Cá vây tay được cho đã tuyệt chủng từ cuối kỷ Phấn trắng (cách đây hơn 65 triệu năm). Mãi đến năm 1938, người ta mới phát hiện loài cá này ở ngoài khơi bờ biển phía Đông của Nam Phi gần cửa sông Chalumna (ảnh). Loài cá có hàm lâu đời nhất này có thể sống "thọ" đến 100 năm và bơi ở độ sâu 90-100 m.
Chim hải âu Bermuda sống ở quần đảo Bermuda (Đại Tây Dương) vẫn chưa tuyệt chủng được coi là một trong những khám phá thú vị nhất trong lịch sử bảo tồn thiên nhiên. Loài chim này được cho đã tuyệt chủng từ năm 1620. Nhưng đến năm 1951, người ta phát hiện 18 cặp chim trên những hòn đảo đá thuộc vùng cảng Castle của Bermuda. Hiện, chúng vẫn đang đối mặt nguy cơ tuyệt chủng với 250 cá thể trên toàn cầu.
Lợn cỏ ở vùng thảo nguyên Chaco (Paraguay) có kích cỡ lớn nhất trong các loài heo cỏ peccary. Chúng có nhiều điểm tương đồng như lợn nhà nhưng không thể thuần hóa. Loài lợn này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1930 dựa theo hồ sơ hóa thạch và được cho là đã tuyệt chủng. Năm 1975, các nhà nghiên cứu vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy một cá thể loài này ở Chaco. Hiện, chúng chỉ còn khoảng 3.000 con.
Côn trùng que trên đảo Lord Howe còn được mọi người gọi là “tôm hùm cạn” hoặc “xúc xích biết đi” bởi chúng có hình dáng vô cùng đặc biệt. Chúng là loài bọ que trên đảo Lord Howe (Australia) được xem là loài côn trùng quý hiếm nhất thế giới. Người ta tin rằng, nó đã tuyệt chủng từ năm 1930 sau khi nơi trú ngụ duy nhất trên đảo Lord Howe bị xóa sổ. Năm 2001, người ta phát hiện gần 30 con ở dưới một bụi cây trên hòn Ball’s Pyramid, ngọn núi đá cách Lord Howe 23 km về hướng Nam.
Thú Monito del Monte được cho đã tuyệt chủng khoảng 11 triệu năm trước cho đến khi người ta tìm thấy một con trên một bụi tre ở Chile. Sinh vật này có quan hệ “bà con” gần với các loài thú có túi ở Úc. Nó được cho có khả năng là hậu duệ của loài thú có túi đặc hữu của Australia sống cách đây 55 triệu năm.
Trước khi phát hiện chúng còn sống vào năm 2007, thằn lằn khổng lồ La Palma được cho đã biến mất khoảng 500 năm. Những cá thể còn sống được phát hiện ở vùng La Palma thuộc quần đảo Canary, ngoài khơi Đại Tây Dương. Con vật còn sống sót lại ước tính khoảng 4 tuổi và dài 0,3 m.
Takahe là loài chim không biết bay có nguồn gốc ở New Zealand. Nó được xác định đã tuyệt chủng vào năm 1898. Tuy nhiên, sau những nỗ lực tìm kiếm tích cực của các nhà khoa học, chim Takahe được phát hiện tại hồ Anau vào năm 1948. Mặc dù vậy, loài chim cực kỳ quí hiếm với hình dáng kỳ lạ với đôi chân và mỏ đỏ trong khi bộ lông màu xám đen có lẫn màu xanh thẫm vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng bởi chúng chỉ còn khoảng 225 con trên trái đất.
Thú solenodon ở Cuba vô cùng quý hiếm vì trên thế giới chỉ phát hiện được 37 con. Người ta phát hiện ra chúng vào năm 1861 nhưng suốt thời gian năm 1890-1974, chúng dường như biến khỏi Trái đất. Những con solenodon được nhìn thấy gần đây nhất ở Cuba vào năm 2003.
Tắc kè mào New Caledonia lần đầu tiên được miêu tả trong các tài liệu khoa học là vào năm 1866. Chúng được cho là đã tuyệt chủng từ lâu. Tuy nhiên, người ta phát hiện loài tắc kè đặc biệt này trong một cơn bão nhiệt đới tại đảo New Caledonia (thuộc Pháp ở châu Đại Dương) năm 1944. Chúng nổi bật với một số đặc điểm dị thường như quanh viền mắt có gai trông giống lông và mào chạy dài từ hai mắt đến đuôi. Loài này được xếp vào diện có nguy cơ tuyệt chủng.
Chuột New Holland được phát hiện vào năm 1843. Nó biến mất trong hơn 1 thế kỷ trước khi được tìm thấy lại tại Công viên quốc gia Ku-ring-gai Chase ở Sydney (Australia) năm 1967. Hiện chuột New Holland sống tập trung chủ yếu ở bang New South Wales và Tasmania của Australia.
Theo Kiến thức/MMN