Điểm đến độc đáo
Nhiều năm trở lại đây, mỗi khi có dịp đến tỉnh Đắk Nông, nhiều người không khỏi thích thú khi được khám phá những điều thú vị bên trong Nhà triển lãm âm thanh. Công trình này được đặt tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Nông (thuộc địa bàn Tp.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông).
Nhà Triển lãm Âm thanh được xây dựng và hoàn thành vào đầu tháng 7/2019 và chính thức mở cửa đón khách thăm quan từ tháng 8/2019. Đây là điểm đến số 31 trong tổng 41 điểm đến thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Công trình này nằm trong tuyến du lịch mang tên "Âm vang của trái đất", trở thành một điểm nhấn quan trọng, thu hút cộng đồng địa phương và du khách khắp nơi đến trải nghiệm.
Khu trưng bày của Nhà Triển lãm Âm thanh gồm 7 chủ đề chính, gồm: Âm thanh của đá, âm thanh của lửa, âm thanh của gió, âm thanh của nước, âm thanh của gỗ, âm thanh của ánh sáng và âm thanh của chúng ta.
Mỗi không gian đều mang đến những âm thanh đặc trưng từ các chất liệu khác nhau, thể hiện sự sáng tạo vượt bậc. Các phòng được thiết kế lấy cảm hứng từ ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) với sự tương quan lẫn nhau.
Nhà Triển lãm Âm thanh không chỉ đơn thuần là nơi trưng bày mà còn là nơi giúp du khách khám phá những âm thanh mộc mạc từ các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam và những âm thanh được sáng tạo bằng công nghệ hiện đại qua trí óc của con người.
Du khách cũng được nghe lại âm thanh quen thuộc của bộ đàn đá, âm thanh từ hơi thở, nước, cây, lửa, ánh sáng và con người, hòa quyện, tạo nên một bản hòa tấu đặc sắc từ thiên nhiên độc đáo và đầy sáng tạo.
Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm âm thanh bằng cách tương tác trực tiếp vào hiện vật gắn với hệ thống cảm ứng và xung điện từ, qua đó tạo ra âm thanh tương ứng. Mỗi sự tương tác sẽ mang đến những cung bậc âm thanh khác nhau tạo nên sự hấp dẫn và lý thú cho người trải nghiệm.
Bất ngờ trước những âm thanh quen thuộc
Giữa không gian trưng bày thú vị tại Nhà Triển lãm Âm thanh, chúng tôi không khỏi ấn tượng với sưu tập đàn đá Dak Kar, gồm 3 thanh đá được đặt tên là T’RU, T’RƠ, TÊ.
Các thanh đá này được tìm thấy ở suối Dak Kar (xã Quảng Tín, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông). Năm 1996, sau khi nghiên cứu, Hội đồng Khoa học nghiên cứu đàn đá Dak Kar do Bộ Văn hóa Thông tin thành lập đã kết luận, các thanh đàn đá T’RU, T’RƠ và TÊ được chế tác từ cách đây khoảng hơn 2.500 năm, có khả năng là một bộ đàn đá (trong tiếng M’Nông gọi là goong lú).
Tại phòng trưng bày âm thanh của đá, chúng tôi còn được trải nghiệm tác phẩm nghệ thuật tương tác trực quan và đầy tính nhạc được lấy cảm hứng từ đàn đá. Theo đó, khi đưa tay xoa nhẹ mỗi hòn đá thì lập tức phát ra những âm thanh vang vọng, tạo nên một không gian âm nhạc độc đáo.
Không dừng lại ở đó, phòng trưng bày âm thanh của gió còn giới thiệu nhiều hiện vật văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc M’Nông và Ê Đê có thể tạo ra âm thanh như: M’buốt, Đinh năm, Đinh puốt, M’Blo, Đinh Tắc Ta (kèn bầu), R’Let…
Tác phẩm khí quyển tại căn phòng này đã gây ấn tượng với quả cầu gốm rất nhạy cảm với hơi thở. Theo đó, hơi thở của mỗi người sẽ tạo ra âm thanh khác nhau, phản chiếu sự rung động và ánh sáng tùy thuộc vào cường độ của hơi thở.
