Có lẽ với mỗi con vật, được sống trong vườn thú là một điều may mắn nhưng cũng là một nỗi bất hạnh trớ trêu. May mắn vì chúng sẽ được chăm sóc, được bảo vệ an toàn, không còn lo mắc phải những cạm bẫy, những mũi tên, viên đạn của kẻ đi săn.
Bất hạnh vì chúng không còn được tự do chạy nhảy ngoài thiên nhiên, không còn được hít thở trong hương vị cỏ cây êm dịu, khí trời trong lành, mà sẽ phải an phận cuộc đời mình trong bốn góc chuồng nuôi.
Sau đây là những hình ảnh phóng viên ghi lại ở Vườn thú Thủ Lệ, Hà Nội:
Chú Hổ Lâm Nhi (trong ảnh) được đưa về vườn thú Thủ Lệ từ năm 1998 khi vừa được giải cứu từ tay lâm tặc. Tại Việt Nam, đồng loại của nó đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên bởi nạn chặt phá rừng và săn bắn trái phép để lấy da lông và làm dược liệu. Mang pháp danh Panthera tigris, đối với y học đông phương, hổ có thể cung cấp nhiều phương thuốc bổ dưỡng, quí hiếm, giúp tăng cường sinh lực và chữa các loại bệnh về sinh lý. Xương hổ được dùng để nấu thành cao gọi là cao hổ cốt, giúp trị bệnh suy dinh dưỡng, đau khớp. Thậm chí, có nhiều người tin rằng, các chế phẩm từ hổ có thể đem lại may mắn thịnh vượng hay trừ được tà ma. Trong sách đỏ, hổ được xếp vào loài bị đe dọa ở bậc E (Nguy cấp, có thể tuyệt chủng).
Trong vườn thú, khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis) là một loài vật lanh lợi, đem lại nhiều tiếng cười sảng khoái cho du khách với những màn trình diễn và đùa nghịch tinh quái. Nhưng có lẽ chú khỉ này vẫn không giấu được nỗi buồn khi nhìn ra một thế giới phía bên ngoài song sắt. Ở một vài cánh rừng xa xôi ngoài thế giới đó, đồng loại của chú hằng ngày vẫn phải kề cận với những họng súng săn luôn sẵn sàng nhả đạn.
Chú khỉ đuôi lợn (Macaca indochinesis) này cũng mang chung một tâm sự với người họ hàng xa của mình. Vốn thông minh và dạn người, một số khỉ đuôi lợn được người dân vùng duyên hải Trung và Nam bộ săn bắt về huấn luyện để hái dừa. Kém may mắn hơn những chú khỉ trên đây, nhiều chú khỉ khác phải sống trong mối đe dọa thường trực của nạn phá rừng và có thể sẽ bị đưa vào những nhà hàng đặc sản bởi những tay săn bắn trộm. Mức độ đe dọa: bậc V (Sắp nguy cấp, số lượng còn rất ít).
Sau song sắt, đôi mắt tròn to của chú voọc xám (Trachypithecus phayrei crepusculus) này như muốn chạm vào lòng trắc ẩn của khách tham quan. Ngoài tự nhiên, loài linh trưởng đặc hữu này ngày càng hiếm gặp. Hiện trạng về phân bố và số lượng voọc xám ở Việt Nam trong những năm gần đây chưa được khảo sát đầy đủ. Mức độ đe dọa của loài này là bậc: V.
Cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus) là một loài ngủ ngày, ăn đêm. Vậy mà, con cây vòi hương này lại mở mắt giữa buổi sáng, không tuân thủ chiếc đồng hồ sinh học vốn có của mình. Cũng có thể chú ta đang nghĩ về đồng loại bị săn bắt lấy xạ hương, da lông và làm thực phẩm ngoài tự nhiên.
Đã quen với cuộc sống ở vườn thú, hai chú cầy mực (Arctictis gairdneri) ngủ li bì trong sự ồn ào của du khách xung quanh chuồng. Là loài có kích cỡ lớn nhất trong họ cầy với trọng lượng 10 - 20kg, cậy mực là loài thú hiếm có giá trị kinh tế cao với da lông và tuyến xạ. Trong thiên nhiên số lượng cầy mực ngày đang giảm sút nghiêm trọng do nạn săn bắn quá mức và chặt phá rứng. Mức độ đe dọa: bậc V.
Những chú hươu sao (Cervus axis) hiền lành và nhút nhát là loài thích nghi rất tốt với điều kiện nuôi nhốt. Sở hữu cặp nhung vốn được coi là dược liệu hoạt tính sinh học cao, đối với chúng an phận phía sau hàng rào sắt hẳn sẽ tốt hơn sự tự do đầy nguy hiểm ngoài môi trường tự nhiên. Hiện nay, loài này đang được nuôi thuần dưỡng ở nhiều địa phương với số lượng khoảng 6.000 con. Ngoài môi trường hoang dã mức độ đe dọa của hươu sao được xếp vào bậc V.
Có hình dáng bên ngoài giống như một cụ già khắc khổ, loài chim già đẫy lớn (Leptoptilos dubius) mang trong mình nguồn gene quý, có giá trị khoa học và thẩm mỹ cao. Loài này đang bị đe dọa tuyệt chủng do tình trạng cháy rừng tràm và săn bắt quá mức ở nhiều nơi. Mức độ đe dọa: bậc E.
Có lẽ những chú chim yểng (Gracula religiosa) này may mắn hơn nhiều đồng loại của mình vì chúng được sống trong một chiếc lồng lớn thay vì bị giam trong những chiếc lồng chật chội của dân chơi chim cảnh. Nhưng đối với một chú chim tự do quen tung cánh trên bầu trời thì cả hai chiếc lồng dù to hay nhỏ không khác nhau là mấy.
Rùa răng (Hieremys annandalii) là loài rùa lớn sinh sống ở các vùng ngập nước tại miền Nam Việt Nam. Số lượng của chúng đang sụt giảm nghiêm trọng do bị săn bắt làm món nhậu cũngn hư phục vụ những người nuôi sinh vật cảnh. Trong sách đỏ Việt Nam, mức độ đe dọa của loài này được xếp vào bậc E.
Cá sấu hoa cà là (Crocodylus porosus) là loài bò sát lớn nhất thế giới với chiều dài cơ thể có thể vượt quá 6m, sống ở vùng núi duyên hải, các cửa sông lớn hay ở các vùng rừng ngập mặn hoặc các đầm lầy nước lợ ở miền Nam Việt Nam. Loài vật này đã để lại những ấn tượng khó quên trong tác phẩm “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi, với cảnh tượng cuộc săn cá sấu được miêu tả đầy gay cấn. Nhưng khi bị nhột trong lồng sắt với những bể nước nhỏ bé, trông chúng chẳng khác gì những "bị thịt".
Các cấp đánh giá mức độ đe dọa: Bậc E (Endangered): Nguy cấp, có thể tuyệt chủng. |
Theo Đất Việt