Nét văn hóa độc đáo
Đến với Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng, nhiều người không khỏi tò mò về tượng nhà mồ hay còn gọi là tượng dân gian của người đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
Để hiểu hơn về nét văn hóa đặc sắc nói trên, chúng tôi đã tìm đến Bảo tàng Đắk Lắk – nơi lưu giữ nhiều tài sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số. Theo chị Trần Thị Nguyệt, nhân viên thuyết minh tại Bảo tàng Đắk Lắk cho biết, nói về nhà mồ tức là nói về tục ma chay của người đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên (gọi tắt là người Tây Nguyên – PV).
Người Tây Nguyên quan niệm, họ sinh ra từ rừng nên khi chết đi sẽ về với rừng, rừng sẽ bao bọc lấy linh hồn, thân thể của người đã khuất. Chính vì vậy, trước đây, quan tài được khoét rỗng từ một thân cây, sau đó cho thi hài vào bên trong với ngụ ý thần rừng đang che chở và bao bọc.
Theo chị Nguyệt, người Tây Nguyên quan niệm, có hai kiểu chết.
Theo đó, đối với người chết trẻ, chết ngoài đường, xó chợ, ngã cây... gọi là cái chết bất đắc kỳ tử. Với những trường hợp này, thi hài người chết không được đưa vào nhà mà để bên ngoài, sau đó đưa ra nghĩa địa để chôn.
Bên trên những ngôi mộ chết bất đắc kỳ tử này, người còn sống thường làm những ngôi nhà cúng cơm sơ sài, tạm bợ. Hàng ngày, người trong gia đình sẽ đem cơm ra để bên cạnh mộ để cúng cho người chết.
Đối với những người do già chết đi, người Tây Nguyên gọi đó là cái chết bình thường, thi hài được để trong nhà, sau đó đưa ra nghĩa địa để chôn cất. Bên trên những ngôi nhà mộ này được trang trí những tượng gỗ.
Sau khi chôn cất từ 1-7 năm, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của gia đình, người Tây Nguyên sẽ làm lễ bỏ mả tức là bỏ đứt. Nghi lễ bỏ mã được tổ chức rất lớn từ 3-5 ngày.
Nhiều gia đình còn mổ heo, gà, thậm trí cả trâu để đãi người dân trong làng và các vị khách đến tham dự lễ bỏ mả. Đặc biệt, trước khi làm lễ bỏ mã, họ sẽ phân công một số người vào rừng lấy gỗ về tạc các tượng để đặt trên nhà mồ gọi là tượng nhà mồ.
Các tượng nhà mồ được tạc ra đều gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người nằm dưới mộ khi còn sống như: Tượng người giã gạo, tượng người phụ nữ cho con bú sau lưng mang gùi lên nương rẫy, tượng cây cột lễ, tượng ché rượu cần, tượng người ôm mặt khóc.
“Họ quan niệm, nếu trên ngôi nhà mồ có tượng con voi, tượng con chim đứng trên ngà voi thì chứng tỏ khi còn sống, người nằm dưới mồ có liên quan đến nghề săn bắt, thuần giữ voi rừng. Còn nếu trên nhà mồ có tượng bông hoa thì chứng tỏ người đã chết là một nam hay nữ chưa kết hôn hoặc là người thuộc trong dòng tộc tù trưởng giàu có”, chị Nguyệt cho hay.
Kể từ sau khi thực hiện nghi lễ bỏ mả, người Tây Nguyên không làm đám giỗ hàng năm cho người chết nữa. Bởi, họ quan niệm người chết đã về với ông bà tổ tiên rồi.
Do đó, họ không quan tâm đến mồ mả nữa, cũng không viếng thăm hay nhắc đến người đã khuất vì nếu còn quan tâm thì người chết sẽ vương vấn, về quấy nhiễu các thành viên trong gia đình.
