Trong thời gian qua, Samsung và LG tỏ ra rất năng nổ trong việc xúc tiến phát triển màn hình dẻo dành cho các thiết bị di động. Mới đây, Samsung cũng đã trình làng một mẫu điện thoại trang bị màn hình cong độc đáo mang tên Galaxy Round. Tuy nhiên, chiếc máy này lại sở hữu các tính năng không thực sự nổi trội ngay cả khi so sánh với các smartphone màn hình phẳng hiện nay. Từ đó, rất nhiều câu hỏi nghi vấn xung quanh lợi ích thiết thực của điện thoại màn hình cong/dẻo đã được đặt ra. Nhưng trước tiên chúng ta sẽ tìm hiểu qua một số khái niệm về màn hình dẻo.
Màn hình dẻo là gì?
Về mặt kỹ thuật, màn hình là tập hợp của nhiều vật liệu điện tử nhỏ nằm dưới lớp kính thủy tinh hoặc nhựa (nơi người dùng tương tác trực tiếp lên đó) và chịu trách nhiệm chiếu sáng để hiển thị các thông tin cung cấp tới mắt người dùng. Khi Samsung hay LG nói về màn hình dẻo, có nghĩa rằng họ đã sử dụng các đi-ốt hữu cơ phát sáng, hay tấm nền OLED, tất cả chúng nằm bên dưới một lớp vật liệu linh hoạt (như nhựa chẳng hạn) chứ không phải là kính trước đây. Điện thoại Galaxy Round của Samsung chính là biến thể sơ khai đầu tiên của điện thoại màn hình dẻo được phát hành thương mại ra thị trường. Tất nhiên, nó vẫn khá cứng nhắc chứ không như những gì chúng ta tưởng tượng trước đây về smartphone màn hình dẻo.
Lợi ích của màn hình dẻo?
Như đã phân tích trước đó, Galaxy Round không có quá nhiều ưu điểm nổi trội so với các smartphone thông thường. Tuy nhiên, ở một giai đoạn phát triển cao hơn nữa, màn hình dẻo được cho là sẽ sở hữu nhiều ưu điểm để tạo ra các thiết bị gần như không tưởng. Chẳng hạn như điện thoại có màn hình gập lại được hoặc kéo giãn để tăng kích thước. Bên cạnh đó, màn hình dẻo cũng có độ bền rất tốt, chống chịu được các va chạm vật lý khi người dùng làm rơi máy, phần lớn là vì chúng có lớp bảo vệ bên ngoài bằng nhựa thay vì thủy tinh.
Nhựa cũng có thể làm cho màn hình dẻo mỏng và nhẹ hơn, giúp tạo ra các sản phẩm với hình dạng khác nhau thay vì màn hình chữ nhật tiêu chuẩn hiện nay. Song đó chỉ là trên lý thuyết vì ngay cả nhựa cũng có thể vỡ nếu chịu các áp lực quá mạnh. Bên cạnh đó, hiện nay một số công ty cũng đang phát triển kính linh hoạt dành cho màn hình dẻo.
Liên quan đến độ bền, vậy tại sao smartphone không sử dụng kính màn hình bằng nhựa?
Chuyển sang sử dụng chất liệu nhựa sẽ giúp một smartphone trở nên thực sự “linh hoạt” và bền hơn, nhưng chất liệu nhựa cũng có những vấn đề riêng. Trước hết, nhựa có đặc tính khác với kính thủy tinh, do đó các nhà sản xuất phải tìm cách sử dụng màn hình nhựa mà không gây ảnh hưởng tới chất lượng hình ảnh siêu trong và độ nhạy của màn hình.
Không chỉ có vậy, nhựa là chất bán thấm, có thể cho phép nước và không khí lọt vào bên trong thiết bị. Để tránh điều này, các nhà sản xuất cần bọc một lớp bảo vệ cho màn hình nhựa, hoặc sử dụng các hợp chất lai giữa kính và nhựa. Những vấn đề trên có thể giải quyết nhưng nó vẫn sẽ làm ảnh hưởng phần nào tới khả năng hiển thị của màn hình và quan trọng hơn là chúng sẽ đẩy chi phí sản xuất lên cao.
Samsung Galaxy Round khác với màn hình cong của Galaxy Nexus như thế nào?
Samsung Galaxy Nexus và Nexus S là 2 trong số những chiếc smartphone đầu tiên được trang bị màn hình hơi cong một chút để ôm khít vào má người dùng khi họ đàm thoại. Tuy nhiên, thực tế rằng chúng chỉ sử dụng phần đầu kính bo tròn nhẹ, chứ không hề sử dụng tấm nền OLED cong bên dưới như Round.
Galaxy Round có thể uốn cong hay không?
Thực chất là một chiếc điện thoại màn hình dẻo nhưng Galaxy Round không thể uốn cong do nó bị giới hạn trong bộ khung máy cố định. Bạn hoàn toàn không thể tác động để thay đổi mức độ cong của nó.
Không bẻ cong được, tại sao người ta gọi đó là màn hình dẻo?