Một điểm nhấn thú vị khác là cây đàn Theremin do một nhạc sĩ người Nga phát minh năm 1905. Với cây đàn này, người chơi không cần chạm vào mà chỉ cần di chuyển tay trong không khí để tạo ra âm thanh như những bản nhạc huyền bí.
Khi bước vào phòng trưng bày âm thanh của gỗ, mọi người được chiêm ngưỡng nhiều nhạc cụ các dân tộc Việt Nam làm từ chất liệu gỗ như: đàn tỳ bà, đàn tranh, đàn nguyệt, trống da trâu.... Đặc biệt, tại phòng thứ 2 trưng bày âm thanh của gỗ, còn mô phỏng một khu rừng của người dân tộc M’Nông.
Khi chúng tôi bật sáng màn hình điện thoại và đặt trước những bông hoa trên các cành cây thì âm thanh của rừng thiêng lập tức vang lên. Mỗi bông hoa sẽ cho âm thanh khác nhau, từ tiếng kêu rỉ rả như tiếng côn trùng đến những âm thanh rõ ràng hơn.
Chị Lê Thị Hường, một du khách đến từ Tp.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) không nổi sự bất ngờ: "Tôi rất ấn tượng với những tác phẩm nghệ thuật và âm thanh đặc biệt ở đây. Đây là lần đầu tiên tôi trải nghiệm một triển lãm âm thanh như thế. Tại đây, tôi được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận được âm thanh qua tiếng đá, ngọn lửa, nước, đặc biệt cảm nhận được năng lượng của mình qua các tác phẩm nghệ thuật".
Tiến vào căn phòng chủ đề âm thanh của chúng ta, chúng tôi lại được chứng kiến tác phẩm có tên gọi tương tác ánh sáng. Tại đây, một trái cầu nhỏ làm bằng kim loại cho phép du khách đặt tay lên trái cầu này và hít thở thì lập tức trở thành một nhạc cụ.
Khi người đi cùng chạm vào bất kỳ điểm nào trên cơ thể của người đặt tay thì những âm thanh và ánh sáng sẽ phát ra. Tùy thuộc vào năng lượng của người đặt tay lên trái cầu mà phát ra những âm thanh, ánh sáng khác nhau.
Căn phòng này còn trưng bày nhiều bức ảnh ghi lại khoảnh khắc vui tươi giữa con người với con con người, tất cả đều rạng rỡ nụ cười. Bà Trần Thị Kiều Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Nông chia sẻ: "Những hình ảnh này muốn nhấn mạnh rằng, khi chúng ta giao tiếp với nhau trong tinh thần vui vẻ, hân hoan thì người đối diện mình cũng sẽ vui vẻ theo. Chúng ta một thực thể bé nhỏ trong thế giới tự nhiên.
Đồng thời, thế giới tự nhiên cần phải có sự tồn tại của chúng ta, của người bên cạnh chúng ta và những người trong cộng đồng của chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần phải chung tay xây dựng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử của nhân loại".
Bà Trần Thị Kiều Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Nông thông tin, đến thời điểm hiện nay, Nhà Triển lãm Âm thanh thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á. Nhà triển lãm âm thanh đã thu hút sự quan tâm của nhiều các sở, ngành. Trong đó, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức rất nhiều hoạt động, đồng thời hàng năm còn tổ chức cuộc thi tìm hiểu về các điểm di sản trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Nơi đây cũng trở thành địa điểm học tập, nghiên cứu của nhiều học sinh trên địa bàn. Hàng năm, Nhà triển lãm âm thanh đón hơn 1.000 du khách đến thăm quan, trải nghiệm.
Khánh Ngọc