Khi Tết Nguyên đán bắt đầu vào ngày 22/1/2023, hàng triệu phong bì đỏ chứa tiền bên trong sẽ được gửi đi khắp nơi, tượng trưng cho những lời chúc tốt đẹp và may mắn cho năm mới. Không chỉ ở Trung Quốc, những phong bao màu đỏ được coi là một món quà phổ biến ở nhiều nước châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Campuchia, Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Bao lì xì (“lợi thị” trong tiếng Quảng Đông và “hồng bao” trong tiếng Quan thoại, thường được trao cho trẻ em và người lớn tuổi trong 2 tuần đầu tiên của Tết Nguyên đán, cho đến ngày rằm tháng Giêng (Lễ hội đèn lồng Trung Quốc, năm nay rơi vào ngày 5/2).
Điều quan trọng ở những chiếc hồng bao này không phải là số tiền bên trong mà chính là chiếc phong bì. Màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn và thịnh vượng. Dưới đây là 8 điều bạn có thể chưa biết về phong tục tặng lì xì ở Trung Quốc.
1. Phong tục tặng bao lì xì bắt nguồn từ một câu chuyện cổ được lưu truyền từ thời nhà Tần (năm 221 đến 206 trước Công nguyên. Truyền thuyết kể rằng có một con yêu quái thường xuyên xuất hiện vào đêm giao thừa và chạm vào đầu những đứa trẻ đang ngủ. Những đứa trẻ bị chạm vào cảm thấy lo lắng, đau đầu và khóc. Do đó, các bậc cha mẹ phải cố gắng bảo vệ con mình bằng cách giữ chúng thức suốt đêm giao thừa. Một năm nọ, một đứa trẻ được cho 8 đồng xu để chơi khỏi ngủ quên, nhưng cuối cùng vẫn ngủ thiếp đi. Đến nửa đêm, yêu quái xuất hiện, định làm hại đứa trẻ, nhưng những đồng xu phát ra ánh sáng chói lòa, khiến con yêu quái sợ hãi, biến mất. Những đồng xu này thực ra là 8 vị thần bất tử hóa thân để bảo vệ đứa trẻ.
2.Mặc dù truyền thống này tập trung vào trẻ em, nhưng bao lì xì màu đỏ còn được trao cho người lớn tuổi, người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, v.v. Số tiền trong bao lì xì do đó cũng khác nhau. Ông bà, cha mẹ thường nhận được nhiều hơn, nhưng nhân viên và thậm chí cả những người quen biết bình thường cũng có thể nhận được lì xì.
3. Người Trung Quốc có những quy tắc nhất định khi tặng bao lì xì. Ví dụ, chỉ những tờ tiền mới, sạch sẽ được cho vào hồng bao. Trước thềm năm mới, người dân Trung Quốc thường xếp hàng dài tại các ngân hàng để chờ đổi tiền cũ thành tiền mới.
4. Hiện nay, nhiều người đã bắt đầu sử dụng lì xì kỹ thuật số thay vì bao lì xì truyền thống. Thay vì đưa tiền mặt, tiền lì xì sẽ được chuyển đến tài khoản người nhận thông qua điện thoại thông minh. Người dùng thậm chí còn có thể gửi lì xì trực tuyến cho những người nổi tiếng mà họ yêu thích.
5. Số tiền trong bao lì xì của người Trung Quốc không bao giờ có số 4 (ví dụ như 4, 40 hoặc 400), vì cách phát âm số 4 (tứ) của người Trung Quốc nghe giống từ “tử” (nghĩa là chết). Trong khi đó, số tiền chứa số 8 được cho là sẽ mang lại may mắn và thịnh vượng, vì số 8 phát âm gần giống từ “phát”.
6. Ngoài ra, người Trung Quốc cũng có những quy tắc về cách nhận phong bì. Theo truyền thống, trẻ em sẽ quỳ gối để nhận hồng bao từ các thành viên lớn tuổi hơn trong gia đình. Phong tục này vẫn được thực hiện ở một số vùng của Trung Quốc. Bao lì xì cũng luôn được đưa và nhận bằng cả hai tay và không bao giờ được mở ra trước mặt người tặng.
7. Mặc dù bao lì xì thường gắn liền với dịp năm mới, nhưng chúng cũng xuất hiện trong nhiều dịp khác như một cách chia sẻ may mắn và lời chúc phúc, chẳng hạn như sinh nhật và đám cưới, lễ tốt nghiệp hay sinh em bé. Điểm khác biệt chính là màu sắc. Phong bì màu trắng thường được dùng trong các đám tang.
8. Ngoài bao lì xì, nhiều người Trung Quốc cũng mang theo bánh kẹo và đồ ăn nhẹ truyền thống khi đến thăm họ hàng dịp năm mới. Cam và quýt cũng là những món quà phổ biến.
Nguyễn Tuyết (Theo Art and Culture, Refinery 29, Money Sense, Cargo Partner)