Từng là đầu mối cung cấp thuốc phiện
"Những năm 80 của thế kỷ 20, ngay sau bản này là chợ đầu mối chuyên cung cấp thuốc phiện của cả vùng. Mua bán tự do, người ở mọi nơi mang thuốc phiện về đây bán, sôi động lắm. Vì thế, dân bản ai cũng trồng thuốc phiện để bán lấy tiền. Gần nó nhiều thì phải hút, mình làm ra mà không hút thì còn nói làm gì. Sau này vì tác hại của thuốc phiện nên Nhà nước cấm trồng và buôn bán thuốc phiện. Nhưng đến lúc đó đa số dân bản lại nghiện mất rồi. Đã nghiện thì phải tìm cách mà hút, cấm trồng thì trồng trộm. Nhà nào không làm ra thuốc phiện thì đi làm công, làm thuê hay vào rừng chặt gỗ... bán lấy tiền mua thuốc hút. Cứ thế cho đến gần 20 năm khi được sự hỗ trợ của Nhà nước, cả bản mới chung tay cai được thuốc phiện", ông Sùng A Khay (60 tuổi), người từng có hơn 20 năm nghiện thuốc phiện mở đầu câu chuyện.
Bà Mẩy, vợ ông Khay đang lúi húi dọn đồ đạc ở góc nhà thấy vậy lên tiếng nhắc chồng: "Ông lại nhớ chuyện cũ à? Cũng do chúng ta có lỗi, cũng tại thuốc phiện mà con nó mới bỏ chúng ta đi đấy...". Nghe bà Mẩy nói, ông Khay tỏ vẻ ngậm ngùi, ông bảo: "Tôi lấy vợ khi đã nghiện thuốc phiện, ở gần tôi lâu vợ cũng nghiện theo, thế là bao nhiêu của cải trong nhà vợ chồng đem nướng hết cho nàng tiên nâu. Có hai mặt con với nhau nhưng chưa ngày nào chăm sóc chúng được tử tế. Năm 5 tuổi, đứa con gái mắc bệnh, vì bố mẹ hút thuốc phiện nên không có tiền chữa bệnh cho nó thế là con ma rừng bắt nó đi. Còn thằng Su, (con trai lớn của ông Khay) không được học hành, lên 8 tuổi phải lang thang xuống bản Lửa Thàng dưới trung tâm xã chăn ngựa, chăn trâu thuê cho người ta để kiếm miếng ăn. Hai vợ chồng tôi cứ vất vưởng ngày này qua ngày khác. Cái nhà ở như túp lều con chỉ để tạm trú chân. Chủ yếu là ở trong rừng chặt gỗ, tìm sản vật, thỉnh thoảng qua bản khác làm mướn... tất cả chỉ để kiếm tiền mua thuốc phiện thoả mãn cơn nghiện. Bây giờ cứ nghĩ lại, thấy mình có lỗi với con cái, ân hận lắm".
Một góc bản Pan Khèo hôm nay
Vợ chồng ông Giàng A Sử, bà Vàng Thị Dua trong bản cũng có ngót 20 năm làm nô lệ cho nàng tiên nâu. Bao sức lực, tiền của, ruộng nương đều chui qua tẩu thuốc phiện; đến khi nhận ra tác hại của thuốc phiện thì gia sản chẳng còn gì ngoài một túp lều tranh. Hay anh Thào A Dơ, từng là một con nghiện nặng hơn 10 năm, sau khi cai nghiện xong đã phải thốt lên với chúng tôi rằng: "Sợ thuốc phiện lắm rồi, không làm được gì hết, không cơm ăn, áo mặc, nhà ở...".
Theo như lời anh Dơ, nhà anh ở Tả Lèng, từ nhỏ sống trong gia đình có bố mẹ đã nghiện thuốc phiện, vì thế anh cũng nghiện theo. Bố mẹ vì nghiện mà mất sớm; không nhà, không cửa, anh Dơ lang thang đến bản Pan Khèo. Mấy năm trời sống trong hang đá tối tăm, làm thuê được bao nhiêu dồn cho thuốc phiện. Hơn 30 tuổi cũng chẳng biết đến vợ con là gì. Mãi đến năm 2002 bỏ được thuốc phiện anh Dơ mới lấy được vợ. Cuộc sống bây giờ tuy còn khó khăn nhưng gia đình anh cũng còn có nhà để ở, ruộng để làm, không lo đói ăn nữa...
Cuộc chiến chống "nàng tiên nâu"
Nhận thấy tác hại của thuốc phiện, khi nhìn xung quanh mình chẳng còn gì, ngoài những tấm thân tàn ma dại... người Mông ở Pan Khèo đã cùng nhau từ bỏ nàng tiên nâu. Từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, người dân ở Pan Khèo bắt đầu cai thuốc phiện. Đi đầu trong cuộc "vượt lũ" này là gia đình ông Khay, ông Sử. Mặc dù phải mất hơn năm năm trời, bằng nghị lực phi thường, quên đi thuốc phiện mà không nhờ đến một thứ thuốc cai nghiện nào họ mới hoàn toàn giã từ được ma tuý và trở thành tấm gương, là động lực để những con nghiện khác trong bản học và làm theo.
