Những điều kỳ thú ở đảo Bình Ba

Những điều kỳ thú ở đảo Bình Ba

Thứ 2, 18/03/2013 11:01

Hùng gọi điện cho tôi lúc anh ngà ngà men say: "Đến Khánh Hòa mà không ra Bình Ba thưởng thức tôm hùm thì coi như chưa đến vậy. Ông thu xếp ra đây, thử cảm giác nhậu trên những chiếc lồng bè giữa biển xem sướng hơn nhậu đất liền không nhé".

Thủ phủ của nghề nuôi tôm hùm

Hùng là người bạn học cùng đại học với tôi. Tốt nghiệp xong chán cảnh đi làm lương ba cọc ba đồng, cậu ta về nhà phụ giúp ba chăm sóc mấy chục lồng nuôi tôm hùm giữa đảo Bình Ba (xã Cam Bình - TP. Cam Ranh - Khánh Hòa). Nhận lời mời của cố nhân, tôi khăn gói lên đường ra Bình Ba cốt là để thăm bạn, sau thỏa chí phiêu bạt tang bồng.

Lạ & Cười - Những điều kỳ thú ở đảo Bình Ba

Một góc  Bình Ba.

Bình Ba là một trong 2 thôn đảo của xã Cam Bình, nơi được coi là thủ phủ của nghề nuôi tôm hùm cả nước. Khoảng 10 năm trở lại đây, triệu phú Bình Ba mọc lên như nấm sau mưa nhờ trúng tôm hùm. Từ một hòn đảo bị che khuất bởi những dãy núi ít người biết đến, nay Bình Ba đã trở thành một trong những xã giàu nhất tỉnh Khánh Hòa. Thời còn sinh viên, Hùng đã từng kể cho chúng tôi nghe, sở dĩ quê cậu có tên Bình Ba là vì nằm ở vị trí trọng yếu trong vịnh Cam Ranh, ngăn cản sóng gió từ ngoài khơi thổi vào đất liền. Người dân Bình Ba tự hào là nơi đầu sóng ngọn gió, che chắn phong ba, bão táp cho vùng vịnh Cam Ranh, giang rộng vòng tay bảo vệ tàu thuyền về trú ngụ khi gặp bão ngoài khơi.

Mấy năm trở lại đây, Bình Ba bắt đầu "mở cửa" nên khách du lịch biết đến hòn đảo hoang sơ này nhiều hơn, đặt biệt đối với dân phượt, họ coi Bình Ba là điểm đến lý tưởng. Từ sáng sớm, tôi đến cảng Ba Ngòi (TP. Cam Ranh) để đón "ghe ôm" (cách người địa phương gọi những chuyến đò nối đất liền và đảo) ra đảo. 9h30', chiếc "ghe ôm" đầu tiên trong ngày xuất phát từ đất liền mang theo hương vị của đất liền. Vài thùng mỳ tôm cùng ít nước ngọt, bánh kẹo và khá nhiều thứ lỉnh kỉnh khác. Thuyền càng ra xa thì cảnh càng đẹp, sóng nước dập dềnh, những chỏm núi từ đảo Bình Ba ẩn hiện nhấp nhô tạo nên một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Lạ & Cười - Những điều kỳ thú ở đảo Bình Ba (Hình 2).

Hùng đãi khách bằng đặc sản tôm hùm Bình Ba.

Thăm nhà cũ của em bé đầu tiên sinh ra trên đảo Song Tử Tây

Đón tôi bằng tất cả sự niềm nở của người bạn lâu ngày gặp lại, Hùng dẫn tôi đi một vòng quanh thôn đảo nhỏ của anh. Gần 10 năm gặp lại, cậu vẫn giữ được tính thật thà, khoáng đạt của người dân miền biển. Mấy năm qua, nhờ thăng trầm cùng với tôm hùm, được ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho vay vốn để nuôi tôm, kinh tế Hùng khá lên trông thấy. "Đảo tuy nhỏ nhưng thời tiết khá thuận lợi. Có một điều khá độc đáo là người dân dù đi đâu cũng quay về với đảo, có những cô gái đi lấy chồng xa nhưng được vài năm lại dẫn cả chồng con trở về quê sinh sống. Đất níu người ông ạ", Hùng giới thiệu ngắn gọn về thôn đảo yêu quý.

Vừa dẫn tôi đi, Hùng vừa kể về những câu chuyện mà theo Hùng thì chỉ có ở đảo Bình Ba. Đang nói chuyện, bỗng dưng Hùng dừng lại trước một căn nhà khá đẹp nằm sâu trong đảo rồi đột ngột hỏi, "Cậu có biết cô bé Hồ Song Tất Minh không?". Thú thật, dân làm báo ai chả biết Tất Minh, em bé đầu tiên được sinh ra trên đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) nhưng tôi không hiểu vì sao cậu bạn lại hỏi như vậy. Dường như hiểu được sự băn khoăn của tôi, Hùng giải thích "đây chính là nhà của bố mẹ bé Tất Minh trước khi họ chuyển ra Trường Sa đấy. Đã lâu rồi cả nhà họ không về quê, căn nhà này giờ cho khách du lịch thuê ở".

