Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, chiều 22/3, 3 bệnh nhân trong một gia đình ở Chi Lăng (Lạng Sơn) được chuyển đến trung tâm Chống độc (bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng ngộ độc nấm nặng.
Kết quả xét nghiệm cho thấy các bệnh nhân có men gan tăng gấp hơn 100 lần người bình thường, với các biểu hiện rối loạn đông máu nặng, xuất huyết, suy gan, suy thận.
Được biết, trong vòng 6-10 tiếng sau bữa ăn, cả 3 bệnh nhân đều có triệu chứng đau bụng, đi ngoài, buồn nôn và nôn rất nhiều, được đưa đi cấp cứu và đến trung tâm Chống độc sau 50 giờ ăn nấm.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, đánh giá về tình trạng ngộ độc nấm, các bác sĩ đã chỉ định lọc máu để hấp phụ và giải trừ độc; điều trị suy thận. Trung tâm cũng phối hợp với khoa Thăm dò chức năng làm thủ thuật mới được ứng dụng “dẫn lưu mật mũi” để thải trừ trực tiếp chất độc từ gan qua ống mật chủ ra ngoài. Tuy nhiên, 2 trong số 3 bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng nguy kịch, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng.
Ths.BS. Nguyễn Trung Nguyên (trung tâm Chống độc) cho biết, 3 bệnh nhân đã ăn phải loại nấm gây ngộ độc chậm. Nó gây ra tình trạng viêm gan, nhiễm độc, phá hủy tế bào gan, dẫn đến hôn mê gan, thường gây chết người.
“Ngộ độc nấm rất nguy hiểm và có tỉ lệ tử vong nhiều nhất so với các loại rau độc do nấm chứa các độc tố muscarin, phallatoxin, amatoxin… gây tiêu hủy hồng cầu, bạch cầu, tế bào thần kinh. Chỉ cần vài cây nấm độc trong món ăn cũng có thể gây độc, thậm chí làm chết nhiều người. Điều đáng nói, các ca ngộ độc thường là “chùm” cả gia đình với tỷ lệ 50% tử vong, xảy ra ở các tỉnh miền núi như: Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên…”, BS. Nguyên cảnh báo.
Các bác sĩ tư vấn, trong các nguy cơ về an toàn thực phẩm thì ngộ độc nấm rất cần được quan tâm. Bệnh nhân thường có biểu hiện mệt mỏi, người tái xanh. Vì vậy, bên cạnh việc trang bị cho mình thông tin cần thiết để chọn mua các loại nấm tốt, cần biết cách xử trí khi có người thân bị ngộ độc.
Bác sĩ Nguyên lưu ý, các triệu chứng ngộ độc thường xảy ra muộn, khoảng 6-40 giờ sau ăn, khiến bệnh nhân được phát hiện trong tình trạng đã ngộ độc nặng. Trong khi đó, giai đoạn 1-2 ngày đầu ngộ độc với các biểu hiện nôn nhiều, tiêu chảy liên tục như tả, gây mất nước và rối loạn điện giải, trụy mạch, tiểu ít hoặc vô niệu thì các dấu hiệu này thường hết, càng dễ khiến người bệnh, thậm chí cả thầy thuốc hiểu lầm là đã khỏi. Tuy nhiên 2-3 ngày sau bệnh nhân sẽ xuất hiện tình trạng vàng mắt, vàng da, chán ăn, đầy bụng, mệt mỏi. Người bệnh sẽ dần mê sảng rồi hôn mê sâu, xuất huyết nhiều nơi và tử vong.
Xử trí ban đầu tránh biến chứng nặng
Trong khi chờ vận chuyển cấp cứu, bằng mọi biện pháp phải loại nhanh chất độc ra khỏi cơ thể bệnh nhân bằng cách gây nôn hoặc dùng thuốc giải độc có tác dụng làm giảm hoặc trung hòa chất độc (than hoạt tính). Cụ thể:
- Gây nôn bằng cách móc họng hoặc dùng bàn chải đánh răng thọc sâu vào họng cho buồn nôn, nôn cho đến khi ra nước trong mới thôi.
- Nếu bệnh nhân tiêu chảy nhiều gây mất nước, phải bù nước bằng cách cho uống dung dịch oresol.
- Uống than hoạt tính: Uống 30g than hoạt tính (2 thìa canh) với 1-2 cốc nước. Than hoạt tính sẽ hấp thụ chất độc, chuyển vào phân để tống ra ngoài. Nếu không có than hoạt tính có thể thay thế bằng carbogast hoặc carbophos 400mg/viên để uống.
- Nếu nạn nhân mê man bất tỉnh, cần đưa đi cấp cứu ngay tại cơ sở y tế gần nhất. Nếu người bệnh hôn mê, co giật thì phải cho nằm nghiêng. Khi thở yếu, ngừng thở thì hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu tại chỗ.
Sau khi sơ cứu, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
Cần lưu ý là khi bị ngộ độc nấm, tuyệt đối không được cho bệnh nhân uống các loại thuốc có rượu vì rượu sẽ làm chất độc của nấm ngấm rất nhanh vào máu, làm tăng hiệu lực của độc tố trong cơ thể.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, mùa xuân-hè là mùa nấm nên rất dễ xảy ra ngộ độc. Người dân tuyệt đối không được hái nấm mọc dại để ăn vì nhiều loại nấm độc có hình dáng bề ngoài rất giống với nấm lành, gây nguy hiểm đến tính mạng khi ăn phải.
N.Giang