Trong lễ viếng và truy điệu Giáo sư Phan Huy Lê vào sáng nay (27/6), hàng ngàn người đã có mặt tại nhà tang lễ Quốc gia (số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội) để cùng nhau tiễn biệt Giáo sư Phan Huy Lê về nơi an nghỉ cuối cùng.
Cùng hòa chung với những tiếng nấc nghẹn ngào ấy, rất nhiều người cũng đã dành cho Giáo sư Phan Huy Lê những dòng cảm xúc chất chứa nỗi niềm trong cuốn sổ tang.
Có mặt tại lễ viếng, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã bày tỏ cảm xúc của mình đối với vị Giáo sư đáng kính. Trong cuốn sổ tang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết: “Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê – Chuyên gia hàng đầu của nền Sử học Việt Nam, một tài năng lớn trong giới Sử học nước nhà đã ra đi. Xin chia buồn sâu sắc cùng gia quyến Giáo sư. Vĩnh biệt Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam viết: “Vô cùng thương tiếc Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê – Cây đại thụ của nền Sử học đương đại. Xin chia buồn sâu sắc cùng gia đình, người thân và những người yêu kính Giáo sư.
Giáo sư không còn, nhưng những đóng góp của Giáo sư đối với sự nghiệp khoa học, giáo dục cùng những tình cảm, kỷ niệm tốt đẹp với Giáo sư còn mãi.
Giáo sư hãy thanh thản yên nghỉ cõi vĩnh hằng. Đồng nghiệp và lớp lớp học trò của Giáo sư sẽ tiếp bước, hoàn thành tâm nguyện của Giáo sư. Hôm nay, và mai này nhiều rất nhiều người “biết sử ta”, “nghiên cứu sử ta” sẽ nhắc, sẽ nhớ Giáo sư”.
Có mặt tại lễ viếng, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ bày tỏ: “Vô cùng thương tiếc, vĩnh biệt Giáo sư Phan Huy Lê: Nhà giáo Nhân dân, nhà khoa học lớn, nhà Sử học hàng đầu của đất nước”.
Cũng trong cuốn sổ tang, ông Phan Xuân Biên – học trò của Giáo sư Phan Huy Lê viết nên những dòng cảm xúc: “Thầy ơi! Tuổi thầy đã cao, thầy đi khám bệnh là chuyện thường, nhưng thầy ra đi mãi mãi làm cho ai cũng bàng hoàng, quá đột ngột, quá bất ngờ, nên nỗi đau, niềm tiếc thương vô cùng… Xin vĩnh biệt thầy, mãi mãi ơn thầy và nhớ thầy”.
Dưới đây là những dòng cảm xúc xúc động trong cuốn sổ tang: