Nguy cơ cao nhất dĩ nhiên là K.Kiên Giang. Chưa có thông báo chính thức nào từ phía đội bóng miền Tây Nam bộ cho rằng họ sẽ bỏ V-League năm sau. Nhưng nói thật, cũng chẳng có gì đảm bảo rằng K.Kiên Giang sẽ thi đấu vào năm 2014.
Cho đến thời điểm này, đặc biệt là sau mấy lần đòi nợ của cầu thủ, lãnh đạo CLB K.Kiên Giang “lặn” khá kỹ. Họ không có khả năng trả lời chuyện trả tiền cho người lao động, thì lấy gì để họ đảm bảo rằng sẽ nuôi sống được đội bóng?
Và với một ngân quỹ rỗng, với những khoản nợ mỗi lúc một phình to, với lực lượng gần như là con số không sau khi các cầu thủ lũ lượt bỏ đi, K.Kiên Giang sẽ lấy gì để tham dự V-League 2014?
Giờ đây K.Kiên Giang như con thuyền sắp đắm. Và cũng chỉ tiếc cho nỗ lực của BTC V-League, của VPF và VFF cuối mùa bóng vừa rồi. Họ bất chấp dư luận để cứu K.Kiên Giang khỏi rớt hạng, bằng cái quyết định cực kỳ nghiệp dư là xóa suất rớt hạng tại V-League, nhưng rốt cuộc vẫn khó cứu được K.Kiên Giang, bởi bản thân đội này gần như không còn biết bấu víu vào đâu để tồn tại.
Tân vô địch cúp quốc gia V.Ninh Bình lại đang là một trong những đội có nguy cơ bỏ V-League 2014?
V.Ninh Bình là đội có nguy cơ cao khác. Bất chấp ngôi vô địch cúp quốc gia vừa có được, bầu Trường hầu như cũng không mấy mặn mà với đội bóng.
Chưa đến mức như K.Kiên Giang, nhưng đã bắt đầu xuất hiện thông tin cầu thủ V.Ninh Bình sốt ruột với các khoản nợ lương, thưởng từ đội bóng chủ quản. Mới nhất, lời hứa sẽ thưởng 3 tỷ đồng cho đội bóng, nếu đoạt cúp quốc gia mà bầu Trường đưa ra cho đến giờ vẫn chưa được thực hiện.
Phải thấy rằng trong vòng 2 mùa bóng trở lại đây, V.Ninh Bình đã khác rất nhiều so với chính họ, thời ông bầu Hoàng Mạnh Trường mới nhảy vào bóng đá.
V.Ninh Bình của 2 đội bóng gần nhất không còn mua sắm cầu thủ rầm rộ như trước. Đội bóng đất Hoa Lư trong 2 năm qua cũng xuất hiện nhiều hơn cảnh nợ lương cầu thủ. Và cũng trong vòng 2 năm qua, người ta không dưới một vài lần nghe bầu Trường nói chán, và muốn ngưng đầu tư.
Có thể những người làm bóng đá từng hy vọng rằng bầu Trường sẽ có thêm hứng thú sau khi V.Ninh Bình đoạt cúp quốc gia. Nhưng ngay cả sự lạc quan đấy cũng có thể là lạc quan tếu, khi biết rằng 2 đội bóng đoạt cúp quốc gia gần nhất mang tên Navibank Sài Gòn và XM Xuân Thành Sài Gòn đều đã bỏ bóng đá, ngay sau khi vừa có chiếc cúp ấy.
Dù vậy, câu chuyện của K.Kiên Giang hay V.Ninh Bình vẫn chưa đáng chú ý bằng chuyện của ĐT Long An, bởi khác với đội bóng miền Tây Nam bộ và đội bóng đất Hoa Lư, ĐT Long An là thương hiệu của bóng đá nội hơn chục năm qua.
Ấy thế mà sự tồn vong của ĐT Long An cũng đang đứng trước thách thức lớn. Số là hồi giữa mùa giải 2013, bầu Thắng từng công khai nói đến khả năng Đồng Tâm sẽ không còn “bao thầu” việc nuôi đội bóng, mà sẽ trả lại cho ngành TDTT Long An.
Nếu việc đó xảy ra, Đồng Tâm của ông Thắng chỉ đóng vai trò là nhà tài trợ, với một khoản tiền cứng có giới hạn trong từng mùa giải, chứ không còn nuôi đội bóng từ A đến Z.
Hồi đấy bầu Thắng nói muốn làm vậy là vì muốn các đội bóng đi theo mô hình có nhiều nhà đồng tài trợ, giống các CLB bóng đá Nhật Bản. Tuy nhiên, người hiểu chuyện ngầm biết rằng đấy là phát biểu mang tính dọn đường cho việc ông Thắng rút khỏi vai ông bầu bóng đá vốn quá tốn kém, trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Chẳng biết sau vài tháng, bầu Thắng có nghĩ lại? Vì nếu Đồng Tâm không còn nuôi đội bóng, khó tin rằng CLB do ngành TDTT Long An quản lý đủ sức nuôi sống mình ở V-League.
Chuyện tồn tại của các đội bóng vừa nêu, cũng như hàng loạt đội bóng khác ở giải hạng Nhất đang trong cảnh túng tiền, sẽ là đề tài nóng hổi mà người ta đang chờ câu trả lời từ bầu Thắng nói riêng, cũng như các ông bầu nói chung, chờ cả câu trả lời từ những người đang quản lý bóng đá, trong buổi lễ tổng kết mùa giải vào ngày mai (28/9).
Theo Dân trí