4 h ngày 19/11, điện thoại đổ chuông, tôi nhận lời mời tham gia từ thiện ủng hộ đồng bào huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam bị thiệt hại nặng nề sau đợt mưa bão vừa qua. Chuyến đi do Nhất Nam Land tổ chức khởi hành từ lúc mặt trời còn chưa tỏ.
Cơn ngái ngủ cũng dần biến mất bởi những cuộc trò chuyện, hỏi han của các thành viên trên xe. Chốt lại là các vấn đề về công tác tổ chức, điểm đến,... và đặc biệt là chuyện về Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).
Đường lên miền ngược Trà My mùa này gian khó vô cùng. Sạt lở cô lập nhiều thôn, xã khiến bà con thiếu thốn mọi mặt. Xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, một trong những vùng bị cô lập bởi thiên tai, đời sống của bà con còn khó khăn.
Đón chúng tôi, vị Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bui lộ vẻ lo lắng. Ông cho biết, mọi tuyến đường dẫn vào thôn 2, thôn 3 của xã đã bị đất đá vùi lấp. Chính quyền và người dân nỗ lực từng ngày từng giờ để khai thông nhưng vẫn chưa có hiệu quả. Để sang được các thôn, đoàn phải đi bằng ghe hơn 2 tiếng đồng hồ.
10 h cùng ngày. Trời đổ mưa tầm tả! Chiếc ghe nhỏ chòng chành trông quá đỗi nhỏ bé giữa lòng sông Tranh. Nhiều thành viên trong đoàn ướt mưa nhưng ai nấy vẫn rất háo hức, khí thế. Cuộc trò chuyện dần xôm tụ hơn khi chiếc ghe ghé vào bến nhỏ đón theo 2 cô giáo trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Trà Bui.
2 cô giáo nhỏ nhắn nhưng tay xách nách mang đủ thứ từ ba lô, sách vở, cho đến gạo, muối... Cô giáo Lê Thị Chung, năm nay mới sang tuổi 25 nhưng cũng có đến 3 năm cắm bản xa. Trông cô gầy, điềm đạm và ít nói so với cái tuổi 25. Rời giảng đường, cô chọn vùng sâu, vùng xa này công tác. Ít năm thôi, nhưng cô cũng trải qua đủ hỉ nộ ái ố của nghề. "Giáo viên miền núi nó vậy! Có khi phải đi bộ cả ngày đường mới đến lớp. Có khi ngược xuôi tìm các em về lớp sau mỗi mùa rẫy... Cực khổ nhưng giờ đã quen rồi! Mỗi ngày không lên lớp với các em là nhớ không chịu được", cô Chung cười nói.
Bác lái ghe tiếp lời, lắm lúc bác cũng ứa nước mắt vì thương các cô. Mùa mưa bão đến, nhiều cô phải lội rừng mấy tiếng đồng hồ mới xuống điểm đón ghe. Có khi ghe lỡ chạy mất. Qua điện thoại, bác biết các cô í ới gọi chờ. Nhưng chỉ biết thương các cô chứ không thể quay ghe lại vì đường đi mấy tiếng đồng hồ sẽ trễ, dễ gặp trời tối nguy hiểm!
Mấy mươi năm chèo đò, bác đưa bao thầy cô lên bản gieo chữ, rồi đưa các thầy cô rời bản về với vị trí công tác mới. Khi các cô thầy đến học sinh reo vui, khi đi các em nghẹn ngào ly biệt.
Ghe lại tấp tiếp vào một bến. Tại đây, một nhóm học sinh áo trắng khăn quàng đỏ ùa lên ghe như chim vỡ tổ. Chủ nhật (19/11), các em phải đến trường cho ngày học vào thứ 2 (hôm sau). Có em mang tơi, có em che ô nhưng cũng có cô cậu bị ướt sũng, vụng về lấy tay vuốt mặt. Cứ thấy ống kính chúng tôi "lia" đến đầu, các em lại cười bẽn lẽn úp mặt tránh đi với nét hồn nhiên, ngây ngô đến lạ.
