Ra đời từ năm 2003, cánh diều nay đã trải qua 10 mùa giải. 10 năm có thể chưa đủ để trở thành một giải thưởng tầm cỡ nhưng có lẽ cũng để hoàn thiện một mô hình giải thưởng. Vậy mà cánh diều Vẫn chấp chới, lao đao.
Diễn ra vào tháng 3 hàng năm, ngay sau Oscar, giải thưởng danh giá bậc nhất của điện ảnh thế giới (dù về tính chất, Oscar cũng giống như Cánh diều, là giải thưởng của hội điện ảnh của một quốc gia), càng dễ khiến chạnh lòng. Nếu Oscar khiến mọi nhà làm phim hãnh diện dù phim của mình chỉ lọt vòng đề cử, thì Cánh diều có đông đủ phim gửi dự thi đã khó. Đỉnh điểm là giải năm nay. Không mang phim tham dự đã đành, nhiều nhà làm phim còn không buồn phúc đáp lời mời của ban tổ chức. Điều này khiến chính bà Cục phó Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Hồng Ngát đặt ra câu hỏi: “Không hiểu giải có vấn đề gì để nghệ sĩ không hào hứng hay họ tự ti về phim của mình mà không dám tham dự?”.
10 năm vất vả…
“Tổng kết” về Cánh diều của từ điển mở Wikipedia, khá buồn: “Về nguyên tắc, giải Cánh diều vàng được tổ chức để trao cho các tác phẩm của năm trước đó, nhưng thực tế, trong các bộ phim được trao giải có những phim chưa kịp công chiếu, có những phim trước đó 3 năm. Trò đùa của Thiên lôi được trao Cánh diều bạc 2003, đến 2007 vẫn chưa ra mắt khán giả. Chuyện của Pao được trao Cánh diều vàng 2005 khi chưa công chiếu. Lọ lem hè phố giải Phim có số lượng khán giả mua vé nhiều nhất của Cánh diều vàng 2006 được công chiếu từ 2004.Tương tự các phim Hải quỳ, Đi trong giấc ngủ, Có một chuyến đi, Giải phóng Sài Gòn, Đường thư, Cầu ông Tượng dù tham dự Cánh diều vàng từ những năm trước, nhưng tới 2007 vẫn chưa đến với khán giả.Tất cả những phim đoạt giải cao nhất tại Cánh diều vàng: Người đàn bà mộng du (2003), Thời xa vắng (Cánh diều bạc, không có Cánh diều vàng - giải 2004), Chuyện của Pao (2005) đều là những phim thất bại về doanh thu…”.
Năm nay, mọi chuyện có vẻ vẫn như cũ. Thay vì chỉ chấm giải cho các bộ phim ra mắt vào 2012, Cánh diều xét cả những phim được sản xuất trong năm 2012, ra mắt 2013. Vì thế mà Nhà có 5 nàng tiên, bộ phim ra rạp tháng 1/2013 có mặt trong danh sách tranh giải. Phim Lạc lối của đạo diễn Nhuệ Giang (hãng Phim truyện Việt Nam), sản xuất trong năm 2012 nhưng chưa từng ra mắt khán giả cũng có tên tranh giải. Đáng nói hơn, Lạc lối, cùng với Cát nóng (đạo diễn Lê Hoàng, hãng Giải Phóng, đã từng chiếu ở LHP quốc tế Hà Nội), 2 bộ phim nhà nước chưa từng được chiếu thương mại, trong dịp này cũng không được chiếu cho khán giả với lý do phim chỉ có duy nhất một bản DVD để giám khảo xem và chấm!
Là giải thưởng của hội nghề nghiệp, ghi nhận thành quả lao động của các hội viên trong năm thông qua thành quả lao động nghệ thuật của họ nhưng Cánh diều lại sử dụng hình thức của LHP: mời đưa phim tham dự, lập ra ban giám khảo chấm giải. Năm nào chuyện ban giám khảo cũng nóng, nếu không phải vì thành phần giám khảo chủ yếu là những người - không - làm - phim thì vì họ hay đưa ra những kết quả khiến cả người không được giải lẫn người được giải đều bật ngửa.