Nghe Hùng nói vậy, tôi mới ớ người, hóa ra Bình Ba không chỉ nổi tiếng bởi con tôm hùm mà còn là quê hương của "em bé Trường Sa". Đối với nhiều người, cái tên Hồ Song Tất Minh quá đỗi quen thuộc, nhưng ít người biết rằng bố mẹ em, anh Hồ Dương và chị Trương Thị Liên là người của đảo Bình Ba. Tò mò về câu chuyện này, ngay chiều hôm đó tôi gặp anh Trần Văn Hóa, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Cam Bình để tìm hiểu thêm thông tin về gia đình đặc biệt này. Anh Hóa cho biết, khi còn ở nhà Hồ Dương là một trong những thanh niên ưu tú của thôn đảo, vừa giỏi đi biển lại hay giúp đỡ ngư dân. Thời ấy đảo mới có điện, bà con chưa quen sử dụng nên hay xảy ra sự cố. Những lần như vậy Hồ Dương đều hăm hở đến sửa chữa, giúp đỡ. "Hắn tài lắm à nha, chỉ một chút là xong ngay, cả thôn đảo ai cũng quý nó lắm. Sau đó đi theo tiếng gọi của Trường Sa, Dương đưa vợ ra bám đảo. Vừa rồi gọi điện về, thấy khoe với tui là giờ làm Đội phó Đội Dân quân tự vệ xã Song Tử Tây. Thằng cha ấy cừ lắm", anh Hóa vui vẻ kể về cựu cư dân của mình.

Biển đẹp hơn về đêm, mọi người vẫn thường bảo vậy. Nhưng với Bình Ba, buổi tối rực rỡ lung linh hơn bởi ánh đèn hắt ra từ những chiếc bè nơi có lồng nuôi tôm hùm, nhìn từ xa như một thành phố thu nhỏ giữa biển khơi. Hùng lấy chiếc thuyền thúng dẫn tôi ra bè nuôi tôm khi trời chạng vạng tối, ánh nắng loang loáng trên mặt nước cũng nhạt dần. Biển về đêm se lạnh.

Bữa tối đầu tiên trên đảo với tiết canh tôm hùm, mực tươi nướng và bát canh chua cá bớp, những đặc sản mà dân đảo Bình Ba dùng tiếp khách đất liền. Đi nhiều, uống nhiều nhưng có lẽ cái cảm giác được nhậu giữa trời nước mênh mông thật thú vị biết bao. Tôi bỗng thấy cuộc sống nơi đây thật khoáng đạt, tự do tự tại như chính tính cách của người dân vùng biển. Chính vì thế, cũng dễ hiểu khi người dân Bình Ba dù đi đâu rồi cũng quay về với hòn đảo nhỏ của mình.

Chia tay Bình Ba khi nắng đã rát mặt người. Hùng tiễn tôi ra tận cầu cảng rồi mới quay trở lại. Nhìn dáng đứng hiên ngang, đầy khí phách của Hùng, rồi ngước trông lên ngôi nhà của anh Hồ Dương đang lấp lóa ánh mặt trời, tôi bất giác nhủ thầm: Họ thật xứng đáng với cái tên Bình Ba, nơi đầu sóng ngọn gió che chở cho vịnh Cam Ranh.     

Được đến Bình Ba là một may mắn đối với bất kỳ ai, nhưng với tôi có lẽ được hai lần may mắn như vậy khi chuyến đi vô tình trùng với lễ hội Hát Lăng, một lễ hội độc đáo mà dân Bình Ba 2 năm mới tổ chức một lần. Theo anh Trần Văn Hóa, Hát Lăng là cách gọi dân dã của người địa phương, chứ thực ra ở những nơi vùng biển khác thì được gọi là lễ hội Nghinh Ông. Mỗi lần có lễ Nghinh Ông, xã lại mời các gánh hát bội về Bình Ba biểu diễn, dần dần người dân quen gọi là Hát Lăng (người dân gọi hát bội là hát lăng - PV). Lễ hội diễn ra liên tiếp trong 3 ngày 3 đêm. Suốt thời gian lễ hội, ngư dân chẳng ai đi biển, họ ở nhà bày tiệc tùng, nhậu nhẹt. Đâu đâu trên đảo cũng có những chiếu nhậu với ly bia bày la liệt. Khắp con đường, khoảnh đất trống quanh Lăng Ông Nam Hải là những quán ăn, quán nhậu dã chiến mọc lên. Một khung cảnh náo nhiệt, chộn rộn của thôn đảo vốn yên bình này.
Đeo mặt nạ dưỡng khí, tay cầm chùm chìa khóa, Hùng nhảy ùm xuống nước. Khoảng 5 phút sau, cậu trồi lên mặt nước với hai con tôm hùm to tướng. Nó sẽ là món chủ đạo trong bữa nhậu tối nay. Hít một hơi thuốc lá hiệu con mèo và đưa mắt nhìn xa xăm, Hùng chia sẻ: "Bây giờ thì cậu đã hiểu vì sao tôi quyết định trở về quê rồi chứ. Tối nay tui sẽ đích thân làm mồi nhậu, đảm bảo sẽ ngon hơn đất liền nhiều. Nhậu giữa biển sướng lắm nha".

Hà Khê

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.