Dư luận cả nước đang chấn động về vụ nữ sinh giao gà bị hiếp dâm và giết xảy ra dịp Tết vừa qua. Đó là em Cao Thị Mỹ Duyên (21 tuổi, trú huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) bị 5 đối tượng hãm hại là Bùi Văn Công, Vương Văn Hùng, Phạm Văn Nhiệm, Lường Văn Hùng và Lường Văn Lả trú cùng địa bàn trên. Trong đó Bùi Văn Công chủ mưu, 5 đối tượng đã bàn bạc lên kế hoạch hiếp dâm, cướp tài sản và giết em Duyên để bịt đầu mối.
Vụ án gây rúng động dư luận vì mức độ hết sức manh động và kế hoạch hành động tinh vi, thủ đoạn tàn độc của các đối tượng. Tuy nhiên đáng nói nữa là, trong khi các đối tượng thực hiện hành vi rất nguy hiểm như vậy thì trong mắt địa phương chúng lại chỉ là những người "nghiện nhưng hiền lành". Bất ngờ này thật đáng sợ! Như vậy là đã có rất nhiều điều phải rút ra từ vụ án nữ sinh giao gà bị giết này.
Thứ nhất, về nhận thức của người dân
Ở đây, dễ thấy là gia đình nạn nhân đã không có ý thức cảnh giác khi để con gái mình đi giao hàng cho người lạ vào buổi tối. Đối với lứa tuổi nữ sinh trẻ xinh đẹp như em Duyên thì luôn luôn có nguy cơ rất cao bị tấn công tình dục, nhất là điều kiện trời tối, chỗ vắng, là điều rất dễ nhận ra. Và khi đã bị tấn công tình dục thì lại thường đi kèm theo hệ lụy là đối tượng tấn công đó phải giết người bịt đầu mối, tức là giết nạn nhân. Cho nên, nữ giới không chỉ phải cảnh giác cao độ với nguy cơ bị hiếp dâm mà còn cần trang bị những kỹ năng cần thiết để sinh tồn trong các trường hợp cụ thể.
Các gia đình luôn luôn phải có ý thức bảo vệ cho con em mình tránh khỏi tình trạng bị tấn công tình dục. Vì nó còn có thể kèm theo hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là con em họ bị giết để bịt đầu mối.
Thế nhưng, ở đây rõ ràng là gia đình nạn nhân D. đã không nghĩ đến hệ lụy hết sức nghiêm trọng từ việc cho em đi giao hàng với người lạ vào buổi tối như thế. Vậy thì tư duy này của người dân có nguyên do là từ đâu?
Lâu nay, trong dân gian ta vẫn có câu "ở hiền thì gặp lành", cho nên người ta luôn chỉ tâm niệm rằng: Mình ăn ở hiền lành thì sẽ gặp phúc đức, cây ngay thì không sợ chết đứng. Thế nhưng với vụ án nữ sinh giao gà bị giết vừa qua thì rõ ràng là nạn nhân đã ở hiền mà không gặp lành, lại còn bị kẻ gian hãm hại thảm khốc. Và đó chỉ là một trường hợp điển hình trong vô vàn những vụ "ở hiền mà không gặp lành" vẫn xảy ra hàng ngày.
Thật ra "ở hiền gặp lành" mới chỉ đúng một phần trong cuộc sống vô cùng phức tạp này. Quan niệm đó chỉ có tác dụng với người ngay, khi không ai oán hận ai thì tất nhiên không có chuyện gây thù chuốc án. Còn với kẻ gian, vốn dĩ chúng sống bằng các hoạt động phạm pháp xâm phạm quyền lợi của người khác, nếu ta chỉ cứ tâm niệm "ở hiền gặp lành" mà mất cảnh giác thì lại càng tạo điều kiện cho kẻ gian hành động.
Nhưng khi đối mặt với nguy cơ gặp tai họa từ kẻ gian hãm hại, trong dân gian lại lưu truyền quan niệm vận hạn trong năm. Người ta cho rằng xem bói, xem tuổi thì sẽ biết được vận hạn từng năm, thậm chí cả đời, rồi nghe theo lời các thầy làm lễ dâng sao giải hạn.
