Mới đây, 3 người trong một gia đình khi đang đi du lịch ở Đà Nẵng phải nhập viện trong tình trạng có biểu hiện lâm sàng nghi ngộ độc thực phẩm đã làm 2 người tử vong, 1 người đang được điều trị cấp cứu. Do các nạn nhân có biểu hiện như ngộ độc thực phẩm, nhiều người lo ngại trước vấn đề ăn uống thế nào cho đảm bảo vệ sinh khi đi du lịch.
Lựa chọn thức ăn, đồ uống một cách cẩn thận
Thông thường, những người không đi du lịch theo tour du lịch sẽ được tự lựa chọn món ăn cho mình. Đây vừa là lợi thế, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Để tránh ngộ độc khi đi du lịch, đừng gọi món cá vào ngày thứ hai bởi rất nhiều cửa hàng, quán ăn đường phố dùng lại cá thừa từ những ngày cuối tuần thay vì cá tươi. Đó chính là nguyên nhân khiến bạn bị ngộ độc thực phẩm và điều đó sẽ làm bạn mất luôn chuyến du lịch của mình.
Khi đến một nơi lạ, tại các điểm du lịch, bạn nên chọn những loại nước khoáng, nước đóng chai có thương hiệu để sử dụng. Tuyệt đối không dùng nước uống những loại nước không rõ nguồn gốc bởi bạn sẽ không biết loại nước đó có đảm bảo an toàn hay không. Hạn chế dùng các loại nước giải khát được pha chế tại quán. Đặc biệt hạn chế nước đá - một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu.
Ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch có thể xảy ra khi bạn thử những món ăn độc và lạ. Tránh xa những món ăn mà bản thân thực phẩm đó nếu không được chế biến cẩn thận sẽ là một nguồn thực phẩm không an toàn cho bạn. Ví dụ như cóc, cá nóc, rắn độc, một số loại nấm lạ…
Những hàng quán, xe đẩy được trang trí, bày biện bắt mắt cùng mùi thơm nức sẽ khiến bạn tò mò muốn khám phá, nếm thử hương vị của từng món ăn. Tuy nhiên, ẩm thực đường phố đa phần không đảm bảo vệ sinh, nhiều thực phẩm không tươi, không rõ nguồn gốc, có thể là hàng tồn từ nhiều ngày trước, do vậy khi ăn sẽ dễ dẫn đến đau bụng, khó tiêu, ngộ độc.
Không nên ăn các món tái, sống như hải sản, thịt bò, các loại gỏi từ cá sống. Hạn chế việc sử dụng các loại salad, rau sống, vì rau không được rửa sạch sẽ, dễ nhiễm khuẩn, tồn dư thuốc trừ sâu, dễ gây ngộ độc thực phẩm.
Thực phẩm đã chế biến tiếp xúc với không khí, trong điều kiện nhiệt độ bình thường trong vòng 2 giờ đã có thể biến chất dinh dưỡng. Đặc biệt, thời tiết nắng nóng, bụi khói từ môi trường có thể khiến thức ăn nhiễm vi sinh vật và gây ngộ độc khi ăn phải.
Chuẩn bị thuốc men
Hãy rửa tay thường xuyên hơn khi bạn đi du lịch. Hoặc bạn có thể mang theo một chai rửa tay sát khuẩn mà không cần dùng đến nước. Các chất gây bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể khi bạn chạm tay vào mũi, miệng, mắt hoặc tai. Vì thế, hãy cố gắng giữ cơ thể tránh xa đôi tay cho đến khi chúng được làm sạch.
Thuốc hạ sốt, thuốc chữa tiêu chảy, men tiêu hóa, dung dịch bù nước, các loại thực phẩm tốt cho tiêu hóa như bột sắn dây, mơ ngâm muối… là những "người bạn" không thể thiếu trong túi hành lý khi đi xa. Bạn có thể sử dụng ngay lúc đó nhằm khắc phục sự cố, nếu tình hình vẫn không khả quan thì cần đến trạm y tế, bệnh viện gần nhất để được thăm khám kịp thời.
Nếu chẳng may bạn bị ngộ độc thực phẩm, đừng hoảng loạn. Các bác sĩ cho rằng tâm trí của chúng ta có thể giúp ta vượt qua các rắc rối. Căn bệnh sẽ nặng hơn tình trạng thật của nó nếu bạn cho rằng nó nghiêm trọng. Một khi bạn giải quyết được vấn đề tâm lý của mình, hãy nằm yên thư giãn và nghỉ ngơi. Còn nếu điều đó không giúp ích, hỏi nhân viên khách sạn để tìm sự trợ giúp về y tế. Bạn nên đầu tư vào bảo hiểm du lịch và tìm hiểu thông tin về các phòng khám nơi bạn đến để chuyến đi được trọn vẹn.
Phong Linh (tổng hợp)