Chưa một lần đi học nhưng vẫn đọc thông viết thạo
Lăng Văn Hợp (SN 1996) là con thứ 2 trong gia đình có 5 anh em ở thôn 16, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Thế nhưng, ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, Hợp đã gánh chịu nhiều thiệt thòi, bởi đôi chân dị tật và không một lần duỗi thẳng được.
Lặng đi trong căn nhà bếp lụp xụp của gia đình, ông Lăng Văn Tàng (SN 1962, bố của Hợp) nói trong nghẹn ngào: “Hợp sinh ra khi gia đình tôi đang sinh sống ở tỉnh Lạng Sơn. Ngày cháu chào đời, vợ chồng tôi như sụp đổ bởi mọi người nắn, kéo kiểu gì thì đôi chân của Hợp vẫn co quắp lại.
Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên gia đình không có điều kiện đưa cháu đi thăm khám, điều trị mà chỉ cầu mong có một điều kỳ diệu cho đôi chân của Hợp. Tuy nhiên, thời gian cứ trôi qua từ năm này đến năm khác nhưng Hợp vẫn không thể đứng dậy trên chính đôi chân của mình. Không chỉ vậy, theo thời gian, các ngón tay của cháu cũng co rút lại nên mọi sinh hoạt cá nhân đều phải phụ thuộc vào bố mẹ”.
Năm 2006, vợ chồng ông Tàng quyết định rời quê hương, dẫn các con của mình vào xã Ea Rốk lập nghiệp với hy vọng cuộc sống sẽ từng bước cải thiện.
Tại vùng đất bazan đầy nắng gió, vợ chồng ông dùng số tiền ít ỏi của cả gia đình mua được 1 sào đất để dựng căn nhà lá chui ra chui vào. Để có tiền mưu sinh, vợ chồng ông đành để các con của mình ở nhà tự chăm sóc nhau rồi đi làm thuê nhiều công việc nặng nhọc, vất vả.
Đưa mắt nhìn người cha với mái tóc đã bạc màu, Hợp chia sẻ: “Những ngày bố mẹ đi làm thuê cuốc mướn, anh chị em còn lại đi học, em chỉ biết lủi thủi một mình trong căn nhà tuềnh toàng của gia đình. Đối diện với nhiều khó khăn từ việc vệ sinh cá nhân đến ăn uống, nhiều lúc, em không khỏi cảm thấy bất lực, muốn buông xuôi cuộc đời của mình theo số phận.
Thế nhưng, nghĩ đến những vất vả của bố mẹ, em lại nhanh chóng gạt đi những suy nghĩ tiêu cực và sống vui vẻ hơn. Những lúc không có ai ở nhà, em dùng cái bao đựng lúa cột hai đầu lại rồi ngồi lên và lê lết ra sân, vườn chơi”.
Đáng nói, dù chưa một lần được đến trường đi học nhưng Hợp vẫn “đọc thông viết thạo” khiến mọi người không khỏi ngỡ ngàng.
Hợp lý giải: “Lúc nhỏ, em luôn ước mơ được một lần đến trường đi học như các bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, do việc đi lại quá khó khăn, không có người đưa đón mỗi ngày nên em đành ngậm ngùi gác lại ước mơ đi học của bản thân. Sau này, mỗi khi thấy anh trai lấy sách ra học bài, em âm thầm ngồi bên cạnh và học theo. Cứ thế, em đã biết đọc, biết viết lúc nào không hay”.
Khi thấy Hợp cầm sách, báo để đọc, vợ chồng ông Tàng không khỏi ngạc nhiên và không hiểu bằng cách nào con trai có thể đọc, viết thành thạo.
“Tôi rất bất ngờ khi thấy cháu Hợp cầm sách, báo đọc vanh vách, thậm chí những chữ viết tắt trên báo như Tp.HCM, Tp.Pleiku..., cháu cũng biết dù lúc đó tuổi còn rất nhỏ. Trong khi đó, 4 người con còn lại của vợ chồng tôi đều học đến lớp 3 nhưng đọc không lưu loát bằng Hợp. Khi tôi gặng hỏi thì Hợp nói, sau một thời gian ngồi theo dõi anh trai học, cháu đã tự ghép các chữ cái lại với nhau rồi tự đọc, viết. Sau này, lớn lên, cháu ao ước được đi học nghề, học thêm tiếng Anh nhưng kinh tế gia đình quá khó khăn nên vợ chồng tôi không có cách nào giúp con thực hiện ước mơ” – ông Tàng tâm sự.
Hạnh phúc bất ngờ
Không nản lòng trước những khó khăn, khoảng 13-14 tuổi, Hợp đi bán vé số thuê cho một người dân trên địa bàn xã Ea Rốk.