Ví dụ điển hình qua vụ án này, giả sử năm nay - theo quan niệm dân gian - em D. có hạn lớn, kể cả gia đình có biết được rồi làm lễ dâng sao giải hạn nhiều đến mấy cũng không thể làm biến mất âm mưu, kế hoạch hãm hại D. tinh vi của 5 kẻ thủ ác. Ngược lại, rõ ràng là D. và gia đình càng tin vào chân lý "ở hiền sẽ gặp lành", chăm chăm đi làm lễ dâng sao giải hạn thì lại càng mất cảnh giác, góp phần khiến 5 kẻ ác đó hãm hại được em dễ dàng.
Do đó, "ở hiền gặp lành" là quan niệm không thể đầy đủ cho người ta có một cuộc sống an toàn.
Theo tôi, vận hạn là do mình tự tạo ra, để luôn gặp lành, giải được hạn thì chỉ có cách duy nhất là tự mình hành động cho cẩn trọng, lường trước mọi hệ quả sinh ra mà đề phòng hạn. Việc tránh được hạn hay không là ở tự bản thân mỗi người, biết nhìn xa trông rộng, tính toán mọi tình huống xấu mà đề phòng thì sẽ tránh được hạn, mà hạn nào cũng tránh được.
Thứ hai, về trách nhiệm bảo đảm an toàn cho người dân của công an
Một vấn đề nữa ở đây là, với những thủ đoạn phạm tội hết sức tinh vi xảo quyệt của kẻ gian thì rất khó để tất cả người dân nhận biết được mà tự mình đề phòng.
Chúng ta phải xác định rõ ràng với nhau rằng, tuyên truyền phổ biến kiến thức phòng ngừa các loại thủ đoạn của tội phạm là trách nhiệm của ngành công an phải gánh vác. Và phải thẳng thắn thừa nhận một sự thật, khi nào để xảy ra vụ tội phạm hãm hại người dân cũng có nghĩa là khi đó ngành công an đã chưa làm tròn trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người dân của mình.
Trong vụ án nữ sinh giao gà bị giết này, quyết định thưởng nóng cho ban chuyên án của ngành công an đã gây dư luận trái chiều. Tuy nhiên cũng cần phân minh rằng, bộ phận phá án của ngành công an đã làm tròn trách nhiệm của mình khi đã hết sức cố gắng tìm ra thủ phạm một cách nhanh nhất trong điều kiện chúng phạm tội xảo quyệt, che giấu hành vi. Nhưng phần còn lại, thì rõ ràng bộ phận quản lý hành chính, tuyên truyền phòng ngừa thủ đoạn tội phạm đã chưa làm tốt trách nhiệm của mình, để người dân dễ dàng mắc bẫy thủ đoạn của chúng mà bị chúng hãm hại. Và trong khi 5 đối tượng đều là thành phần nghiện ngập, vào tù ra tội, thì bộ phận quản lý an ninh trật tự lại thiếu cảnh giác, thậm chí còn đánh giá các đối tượng nguy hiểm này là "nghiện nhưng hiền lành". Cho nên chủ quan không theo dõi sát sao mọi diễn biến hoạt động của chúng để phát hiện kịp thời tội ác chúng thực hiện mà ngăn chặn.
Về bộ phận quản lý hành chính này, thì ngành công an cần hết sức nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm, để "phòng cháy hơn chữa cháy", ngăn chặn được bàn tay tội phạm. Có như vậy mới đảm bảo được an toàn cho người dân.
Cần quán triệt nhận thức sâu sắc đối với ngành công an rằng, phòng ngừa tội phạm để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho người dân mới là nhiệm vụ hàng đầu, chứ không phải là cứ để xảy ra các vụ án đau lòng rồi lại đi phá án lập chiến công.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Phạm Mạnh Hà
Quý độc giả có ý kiến đóng góp, bài viết cộng tác chuyên mục Đa chiều - báo Điện tử Người Đưa Tin xin gửi về hộp thư điện tử: Toasoan@nguoiduatin.vn