Kể về phương pháp cai nghiện của mình, ông Sử tỏ ra hào hứng: "Tôi suy nghĩ rất nhiều, thấy người ta không nghiện thuốc phiện thì giàu còn mình nghiện thì quanh năm đói, thế là quyết tâm bỏ. Đầu tiên tôi hút ít dần đi, ngày đầu hút 3 lần thì ngày sau hút 2 rồi hút 1. Cứ thế cho hết một năm đầu thì không hút nữa. Lúc đó khổ lắm, vật vã suốt ngày, mỗi lần như thế tôi lại phải nhờ người trói mình lại nhưng vẫn chẳng ăn thua. Cái giống này nó "vật" ghê gớm lắm, hơn nữa cả hai vợ chồng đều là những con nghiện nặng nên việc cai không phải dễ. Vì quyết tâm bỏ thuốc phiện nên vợ chồng động viên nhau, đã nhiều lần chúng tôi rủ nhau vào rừng sâu, vợ thay chồng, chồng thay vợ trói nhau vào gốc cây khi lên cơn nghiện. Mất hơn 5 năm tự cai, cả hai vợ chồng mới bỏ được hẳn. Bây giờ thì khá rồi, vợ chồng con cái chỉ phải lo bảo ban nhau làm ruộng, chăn nuôi phát triển kinh tế, lo cho tương lai thôi".
Từ những gia đình như gia đình ông Sử, ông Khay, người dân trong bản đã học theo và đồng loạt tình nguyện cai thuốc phiện. Người này học người kia, người không nghiện động viên người nghiện, người bỏ được chia sẻ kinh nghiệm cho người chưa cai, tất cả cùng giúp đỡ nhau từ miếng ăn đến công việc. Thêm vào đó là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự vận động của cán bộ xã, bản... thế là mọi người quyết tâm. Nhà nào còn trồng trộm cây thuốc phiện thì tình nguyện đi phá, người nào mà chưa cắt cơn thì tình nguyện cho người khác trói mình vào, nhốt mình lại. Cứ như thế, chỉ sau vài năm, người Pan Khèo đã vượt qua được cơn lũ thuốc phiện, vượt qua được những tháng ngày tối tăm.
Sức sống mới trên đỉnh Pan Khèo
Ông Giàng A Cháng - bí thư chi bộ đưa chúng tôi dạo một vòng quanh bản để tìm hiểu cuộc sống của bà con. Dừng lại trước cửa nhà ông Khay, chỉ tay vào chiếc xe máy còn bóng nước sơn, ông Cháng nhanh nhảu: "Đấy, nó mới mua con xe này đấy, nó mà không bỏ được thuốc phiện thì làm sao mà mua được". Chưa dứt câu, ông Cháng nói thêm: "41 hộ dân trong bản, bây giờ cơ bản đều có xe máy như thế rồi đấy, nhà nào cũng có nhà cửa đàng hoàng, mái lợp Prô. Nếu trước đây người dân chỉ sống với thuốc phiện, ăn củ mài, củ sắn thì bây giờ không còn hộ nào đói. Trẻ em thì đã biết đến trường, có nhiều đứa đã xuống xã, xuống huyện để học cấp II, cấp III rồi đấy".
Sau khi trò chuyện với gia đình ông Khay, chúng tôi ghé thăm nhà anh Dơ, đang bận bịu dựng ngôi nhà mới, thấy tôi hỏi đến thuốc phiện, anh Dơ nóng nảy: "Ai bảo ở đây còn người nghiện thì cứ đến mà điều tra nhưng tôi bảo đảm là không còn ai dây dưa với thuốc phiện. Nghiện cả chục năm như tôi còn bỏ được nữa là, bỏ được thuốc phiện là tôi lấy được vợ, sinh được con lại còn làm được nhà nữa đấy...". Chúng tôi tin vào lời anh bởi chỉ nhìn con đường vào bản với những dọc hàng cột điện đã được dựng lên cho điện lưới quốc gia về bản là đủ biết sức sống mới ở đây như thế nào. Trong nhà ông trưởng bản, 200 bao thóc vẫn còn xếp chồng chất chưa sử dụng đến, dù ông cũng là người đã từng dính đến thuốc phiện hàng thập niên trước đây.
Cả bản "vượt lũ đen" Theo số liệu thống kê của UBND huyện Tam Đường, bản Pan Khèo, xã Thèn Sin trước đây có đến 70% người nghiện hút thuốc phiện. Từ thanh niên, trai tráng, phụ nữ đến người già tất cả đều bỏ bê công việc, quanh năm ôm bàn đèn, cả bản chìm trong khói thuốc phiện, tiêu điều, xơ xác. Thảm cảnh chỉ thật sự qua đi khi mà cả bản cùng chung sức hỗ trợ nhau cai nghiện, cùng nhau vượt qua cơn lũ đen". |
Cao Tuân