Đã có không ít ý kiến gợi ý Cánh diều nên học mô hình chấm giải Oscar: Hội chỉ cần thống kê danh sách phim được phát hành trong năm và gửi phiếu bầu đến các hội viên. Cách làm này không chỉ loại bỏ cho ban tổ chức sự chật vật mời mọc các ban giám khảo, vừa loại bỏ những lùm xùm kiểu người có phim không phục người chấm giải. Cách làm của Cánh diều hiện nay không khác gì Bông sen vàng, nếu có khác thì là khác về số lượng phim và ở mặt này Cánh diều lại thất thế hơn, khi Bông sen thường 2-3 năm mới tổ chức một lần, có thể gom tất cả các phim trong 2-3 năm đó, còn Cánh diều làm hàng năm nên lượng phim ít hơn.
Hội chưa là chỗ dựa của hội viên
Ngay trước thềm Cánh diều và lễ kỷ niệm 60 năm ngày Điện ảnh Việt Nam đã diễn ra sự cố nổ kho đạo cụ của chuyên gia cháy nổ phim trường Lê Minh Phương làm chết cả chục người, tan tành 3 căn nhà, chấn động làng điện ảnh Việt. Nhưng kể từ khi sự cố này xảy ra, chỉ thấy báo chí và các nghệ sĩ đưa vấn đề ra bàn thảo, Hội Điện ảnh Việt Nam, và cả Hội Điện ảnh TP.HCM không thấy lên tiếng.
Một chuyện ít nghiêm trọng hơn là phát hành những bộ phim kén khán giả cũng không được hội đưa vào danh sách những việc phải làm. Cụ thể và gần nhất là trường hợp của bộ phim Lạc lối được “chiếu cố” dự giải dù chưa được phát hành, vì “làm ra phim quá mệt mỏi và tốn kém” (lời đại diện ban tổ chức Cánh diều 2013). Chắc Nhuệ Giang sẽ vui hơn nếu hội giúp bộ phim của chị được ra rạp với công chúng, hoàn thành đúng chu trình cần có của một bộ phim. Củng cố lòng tin, tìm kiếm cảm tình của hội viên không thể chỉ bằng việc đi năn nỉ họ mang phim đi dự Cánh diều và dang rộng đôi tay đón nhận phim tham gia vào phút chót (như trường hợp Mùa hè lạnh của đạo diễn Ngô Quang Hải).
Và hình như, ban tổ chức Cánh diều quên mất năm nay là năm kỷ niệm sinh nhật thứ 10 của giải thưởng này.
Bức tranh điện ảnh Việt từ cánh diều Tham dự giải năm nay có 11 phim truyện điện ảnh, trong đó có 3 phim nhà nước (Đam mê, Lạc lối và Cát nóng), 8 phim tư nhân (Dành cho tháng 6, Thiên mệnh anh hùng, Scandal - Bí mật thảm đỏ, Cưới ngay kẻo lỡ, Gia sư nữ quái, Mùa Hè lạnh, Lấy chồng người ta, Nhà có 5 nàng tiên). Trong số 8 phim tư nhân thì 4 là của đạo diễn Việt kiều. Dù cuộc đua Cánh diều có thế nào thì bức tranh điện ảnh Việt cũng đã hiện lên khá rõ nét, điện ảnh thương mại vẫn đang thắng và thất thế thuộc về phim nhà nước. Cả 3 phim nhà nước đều chưa từng được chiếu thương mại với lý do không có rạp. Đội ngũ làm phim Việt kiều đang nắm giữ thị phần lớn của thị trường điện ảnh. Các bộ phim của họ đang tạo ra bộ mặt của điện ảnh Việt Nam. Mặt khác, việc phim Việt kiều chiếm tỷ lệ lớn trong số phim tham gia Cánh diều cũng cho thấy các nhà làm phim Việt kiều đang muốn hòa nhập với đời sống điện ảnh trong nước. Tiếc rằng, năm qua hoàn toàn không có một sự đột phá nào kiểu như Bi, đừng sợ!, loại phim rất cần cho sự phát triển của điện ảnh. Lễ trao giải Cánh diều sẽ diễn ra tại Nhà hát Truyền hình TP.HCM, phát sóng trực tiếp trên kênh HTV9 vào lúc 20h30 ngày mai, 9/3. |
Bảo Quyên (Theo Thể thao & Văn hóa)