Bà Nguyễn Thị Như Loan – chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Bà Loan khởi nghiệp bằng nghề chế biến, cung cấp đồ gỗ. Nhờ nghề này, bà đã có được một cơ ngơi đồ sộ từ những năm 80.
Sau một thời gian, bà Loan chuyển sang kinh doanh phân bón. Tuy nhiên, công việc làm ăn của bà gặp nhiều thăng trầm, rủi ro. Khi một khách hàng nợ tiền phân bón của bà Loan trả nợ bằng một lô đất, bà rẽ sang bất động sản.
Tuyên bố “rất yêu” ngành kinh doanh bất động sản, nhưng bà Loan vẫn kinh doanh nhiều ngành nghề khác. Bà đầu tư vào cả lĩnh vực xây dựng, trồng cao su và thủy điện.
Hiện tại, bà nắm giữ khoảng 60,5 triệu cổ phiếu của công ty Quốc Cường Gia Lai, có giá trị khoảng 400 tỷ đồng. Bà nằm trong top 15 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2012, top 100 nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu được vinh danh và nhận cúp Bông hồng vàng (là giải thưởng do phòng thương mại và công nghiệp VN (VCCI) phối hợp với Hội phụ nữ Việt Nam tổ chức nhằm vinh danh nữ doanh nhân tiêu biểu của năm).
Ông Đoàn Nguyên Đức - chủ tịch Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai
Ông Đoàn Đức Nguyên (Bầu Đức) là người không có duyên với chuyện học hành. Năm 1982, khi vừa tròn 20 tuổi, ông khăn gói quả mướp lên TP. Hồ Chí Minh thi đại học nhưng bị trượt. Không nản lòng, ông tiếp tục vừa làm vừa học, quyết thi đại học, nhưng tới lần thi thứ 4, ông vẫn không đỗ.
Bước ngoặt để Đoàn Nguyên Đức trở thành thương gia là khi ông 22 tuổi, sau 4 lần thi đại học không thành, ông nhận ra rằng, có nhiều con đường để dẫn đến thành công.
"Con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng” - bầu Đức nói.
Bầu Đức chọn con đường khởi nghiệp riêng không qua trường học mà bằng trường đời. Ông đã làm đủ mọi nghề để nuôi sống bản thân, để tích góp kinh nghiệm.
Sau một thời gian làm thuê, năm 1990, ông mở một phân xưởng nhỏ có tên Xí nghiệp tư nhân Hoàng Anh chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà. Sau đó, ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất đồ nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác để hình thành nên tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ngày nay.
Ông Lê Phước Vũ - chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen
Tập đoàn Hoa Sen là “ông trùm” đứng sau sự kiện Nick Vujicic đến thuyết trình ở Việt Nam mới đây với giá 36 tỷ đồng. Ít ai biết chủ tịch của tập đoàn “chịu chơi” này – ông Lê Phước Vũ là người chưa từng học đại học.
Ông Vũ sinh năm 1963, quê gốc tại Quảng Nam. Ông khởi nghiệp từ năm 1994 bằng một cơ sở bán lẻ tôn. Năm 2001, ông thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen tại Bình Dương với số nhân viên là 22 người và xây dựng công ty lớn mạnh đến ngày nay.
Không có bằng cấp trong tay nhưng dưới sự lãnh đạo của ông, Hoa Sen Group thống trị thị trường tôn mạ với khoảng 40% thị phần nội địa. Kết quả kinh doanh của công ty tăng trưởng một cách ấn tượng trong khi hầu hết các doanh nghiệp lao đao trong thời kỳ khủng hoảng.
Niên độ tài chính 2011-2012, Hoa Sen đạt doanh thu hơn 10.000 tỷ và lãi sau thuế 368 tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu năm niên độ 2012-2013, công ty đã lãi tới 513 tỷ đồng.
Hiện ông Vũ đang nắm giữ khoảng 42,8 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, tương đương giá trị 1.719 tỷ đồng.
Ông Dương Ngọc Minh – chủ tịch công ty thủy sản Hùng Vương
Ông Minh hiện là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG), chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF), phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF).
Theo thông tin ghi trên báo cáo gửi nộp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Minh chỉ ghi vỏn vẹn mình tốt nghiệp trung học phổ thông (12/12) và có trình độ chuyên môn là nuôi trồng thủy sản.
Nhắc đến ông Dương Ngọc Minh là nhắc tới một doanh nhân có nghị lực phi thường. Không có bằng đại học, ông vẫn “làm nên chuyện”.
Ông từng được xướng tên trong danh sách “Người Việt siêu giàu" do Wealth-X và UBS bình chọn. Hiện, ông sở hữu 43,1 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG), trị giá khoảng 1.066 tỷ đổng.
Theo Trí thức trẻ