Một phần của sự nhầm lẫn này bắt nguồn từ nhiều định nghĩa về tính dẻo hay linh hoạt. Trong công nghệ di động, màn hình dẻo là màn hình có thể uốn cong một góc so với các màn hình phẳng thông thường. Bạn có thể hình dung về chiếc thẻ ATM, nó có tính linh hoạt. Ban đầu thẻ ATM ở trạng thái thẳng nhưng nếu bạn dùng tay ép vào 2 cạnh của nó, chiếc thẻ sẽ cong lại, giữ tay như vậy, nó sẽ ở trong tình trạng cong không đổi. Galaxy Round cũng như vậy, do được cố định bởi bộ khung máy nên màn hình của Round có thể uốn cong về 2 phía so với trục thẳng ở giữa.
Thực chất hiện nay chúng ta có thể hình dung màn hình dẻo có các trường hợp sau đây:
- Trong trường hợp Galaxy Round, màn hình dẻo ám chỉ nó không có dạng phẳng kể cả nó chỉ được cố định ở một hình dạng nhất định đi chăng nữa.
- Trường hợp thứ hai là loại có thể bẻ cong được.
- Trường hợp thứ 3 là màn hình "gập". Tất nhiên để tạo được một mẫu smartphone có khả năng này, có thể chúng ta sẽ phải chờ rất lâu nữa.
- Trường hợp cuối cùng là màn hình có thể cuộn tròn được. Đây là loại màn hình bền bỉ nhất, cao cấp nhất trong số các loại màn hình dẻo.
Màn hình Galaxy Round làm bằng nhựa hay kính?
Đây là câu hỏi mà chúng ta chưa thể kiểm chứng và khẳng định chắc chắn 100%. Tuy nhiên, theo những tin đồn gần đây, Samsung đã sử dụng một lớp nhựa polymer để làm màn hình cho Galaxy Round. Song chúng ta cũng không loại trừ khả năng đơn giản đó chỉ là lớp kính mỏng được uốn cong.
Galaxy Round có khó sản xuất hay không?
Câu trả lời là có. Mặc dù màn hình cong của Galaxy Round không thể uốn một cách linh hoạt nhưng chắc chắn việc sản xuất nó là không đơn giản. Chí ít hiện nay chúng ta cũng đã thấy những viên pin cong nhưng còn các thành phần khác thì sao, từ bo mạch chủ, chip xử lý hay loa... Để có thể nhồi nhét tất cả trong một bộ khung cong thì Samsung sẽ phải tính toán rất kỹ, chúng ta cũng thấy được điều này khi độ dày máy vẫn ở mức chấp nhận được. Song để bù đắp cho những chi phí phát sinh, đại gia Hàn Quốc đã đưa ra mức giá trên 1.000 USD cho Round, rõ ràng đây không hẳn là một món hời đối với người dùng.
Loại màn hình dẻo nào tốt hơn, OLED hay LCD?
Khi các công ty trình diễn màn hình cong, dẻo, hoặc có thể cuộn lại, họ thường sử dụng màn hình OLED nhưng trên thực tế việc tạo ra màn hình LCD cong là hoàn toàn có thể. Mặc dù vậy, các chuyên gia đều cho rằng tạo ra màn hình OLED cong là dễ dàng và đem lại hiệu quả sử dụng cao hơn.
LCD (hay còn có tên gọi màn hình tinh thể lỏng) là loại màn hình phổ biến nhất hiện nay. Nó được tạo thành bởi 2 lớp kính, ở giữa là một vật liệu tinh thể lỏng có khả năng biến đổi các luồng ánh sáng đi qua. Do đó, màn hình tinh thể lỏng yêu cầu cần có đèn chiếu sáng bên dưới, hoặc các con chip phát sáng qua lớp màn hình. Việc bẻ cong màn hình LCD là hoàn toàn có thể, song sẽ rất khó khăn vì khoảng cách giữa 2 lớp kính phải là luôn luôn đồng đều. Ngoài ra, bạn cũng không nên nghĩ tới chuyện có thể cuộn tròn được màn hình LCD.
Trong khi đó, màn hình OLED không cần có đèn hay chip chiếu sáng bên dưới, và cũng chỉ cần một lớp kính (thậm chí là cả nhựa hoặc kim loại) làm nền. 2 yếu tố này giúp công nghệ OLED trở thành ứng cử viên sáng giá nhất cho màn hình cong. OLED chiếu sáng nhờ các vật liệu dựa trên carbon được gắn lên bề mặt, và bề mặt này có thể có nhiều hình dạng khác nhau. Các nhà sản xuất thường thêm một lớp kính thứ 2 nhưng chỉ có tác dụng bảo vệ cho lớp dưới cùng của màn hình OLED.
Có thể nói, dù Galaxy Round thành công hay thất bại thì Samsung vẫn sẽ là nhà sản xuất đi vào lịch sử của ngành công nghiệp di động. Bên cạnh đó, chiếc smartphone này cũng sẽ là bước ngoặt mở ra cuộc chạy đua phát triển điện thoại màn hình dẻo của các hãng di động, dù rằng nó chỉ có mục đích marketing hay phục vụ các nhu cầu sử dụng thực tế.
Đài Trang