Thể hiện tình thương với người mất bằng tượng gỗ
Nói về tượng nhà mồ, ông Y Nhi Rya (SN 1951, trú tại Buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Ngày xưa, người M’Nông chúng tôi là chết không có mộ, chết đâu chôn đó. Sau này, xét thấy việc này không phù hợp nên đã cho thi thể người chết vào quan tài và làm mồ mả như các dân tộc khác.
Đồng thời, người M’Nông còn tạc các tượng gỗ để chôn tại mộ người mất hay còn gọi là tượng nhà mồ nhằm thể hiện cho văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Nguyên. Bên cạnh đó, bằng việc tạc tượng nhà mồ, người còn sống muốn được thể hiện tình thương, tấm lòng với người đã khuất”.
Theo ông Y Nhi, với mỗi bức tượng nhà mồ được tạc ra đều mang ý nghĩa khác nhau và mang đậm chất văn hóa Tây Nguyên. Qua đó, người ngắm tượng sẽ hiểu được những sinh hoạt, tập quán, nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Chẳng hạn, tượng con công đặt tại tượng nhà mồ thể hiện tính đặc trưng của đất Buôn Đôn, chỉ có mảnh đất này mới có, còn những nơi khác không có. Đồng thời, bằng việc tạc tượng con công, người còn sống mong muốn người chết sẽ biến thành con chim đẹp nhất, lớn nhất.
Tương tự, tượng ngà voi được đặt tại nhà mồ là hình ảnh giá trị nhất tượng trưng cho vùng đất voi rừng, thuần dưỡng voi rừng.
“Nói đến huyện Buôn Đôn, người ta liền nghĩ đến vùng đất chuyên bắt và thuần dưỡng voi rừng. Với những ngôi mộ có tượng voi thì chứng tỏ khi còn sống, người nằm dưới mộ đã có công lao thuần dưỡng, chăm sóc voi, có cuộc sống gắn liền với con voi”, ông Y Nhi lý giải.
Theo ông Y Nhi, trước đây, bất kể ngôi mộ nào cũng có tượng nhà mồ. Tùy theo điều kiện, khả năng của mỗi gia đình mà tượng nhà mồ sẽ được khắc họa khác nhau.
Đến nay, vẫn có một số gia đình làm tượng nhà mồ nhưng chỉ có gia đình có điều kiện, khá giả mới làm được vì nguồn gỗ đã cạn kiệt.
Ngoài ra, ông Y Nhi còn hé lộ, người đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên có tục chia của nên mỗi khi trong nhà có người mất thì gia đình buộc phải chia tài sản cho người chết để chôn theo như: Tiền, vàng, ché rượu cần, quần áo, đặc biệt không thể thiếu trâu, bò. Theo đó, gia đình làm trâu, bò để cúng cho người chết, mặt khác ché rượu cần được chôn ở trên đầu và dưới chân mộ.
Ông Vũ Minh Thoại, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngày xưa chỉ có 2-3 người làm tượng nhà mồ. Hiện nay, trên địa bàn huyện Buôn Đôn có khoảng hơn 100 nghệ nhân người đồng bào dân tộc thiểu số biết tạc tượng.
Tại lễ hội văn hóa truyền thống hàng năm, Phòng Văn hóa Thông tin đã tham mưu cho UBND huyện đi mua gỗ muồng về giao cho mỗi nghệ nhân tùy theo khả năng của họ để tạc tượng.
Thông qua các lễ hội, góp phần giúp cho các nghệ nhân giữ được sự hồn nhiên và cách tư duy từ bao nhiêu đời nay truyền lại để có một cách sáng tạo riêng. Mặt khác, thông qua các lễ hội, cuộc thi tạc tượng sẽ giúp cho cộng đồng, các nghệ nhân có cơ hội được biểu diễn, thể hiện.
Đồng thời, bằng các giải thưởng đã thể hiện sự khích lệ, tôn vinh, động viên của cộng đồng, xã hội đối với các nghệ nhân. Đó cũng là cách bảo tồn, lưu truyền tốt nhất.
Khánh Ngọc