Ngày Lễ Thất Tịch (ngày 7 tháng 7 âm lịch) có xuất xứ từ Trung Quốc, nó tồn tại trong văn hóa của người Việt từ xưa chứ không phải là mới được du nhập. Truyện Ngưu Lang - Chức Nữ (một trong Tứ đại dân gian truyền thuyết của Trung Hoa, bên cạnh Bạch Xà truyện, Mạnh Khương Nữ và Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài) còn có tên gọi khác theo ngôn ngữ Việt Nam là Ông Ngâu - bà Ngâu tồn tại để giải thích về hiện tượng mưa ngâu vào tháng 7 Âm lịch.
Chuyện kể rằng, Ngưu lang, một người phàm trần chăn trâu (có bản nói là chăn bò) và Chức nữ - nàng tiên dệt vải, con gái của Vương mẫu nương nương trên thiên đình yêu và cưới nhau. Nhưng kẻ tiên người tục nên họ phải chia tay nhưng vẫn luôn nhớ thương nhau. Cuối cùng Vương mẫu cũng cảm động, đồng ý cho họ được gặp nhau mỗi năm một lần vào đúng ngày 7 tháng 7 âm lịch, được gọi là ngày Thất Tịch.
Mặc dù đã được Vương mẫu cho phép gặp nhau nhưng mỗi năm họ cũng chỉ được đoàn tụ một lần và thời gian bên nhau không dài. Mỗi lần gặp nhau, Chức Nữ thường mang theo nước mắt và nỗi niềm thương nhớ, bao tâm sự gặp chồng. Nước mắt của nàng Chức Nữ rơi xuống nhân gian tạo thành những cơn mưa ngâu.
Cũng từ truyện này mà người ta bắt đầu kiêng cưới hỏi vào tháng 7 vì sợ giống như hai ông bà, nhưng tới ngày này người ta cũng cầu ông bà Ngâu sự khéo tay đối với nữ, sức khỏe đối với nam và hơn hết là cầu tình duyên.
Ngoài ra, cũng không nên xây nhà dựng cửa vào thời điểm này. Bởi ở Việt Nam, vào ngày 7 tháng 7 âm lịch thường sẽ có mưa và sẽ gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc thi công nhà cửa. Cùng với đó theo quan điểm của người Việt tháng 7 còn được gọi là tháng cô hồn, vì vậy nên kiêng kỵ những việc trọng đại trong đó có xây dựng nhà cửa.
Ngày này người ta cũng tránh làm những điều ác, do người xưa cho rằng, không nên làm điều xấu trong ngày Thất tịch để cầu bình an cho bản thân và gia đình. Nhiều người cho rằng, làm những điều tốt trong ngày Thất Tịch sẽ giúp bạn may mắn hơn trên con đường tình duyên của mình.
Tuy nhiên, câu chuyện về Ngưu Lang - Chức Nữ hay còn có tên gọi khác theo ngôn ngữ Việt Nam là ông Ngâu bà Ngâu, cung đem lại nhiều giá trị đẹp. Với nguồn gốc câu chuyện về tình yêu cảm động nên ngày 7 tháng 7 âm lịch dần trở thành ngày lễ tình nhân của phương Đông.
Ngày lễ Thất Tịch tại Nhật Bản được gọi là lễ Tanabata. Vào ngày này, người Nhật sẽ viết mong ước của mình vào những mảnh giấy đầy màu sắc Tanzaku rồi treo lên cành trúc trước cửa nhà để cầu mong may mắn, vụ mùa bội thu và sự thịnh vượng. Các bạn trẻ cũng tới các đền thờ trong ngày lễ Tanabata để cầu nguyện, mong tìm được ý trung nhân.
Tại Hàn Quốc, lễ Thất Tịch còn được gọi là lễ Chilseok. Trong lễ hội Chilseok, người Hàn Quốc sẽ tắm với mong muốn đem lại một sức khỏe tốt. Ngoài ra, họ còn ăn mì và bánh nướng. Chilseok được biết đến như là lễ hội để thưởng thức đồ ăn làm từ lúa mì bởi sau ngày lễ Chilseok, những cơn gió lạnh sẽ làm hỏng hương vị của lúa mì.
Ở Việt Nam, ngày lễ Thất Tịch còn được gọi là ngày “ông Ngâu bà Ngâu”. Các đôi lứa yêu nhau thường đến chùa, làm lễ và cầu mong cho tình duyên bền vững, son sắt. Những người lận đận đường tình thì đến để cầu sự suôn sẻ, mong tìm được ý trung nhân thật sự. Những đôi trai gái đến được với nhau thì đi cầu cho tình yêu thêm bền chặt, gắn bó.
Còn ở Trung Quốc, quê hương của Lễ Thất Tịch thì có rất nhiều hình thức tổ chức lễ hội trong dịp này. Tuy nhiên, phong tục phổ biến nhất là vào đêm mùng 7 tháng 7 âm lịch, những người phụ nữ cầu nguyện để có được đôi bàn tay khéo léo. Trong ngày này, các cô gái trẻ trưng bày các vật dụng nghệ thuật tự tạo để cầu mong lấy được ông chồng tốt.
Quốc Tiệp (t/h)