàu cổ bị đắm chứng tỏ Quảng Ngãi cũng nằm trên "con đường gốm sứ" ngày xưa và là một điểm tiếp tế lương thực, nước uống của các tàu thuyền" - ông Việt đánh giá.
Dùng thợ lặn khai quật tàu cổ
Sau khi 2 con tàu cổ vật được người dân liên tiếp tìm thấy (ngày 16 và 19/8), ngày 22/8, ông Nguyễn Ðăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, cho biết do phải khai quật 2 con tàu này trước mùa mưa bão nên không thực hiện bằng hình thức dựng kè chắn sóng xung quanh rồi hút cạn nước như đã làm với con tàu vừa được khai quật hồi tháng 6. "Chúng tôi sử dụng thợ lặn để khai quật, lấy cổ vật trong tàu bị đắm vì ít tốn kinh phí hơn. Dự kiến, việc khai quật sẽ được thực hiện vào tháng 9 tới" - ông Vũ nói.
Theo Người lao động