Đầu tiên phải kể đến CSG - đội bóng đã bị BTC giải trừ 2 điểm (và phạt 2 triệu đồng) do có những biểu hiện tiêu cực trong trận đấu với Lâm Đồng ở giải VĐQG 1995.
3 năm sau, đến lượt CAHN, CAHP, Khánh Hòa, Nam Định bị trừ 3 điểm và không tính kết quả một trận đấu do bị nghi ngờ có sự dàn xếp tỷ số trong một số trận đấu ở giải VĐQG 1998.
Tiếp đó, ngay ở mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên, CAHN tiếp tục phải nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo, trừ một điểm và phạt 50 triệu đồng do thiếu tích cực trong thi đấu và có hiện tượng nhường điểm cho Thừa Thiên Huế trong trận đấu giữa 2 đội ở vòng 8 V-League 2001-2002.
2 năm sau, cũng với lỗi “thi đấu thiếu tích cực” trong trận đấu với CSG ở vòng 20 V-League 2003, đến lượt Thể Công bị BTC giải trừ 3 điểm và phạt tiền 50 triệu đồng. Còn gần đây nhất, sau sự cố loạn đả trên sân Vinh ở trận đấu giữa SLNA và XM.HP trong khuôn khổ vòng 18 của V-League 2008, CLB SLNA cũng bị trừ một điểm, kèm theo sân Vinh bị “treo” cho đến hết mùa giải.
Chỉ có điều trong số tất cả các đội bóng từng phải nhận án kỷ luật nói trên, không đội bóng nào bỏ giải giữa chừng như XMXT.SG ở V-League 2013. Nhìn lại lịch sử bóng đá Việt Nam từ trước đến nay thì sự cố bỏ giải giữa chừng này cũng chỉ xảy ra ở thời kỳ “tiền V-League” mà thôi.
Đội bóng đầu tiên “dám” bỏ cuộc là Hải Quan ở mùa giải 1990 với hành động từ chối đá lại trận bán kết giải VĐQG 1990 với Quảng Nam Đà Nẵng cũng như bỏ luôn trận tranh HCĐ sau đó với An Giang.
Năm 1991, đến lượt 2 đội Thanh niên Hà Nội và Công nhân Quảng Ninh “rủ nhau” không tham dự VCK ngược của giải VĐQG 1991 và chấp nhận xuống hạng. 4 năm sau, lịch sử được lặp lại khi bộ tứ Sông Bé, Quảng Nam Đà Nẵng, Bình Định, Long An bỏ không thi đấu ở VCK ngược để yêu cầu BTC điều tra và xử lý tiêu cực dẫn tới cũng bị “xử” xuống hạng.
Gần đây nhất, do hành vi rượt đánh trọng tài chính Trương Thế Toàn trong trận đấu ở vòng 14 với Đồng Tháp, đội Vĩnh Long đã bị BTC loại khỏi giải VĐQG 1999-2000, đồng thời bị đánh tụt xuống hạng Nhì và đành phải “giã từ” sân chơi số một của bóng đá Việt Nam.
Trong khi đó, với việc XMXT.SG bỏ cuộc giữa chừng, K.KG “bỗng nhiên” trụ hạng và trở thành đội bóng thứ 5 trong lịch sử V-League đứng cuối cùng trên bảng xếp hạng chung cuộc mà vẫn không phải xuống chơi ở giải hạng Nhất năm sau, sau LG.HN.ACB ở V-League 2003, Thanh Hóa ở V-League 2009, HN.ACB ở V-League 2011 và V.HP ở V-League 2012.
Chỉ có điều khác với K.KG, những đội bóng trên “từ cõi chết trở về” nhờ việc nhận lại suất chuyên nghiệp của các đội bóng khác như HKVN (ở V-League 2003), Thể Công (ở V-League 2009), HP.HN (ở V-League 2011), K.KH (ở V-League 2012).
Theo Thể thao Văn hóa