Cuối cùng, sau đúng hơn 2 tiếng đồng hồ, chiếc ghe cập bến đến điểm hẹn. Đây thực chất là một bãi đất sình lầy, nơi nhiều người dân xã Trà Bui đã đứng đợi đoàn từ thiện. Chứng kiến cảnh ấy, nhiều thành viên đoàn từ thiện Nhất Nam Land không giấu được xúc động, mắt cay cay.
Quả thực, chuyện dạy chữ, học chữ miền ngược không hồng thắm như họ nghĩ. Tranh thủ ngày Chủ nhật, những em bé lên 7 lên 10 tuổi lạnh ngắt, tím tái theo cha mẹ xuống ghe nhận quà từ thiện. Có em lại cởi trần hì hục với chiếc ghe giữa mưa. Thương em, một thành viên trong đoàn nhường luôn phần ăn trưa của mình.
Nhận tấm chăn ấm từ Nhất Nam Land, cụ Hồ Thị Mía khoác vội lên người cháu gái đang còn run vì mưa lạnh. Cụ Mía kể, nghe xã báo có đoàn từ thiện lên trao quà cho các hộ dân và con em học sinh, cụ rất vui. Dù trời mưa nhưng cụ đã dẫn cháu gái ra từ rất sớm để đón đoàn.
Cứ thế, giữa mưa gió cóng tay, hơn 200 suất quà là chăn mền, cá khô và tiền mặt được đoàn từ thiện trao gửi các hộ dân thôn 2, 3 xã Trà Bui. Người cho đi, người nhận lại cũng đầm mình dưới mưa. Tình người ấm áp!
Chiếc xe tải của một người dân trong xã chở số quà là sách vở, kẹo bánh lẫn các thành viên trong đoàn thẳng tiến về trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngôi trường cũ kỹ đang được sửa chữa giang dở. Khác hẳn với tưởng tượng của chúng tôi, các thầy cô nơi miền xa này rất trẻ. Họ - tuổi đời 25, 30 đầy nhiệt huyết.
"Cô Yến đó. Cô trẻ xinh nhất trường em. Cô dạy em nhiều thứ lắm...", một cậu học trò nhanh nhảu khi thấy chúng tôi hỏi thăm cô giáo mình.
Chúng tôi rời Trà Bui khi trời tối mịt. Ướt và lạnh nhưng ai cũng thấy ấm lòng. Xe của đoàn lăn bánh không lâu, vị Phó Chủ tịch UBND xã điện báo, ông vừa nhận được thông tin từ huyện, tỉnh rằng tối nay ở miền núi mưa to lắm! Hiện, xã đang hối hả sơ tán mấy chục hộ dân ra khỏi vùng sạt lở.
"Mình đang vận chuyển gạo mắm lên cho bà con để kịp ăn uống tối nay. Năm nào cũng vậy, đến mùa mưa gió khổ lắm! Đoàn mình về qua mấy đoạn giáp sông nhớ cẩn thận. Có gì điện báo anh em hỗ trợ", vị Phó Chủ tịch xã nói, giọng khẩn trương.
20/11 đến rồi! Ở những nẻo miền khác, các thầy, các cô, các em tung tăng xúng xính váy hoa nhân ngày trọng đại. Còn đâu đó nơi miền ngược Quảng Nam, những người thầy, người cô vẫn còn khốn khó lo cho từng tiết dạy, lo cho các em. 20/11 này tiếng thước gõ, tiếng dạy bài vẫn sẽ vang lên bên sông Tranh. Vang lên giữa mưa gió, lũ lụt.
Lời chúc tốt đẹp nhất đôi khi không phải là hoa, bánh hay quà tặng. Lời chúc ấy có lẽ là nụ cười học trò. Để mai đây, những đứa con miền ngược khôn lớn, ra đi tìm chân trời mới hay trở về quê hương đều nhớ đến ơn dạy dỗ của cô thầy. Họ là những "đóa hoa" ngát hương nơi rừng trời Trà My mùa này!