Ai đã đi sẽ biết rằng du lịch bụi không tốn nhiều tiền như người ta tưởng. Có nhiều cách để tiết kiệm chi phí trên đường, ngay cả với một túi tiền eo hẹp. Ví dụ như người yêu thích du lịch bụi có thể tham gia các diễn đàn nơi bạn có thể ở nhờ nhà người dân bản xứ, hay làm việc từ thiện để đổi lấy chỗ ăn ở miễn phí.
Như chị Phạm Thu Thủy, tác giả cuốn sách “Bước chân theo dấu mặt trời” kể về chuyến hành trình đến Ấn độ đã chia sẻ: “Ai cũng muốn giảm thiểu chi phí du lịch. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn có thể vi phạm luật pháp luật lệ địa phương, hoặc đi ngược lại với cách hành xử, văn hóa và phong tục bản địa chỉ để tiết kiệm vài đồng trên đường du lịch”.
Cô còn cho biết, đi du lịch có nhiều kiểu. “Đi du lịch, nhất là dạng du lịch nhằm hướng tới những trải nghiệm giúp mình lớn lên, thì không hề sung sướng. Sẽ làm những điều nằm ngoài vùng an toàn của bản thân, sẽ có những sự việc hay trải nghiệm giúp thử thách và kéo giãn khả năng của bạn, để bạn biết đâu là giới hạn của chính mình”.
Trong quyển sách “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”, tác giả Rosie Nguyễn cũng đã viết: “Có những lúc ngủ bờ ngủ bụi mới làm tăng sức chịu đựng của bản thân, mới biết rằng có khổ sở mấy thì ta cũng chịu đựng được, miễn là làm điều mình thích”.
Rosie Nguyễn cũng khuyên các bạn trẻ đang có ý định du lịch bụi rằng: “Có những lúc cân nhắc chi phí mới biết hoạch định tài chính cho mình trong chặng đường dài, mới nhớ lại được rằng, ý nghĩa cuộc đời nằm ở những trải nghiệm đáng giá, chứ không phải ở góp nhặt vật chất.
Nên những chuyến hành trình giúp ta tự tin hơn, giúp ta sẵn lòng đương đầu với những khó khăn khác trong đời. Trải nghiệm giúp ta hiểu rõ hơn mình là ai, giúp dựng xây tính cách, con người mà ta mong muốn trở thành sau này".
Các phượt thủ khác như Hachi8, Nguyễn Hoàng Bảo, Đinh Hằng cũng đồng ý với nhận định du lịch bụi giúp người ta mở rộng tầm nhìn, suy nghĩ phóng khoáng, cái nhìn bớt cục bộ địa phương, hướng về trải nghiệm hơn và tích lũy vật chất.
Người ngoài hay nhìn dân du lịch bụi với ánh mắt ngưỡng mộ. Kìa anh ấy đã đi được 50 – 60 quốc gia. Kìa cô ấy đã có một hành trình vòng quanh thế giới.
Nhưng những điều đó chỉ là một mặt của vấn đề. Có một thực tế mà dân trong cộng đồng phượt ai cũng biết là trong làng du lịch bụi cũng như bao nơi khác, có không ít điều tiêu cực.
Lúc thì cái tôi quá cao nên dẫn đến cách hành xử không đẹp. Lúc thì có chuyện "gạ tình" giữa "xế" và "ôm" trong các chuyến đi phượt đông người. Lúc thì có tin người này người nọ dùng danh nghĩa phượt để trục lợi cho bản thân. Lúc thì là mâu thuẫn giữa những nhân vật khác nhau trong cộng đồng vì cạnh tranh danh tiếng, lợi ích…
Tuy vậy, không có gì là tuyệt đối. Không phải ai đi nhiều hoặc hay đi thì cũng sẽ tài giỏi hơn, tốt bụng hơn, hiểu biết hơn những người khác. Để được vậy là một quá trình ý thức, nỗ lực, quan sát, học hỏi và tích lũy từ từng chuyến đi.
"Chỉ đi không thôi là không đủ, mà người ta phải vừa đi, vừa đọc sách nâng cao hiểu biết, vừa học tập từ môi trường xung quanh, tích cực bổ sung kiến thức để không ngừng rèn luyện chính mình và phát huy hết mọi tiềm năng của bản thân", chị Thu Thủy chia sẻ.
Các phượt thủ nổi tiếng cũng cho biết, không phải chuyến nào cũng có được trải nghiệm đáng giá. "Tôi hay nhận được những tâm sự chia sẻ từ nhiều người trẻ rằng du lịch bụi là đam mê bất tận của họ. Dường như họ sống chỉ để đi, đi là mục đích tối thượng và là tất cả ý nghĩa cuộc đời có thể có", phượt thủ Rosie Nguyễn kể.
Nhiều người không thể ở yên một chỗ, cứ hướng lòng mình tới những chuyến đi xa. Nhiều người khác đi không ngừng nghỉ, dùng đó như một lối thoát, để trốn tránh khỏi những vấn đề hiện tại. Nên bản thân chuyến đi không giúp giải quyết toàn bộ vấn đề trong cuộc sống.
Đi là một cách rất tốt để học hỏi, để tiếp thu. Nhưng để sống hạnh phúc thì ta phải cho đi, phải tạo ra giá trị và làm những điều hữu ích khiến ta cảm thấy cuộc sống của mình ý nghĩa.
Chị Rosie Nguyễn còn cho hay: "Không phải lúc nào tôi cũng có những kỷ niệm khác thường hay gặp những người khiến tôi có thể học hỏi được. Và điều quan trọng là, sau những lúc trên đường, tôi vẫn không tránh khỏi những lúc mông lung, bế tắc trong cuộc sống".
"Kỹ năng giao tiếp của tôi vẫn cần cải thiện, kiến thức chuyên môn của tôi vẫn sơ sài, tôi vẫn tự ti về bản thân. Và tôi vẫn thấy mình lạc lối. Rồi tôi khám phá ra rằng du lịch không nên là đam mê, mà chỉ là sở thích", Rosie Nguyễn cho biết thêm.
Du lịch như vậy không phải là đam mê, vì khi đi ta thường không đem đến nhiều giá trị mà nhận lại nhiều hơn. "Từ phát hiện đó, tôi hướng tới tìm kiếm đam mê đích thực của đời mình, tìm hiểu bản thân mình nhiều hơn để trả lời câu hỏi mình sinh ra để làm gì, sứ mệnh của mình là gì", chị Thu Thủy đồng tình.
Từ đó, sở thích đi du lịch sẽ giúp giới trẻ khám phá được đam mê, lẽ sống của chính mình. Sau những chuyến đi, họ lại nỗ lực mài dũa kỹ năng, rèn luyện chính mình, và dần dần quay lại cống hiến và đóng góp sức mình vào cộng đồng, xã hội. Nhờ thế, họ thấy mình đã sống một cuộc đời mãn nguyện hơn trước.