Cũng từ đó, Hợp có điều kiện được ra ngoài, tiếp xúc với nhiều người và sống lạc quan hơn. Điều đặc biệt, dù cuộc sống trải qua nhiều khó khăn, vất vả nhưng lúc nào Hợp cũng nở nụ cười trên môi.
Hợp cho hay: “Được đi đến nhiều nơi và gặp nhiều người, em nhận thấy, bản thân mình còn may mắn hơn rất nhiều người trong xã hội. Bởi, có những người không nhận thức được mình là ai, đó mới là điều bất hạnh nhất. Hơn nữa, càng lớn lên, em càng hiểu ra, nếu như cứ ngồi một chỗ và ủ rủ với nỗi buồn thì cũng không giải quyết được gì. Vì vậy, mỗi ngày em đều chăm chỉ đi bán vé số để kiếm tiền lo cho bản thân và phụ giúp bố mẹ”.
Mới đây, chành thanh niên Lăng Văn Hợp khiến cho nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi tìm được nửa còn lại của mình và nên duyên với một cô gái sống cùng địa phương.
Hợp kể: “Vào khoảng tháng 6/2023, em làm quen với cô gái Nguyễn Thị Anh (SN 1996, trú tại thôn 3, xã Ea Rốk) qua mạng xã hội Facebook. Dù ở cùng xã nhưng trước đó, cả hai chưa một lần biết, gặp nhau. Qua trò chuyện, em biết được Anh là con gái đầu trong gia đình có hai chị em và cũng chịu nhiều thiệt thòi vì chậm phát triển trí não. Không bao lâu sau khi trò chuyện trên Facebook, em và Anh nảy sinh tình cảm lúc nào không hay. Hai tháng sau, em chủ động tìm đến nhà Anh chơi. Điều bất ngờ hơn, ngay từ lần gặp đầu tiên, bố mẹ Anh đã rất ủng hộ chuyện tình cảm của hai đứa”.
Nhận thấy tình yêu đã chín muồi, Hợp về thông báo với gia đình chuẩn bị đi hỏi vợ cho mình. Nghe vậy, vợ chồng ông Tàng chỉ im lặng cho rằng Hợp đang đùa và không tin rằng có người chịu lấy cậu con trai "đặc biệt" của mình. Bởi trước đó, Hợp có quen một người sống cùng xã nhưng gia đình bạn gái phản đối kịch liệt. Vì thế, Hợp đã âm thầm tìm cách rút lui.
Để xóa tan những hoài nghi của mọi người, ngày 1/8/2023, đám cưới của Hợp và Anh cũng đã diễn ra với nhiều lời chúc phúc của người thân, bạn bè và người dân địa phương.
Thấu hiểu hoàn cảnh khốn khó của gia đình Hợp, một tiệm cáo cưới tại xã Ea Rốk đã miễn phí tiền trang điểm cô dâu, chụp hình, thuê váy cưới, thậm chí còn hỗ trợ xe hoa rước dâu cho đôi bạn trẻ.
“Cho đến khi tổ chức đám cưới xong, vợ chồng tôi mới dám tin cậu con trai của mình đã lấy được vợ”, ông Tàng cười hiền.
Trước chia tay Hợp và gia đình, chúng tôi không khỏi nghẹn lại khi nghe Hợp nói: “Sau 17 năm rời quê hương vào Đắk Lắk lập nghiệp, cuộc sống của gia đình em chẳng có gì giá trị ngoài chiếc tủ lạnh nhỏ để đựng thức ăn. Bố mẹ lớn tuổi, thường xuyên đau ốm.
Vì vậy, trong thời gian tới, em sẽ cố gắng làm việc, kiếm tiền lo tuổi già cho bố mẹ và tích góp để xây dựng căn nhà làm chỗ che mưa, che nắng, chăm lo cho mái ấm của hai vợ chồng. Với em, như vậy là hạnh phúc lắm rồi”.
Ông Trương Ngọc Lực, cán bộ Văn hóa Xã hội xã Ea Rốk cho hay, gia đình Hợp thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. Dù là người khuyết tật nhưng Hợp luôn sống rất lạc quan, hòa đồng, vui vẻ và nỗ lực vượt lên hoàn cảnh. Hàng ngày, Hợp đều chăm chỉ đi bán vé số để mưu sinh, lo cho gia đình.
Khi biết tin Hợp lấy vợ và làm đám cưới, người dân và chính quyền địa phương đều mừng và chúc phúc cho hai vợ chồng trẻ. Với sự cố gắng trong thời gian qua, Hợp chính là tấm gương sáng cho các bạn trẻ tại địa phương noi theo.
Khánh Ngọc