Xuất phát từ quan niệm trong dân gian, ngày đầu năm mới là khởi đầu cho một chu kỳ mới, chính vì thế người Việt cho rằng ngày đầu năm nếu gặp được nhiều điều tốt thì cả năm sẽ may mắn và ngược lại. Có lẽ vì thế, trong dân gian truyền tai nhau rất nhiều điều kiêng kỵ nên tránh trong những ngày đầu năm. Những điều kiêng kỵ này đã trở thành phong tục lâu đời của người Việt trong ngày Tết.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Cung Hà - Phó chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm Lý, Viện Nghiên cứu và ứng dụng Tiềm Năng Con Người cũng đã đưa ra một số điều kiêng kỵ cần tránh ngày tết.
1.Kiêng quét nhà, đổ rác ngày mùng 1
Theo quan niệm, quét nhà, đổ rác vào ngày mùng 1 sẽ hất tài lộc ra khỏi cửa. Thế nhưng, ngày nay quan niệm này cũng dần được xóa bỏ.
2. Kiêng cho lửa, cho nước đầu năm
Lửa màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn. Nước tượng trưng cho tài lộc dồi dào. Nên người ta kiêng cho hai thứ này vào ngày đầu năm.
3. Kiêng làm đổ vỡ đồ dùng
Theo quan niệm của những người đi trước, nếu làm vỡ đồ đạc trong nhà sẽ gây ra sự lục đục trong các mối quan hệ, giữa các thành viên trong gia đình với nhau.
4. Kiêng cãi vã, to tiếng
Trong những ngày đầu năm mới, người ta kiêng cãi vã, to tiếng giữa các thành viên trong gia đình với nhau hoặc với hàng xóm, láng giềng để giữ hoà khí trong gia đình. Vì nếu không giữ được như vậy người đó sẽ hay gặp điềm xui xẻo...
5. Kiêng mặc quần áo toàn màu đen và trắng
Theo quan niệm của người xưa, màu trắng và đen là màu của tang lễ, chết chóc. Vì vậy những ngày đầu năm thì phải mặc trang phục với những màu sắc sặc sỡ như: Màu hồng, đỏ, vàng, xanh… Để tạo nên sự hưng phấn và vui vẻ.
6. Kiêng để tang, chôn cất ngày mùng 1
Ngày Tết Nguyên đán là ngày vui của toàn dân tộc, ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm, có ý nghĩa rất thiêng liêng. Gia đình phải tạm gác mối sầu riêng để hoà chung với niềm vui toàn dân tộc.
Vì vậy, có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày Tết hoặc ít nhất là ngày mồng 1. Nhà nào có đại tang kiêng đi chúc Tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh.
7. Kiêng ăn một số đồ ăn
Trong ngày đầu năm mới, các gia đình thường kiêng ăn một số món ăn như: Thịt chó, thịt mèo, vịt, cá mè, mực, tôm, hạt tiêu. Vì nhiều người quan niệm nếu ăn những đồ vật này dễ gặp điềm xui.
8. Kiêng vay mượn, trả nợ
Chỉ trong hoàn cảnh túng thiếu hoặc cấp bách, người ta mới nghĩ đến chuyện vay mượn tiền bạc hoặc đồ dùng của người khác. Người xưa quan niệm không nên vay tiền hoặc mượn đồ đạc vào những ngày đầu năm mới, điều đó có thể làm bạn rơi vào cảnh túng thiếu cả năm.
9. Kiêng nói những điều xui
Để tránh những chuyện không hay xảy ra trong cả năm, mọi gia đình thường kiêng kỵ những ngày tết không nói điều xui xẻo, họ chỉ chúc nhau những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
10. Kiêng xuất hành ngày mùng 5
Ngày mồng Năm là ngày nguyệt kị, người Việt thường không xuất hành đầu năm vào ngày này. Dân gian có câu “Mùng năm, mười bốn, hai ba; Đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn”, người Việt tin rằng mùng 5 không thích hợp cho các cuộc du xuân lấy lộc.
*Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo.
Thanh Lam