Ngô chứa lượng lớn chất xơ, kali và các chất oxy hóa. 100 g ngô hạt cung cấp 342 calo cho cơ thể, do đó ngô được coi là một nguồn cung cấp năng lượng tuyệt vời cho cơ thể bạn.
Một cốc hạt ngô cung cấp 18,4% lượng chất xơ cơ thể cần mỗi ngày, giúp hỗ trợ và giảm nguy cơ mắc bệnh liên quan đến tiêu hóa như táo bón, trĩ, ung thư ruột kết.
Ngoài lợi ích dinh dưỡng, ngô đem lại nhiều lợi ích sức khỏe. Lượng folate dồi dào trong ngô rất có lợi cho việc hình thành các tế bào mới trong cơ thể.
Tuy nhiên, không phải ai ăn ngô cũng tốt cho sức khỏe. Dưới đây là những đối tượng cần cân nhắc khi ăn ngô:
Những người có khả năng miễn dịch kém
Nếu bạn thường xuyên tiếp nạp hơn 50 g chất xơ mỗi ngày, sẽ làm cản trở việc bổ sung protein, tỷ lệ sử dụng chất béo giảm, gây tổn hại đến chức năng của xương, tim, máu …, từ đó làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể.
Người mắc bệnh đường tiêu hóa
Khi ăn quá nhiều chất xơ sẽ tạo gánh nặng cho dạ dày, ngô cũng là thực phẩm chứa nhiều chất xơ, do đó tốt nhất nên kiêng khi bạn đang mắc bệnh đường tiêu hóa.
Những người bị xơ gan, viêm loét dạ dày, giãn tĩnh mạch thực quản khi ăn ngô có thể bị giãn nứt tĩnh mạch, chảy máu dạ dày. Nguyên nhân do ngô là lương thực thô, rất nhạy cảm với đối tượng người bị bệnh liên quan đến tiêu hóa nói chung.
Những người bị thiếu canxi, sắt
Trong lương thực thô có chứa axit phytic và chất xơ, kết hợp với nhau tạo thành chất kết tủa, gây cản trở việc cơ thể hấp thụ khoáng chất.
Người mắc bệnh viêm đại tràng
Ngô là thực phẩm khó tiêu hóa, khi ăn vào có thể gây tổn thương hơn nữa cho các vết loét đại tràng. Ngô cũng rất giàu cellulose, khi người viêm đại tràng ăn ngô sẽ khiến thành ruột bị cọ xát.
Do đó, tốt nhất bệnh nhân viêm đại tràng không nên ăn loại thực phẩm này để bệnh nhanh chóng phục hồi.
Hoạt động thể lực nặng
Giá trị dinh dưỡng của lương thực thô thấp, ít năng lượng, không thể cung cấp đủ dinh dưỡng cho những người lao động thể lực nặng.
Thanh thiếu niên đang ở tuổi dậy thì
Do giai đoạn dậy thì có nhu cầu đặc biệt về dinh dưỡng và năng lượng, cùng với yêu cầu sinh lý của các kích thích tố, lương thực thô không những cản trở sự hấp thụ cholesterol và chuyển đổi nó thành hormone, mà còn gây trở ngại cho việc hấp thu và sử dụng các nguyên tố dinh dưỡng.
Phụ nữ có thai
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trung tâm Phòng và Kiểm soát bệnh tật ở Mỹ thì “những bà bầu ăn nhiều ngô hoặc các chế phẩm từ ngô trong 3 tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ sinh con bị khuyết tật cao gấp 2,5 lần so với những thai phụ khác. Căn nguyên là do độc tố fumonisin thường có trong các loại nấm ký sinh trên ngô đã làm vô hiệu hóa tác dụng ngừa khuyết tật ở thai nhi của axít folic.” Do vậy, phụ nữ có thai không nên ăn ngô hàng ngày.
Bệnh nhân tiểu đường
Ngô chứa hàm lượng tinh bột cao, carbohydrate trong ngô có thể nhanh chóng làm tăng lượng đường trong máu, do đó không tốt cho người bị bệnh tiểu đường.
Nói như vậy không có nghĩa là bệnh nhân tiểu đường bị cấm ăn ngô mà nên hạn chế. Nếu ăn thì bạn cần kết hợp với thực phẩm chứa protein hoặc chất béo.
Người già và trẻ nhỏ
Chức năng tiêu hóa của người già đã suy yếu, còn với trẻ nhỏ lại chưa hình thành đầy đủ nên việc ăn ngô có thể tạo áp lực cho dạ dày vì chứa lượng chất xơ lớn. Ngô là lương thực thô nên cũng rất nghèo các chất dinh dưỡng, không thực sự phù hợp cho người già và trẻ nhỏ.
Do đó người già và trẻ nhỏ cũng cần hạn chế ăn ngô.
Vậy ăn bao nhiêu ngô là đủ?
Đối với ngô, khẩu phần cho một người lớn, khỏe mạnh ăn mỗi ngày là nửa cốc, tương đương với một bắp ngô bình thường, quy ra riêng hạt ngô là khoảng 1 lạng.
Đối với những người đang có bệnh hoặc gặp bất cứ phản ứng phụ nào sau khi ăn ngô cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi định sử dụng mõn ngũ cốc này thường xuyên.
Hùng Lâm (Tổng hợp)