Sau 2 vòng bỏ phiếu và cuộc đua đặc biệt căng thẳng, Phần Lan đã có Tổng thống mới. Ông Alexander Stubb từ Đảng Liên minh Quốc gia cánh hữu (gọi là Kokoomus ở Phần Lan) đã đánh bại chính trị gia Đảng Xanh cánh tả Pekka Haavisto trong cuộc bỏ phiếu vòng nước rút (runoff) hôm 11/2.
Đây cuộc bầu cử quốc gia đầu tiên kể từ khi Helsinki gia nhập NATO. Tổng thống Phần Lan đảm nhiệm một vị trí rất quan trọng đối với việc định hình vai trò của nước này trong liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương vào thời điểm mối quan hệ ngày càng căng thẳng với Nga.
Cuộc bầu cử thường có thể ít được chú ý vượt ra ngoài biên giới của quốc gia Bắc Âu với 5,6 triệu dân này. Nhưng Phần Lan, thành viên mới nhất của NATO, có chung đường biên giới dài nhất với Nga – khoảng 830 dặm (1.340 km) – và nền chính trị của nước này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đồng minh châu Âu và Mỹ khi trật tự địa chính trị thay đổi.
Quyền lực của Mỹ đang bị Moscow và Bắc Kinh thách thức, còn châu Âu đang vật lộn với cuộc chiến trên bộ lớn nhất kể từ Thế chiến II. Đồng thời, cam kết của Mỹ hỗ trợ Ukraine ngày càng bị nghi ngờ và một cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với kết quả khó lường sắp diễn ra.
Phần Lan có một hệ thống chính phủ nghị viện, nhưng chức vụ Tổng thống của nước này không phải là một vai trò mang tính nghi lễ. Tổng thống chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại, đồng thời là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang của quốc gia Bắc Âu.
“Phần Lan sẽ trở thành một quốc gia NATO như thế nào là một câu hỏi mở vào lúc này”, bà Jenni Karimaki, một nhà phân tích chính trị tại Đại học Helsinki, cho biết. “Tổng thống mới sẽ có nhiều tiếng nói về vấn đề đó”.
Dù thế nào chăng nữa, chắc chắn tân Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb sẽ đóng vai trò then chốt trong việc lèo lái đất nước vượt qua một thế giới đang thay đổi. Có một số điều đặc biệt về vị chính trị gia kỳ cựu.
Đầu tiên, ông Stubb ủng hộ châu Âu, ủng hộ bình đẳng hôn nhân và theo chủ nghĩa quốc tế. Trước đây ông từng giữ chức vụ lãnh đạo đảng, Thủ tướng và Ngoại trưởng Phần Lan, đồng thời từng là thành viên Nghị viện châu Âu tại Brussels. Ông nói thông thạo tiếng Phần Lan, tiếng Thụy Điển, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức.
Thứ hai, vị chính trị gia nổi tiếng yêu thế thao chia sẻ ông muốn trở thành một Tổng thống có thể thống nhất đất nước. Nhưng đó là một thách thức không hề nhỏ khi Đảng Kokoomus của ông đang điều hành chính phủ liên minh với Đảng Finn cực hữu.
Thứ ba, ông Stubb không bao giờ ngần ngại sử dụng mạng xã hội và nổi tiếng là người thích chụp ảnh selfie với những người ủng hộ – đặc biệt là những người nổi tiếng.
“Đối với tôi, mạng xã hội luôn là một kênh liên lạc tự phát”, ông Stubb viết trên X/Twitter hồi tháng 10/2021. “Tôi tự quản lý tài khoản của mình. Tôi nhận ra những rủi ro”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng thà sử dụng mạng xã hội để giao tiếp, bất chấp rủi ro, còn hơn là không giao tiếp gì cả.
Thứ tư, trong một dòng tweet vào năm 2018 với “người bạn và đồng nghiệp cũ” Sergey Lavrov (Ngoại trưởng Nga đương nhiệm), ông Stubb xin lỗi vì đã nói rằng những người muốn chặn đầu tư của Nga vào một nhà máy điện hạt nhân của Phần Lan là “những kẻ bài Nga”.
Ông Stubb cũng khen ông Lavrov: “Chúng tôi có thể không đồng ý về mọi thứ, nhưng ông ấy là một trong những Bộ trưởng Ngoại giao chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm nhất mà tôi từng gặp”.
Thứ năm, được chọn để thay thế Tổng thống Sauli Niinistö, ông Stubb sẽ phải chịu áp lực rất lớn từ “cái bóng” quá lớn của người tiền nhiệm. Ông Niinistö đã nhận được tỉ lệ tán thành cao ngất trời từ công chúng Phần Lan trong 2 nhiệm kỳ vừa qua – kéo dài 12 năm, trong bối cảnh căng thẳng không ngừng gia tăng với “người hàng xóm” là Nga vì xung đột ở Ukraine.
Minh Đức (Theo Euronews, NY Times)