Những dự án 'bờ xôi ruộng mật' đình trệ của công ty Đông Á

Những dự án 'bờ xôi ruộng mật' đình trệ của công ty Đông Á

Nguyễn Trọng Cảnh

Nguyễn Trọng Cảnh

Thứ 2, 22/05/2017 14:30

Không chỉ gắn liền với Bạch Dinh đình đám, tên tuổi của ông Cao Tiến Đoan còn gắn với hàng loạt dự án nghìn tỷ tại Thanh Hóa, dù được cấp phép nhiều năm nhưng vẫn hoang tàn…

Những dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” cả thập kỷ

Năm 2006, dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới ven sông Hạc được khởi công. Chủ đầu tư được chỉ định là Công ty Đông Á do ông Cao Tiến Đoan làm Chủ tịch HĐQT, thực hiện theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng (BT).

Đây là một trong những dự án lớn nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với 1.036 hộ dân và 4 đơn vị trên địa bàn ba phường Đông Thọ, Trường Thi, Nam Ngạn bị ảnh hưởng. Chi phí bồi thưởng giải phóng mặt bằng lên tới 550,6 tỷ đồng.

Tổng quy mô dự án là 37ha, chia thành 2 khu vực: Khu vực 1 đoạn ven Cầu Hạc tới Cầu Bốn Voi với diện tích 23,3 ha; Khu vực 2 giáp khu quy hoạch bắc Cầu Hạc có diện tích 13,7 ha.

Thế nhưng, hơn 10 năm trôi qua, siêu dự án này mới được Công ty Đông Á thực hiện phần “nạc”, còn phần “xương” vẫn còn nằm “trên giấy” và chưa hẹn ngày khởi công.

Tiêu dùng & Dư luận - Những dự án 'bờ xôi ruộng mật'  đình trệ của công ty Đông Á

Khu vực 1 của dự án Khu đô thị mới ven sông Hạc là phần nhà biệt thự nhằm thay đổi bộ mặt TP. Thanh Hóa. Thế nhưng hơn 10 năm trôi qua, công ty Đông Á chưa có dấu hiệu triển khai dự án. Ảnh: Thủy Tiên

Cụ thể, Khu vực 1 là phần nhà biệt thự được bố trí hướng ra ven 2 bên bờ sông Hạc thơ mộng, tạo nên cảnh quan, diện mạo mới cho TP. Thanh Hóa vẫn chưa có dấu hiệu triển khai. Hiện nay, Công ty Đông Á đang thực hiện việc kè sông đoạn cầu Hạc. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, công việc mà công ty Đông Á đang triển khai thuộc gói thầu số 21 trong dự án tiêu úng Đông Sơn do Ban Quản lý Dự án Cải thiện Môi trường Đô thị miền Trung - Tiểu dự án Thanh Hóa (PMUTH) làm chủ đầu tư. Theo báo cáo gần đây của PMUTH, gói thầu số 21 đang chậm tiến độ và hiện đạt dưới 50% khối lượng.

Trong khi đó, phần “nạc” thuộc khu vực 2 là Nhà liền kề, chủ đầu tư chỉ cần đầu tư hạ tầng để phân lô bán nền thì được công ty Đông Á bán gần hết. Theo ghi nhận của PV những ngày đầu tháng 5, chủ đầu tư dự án đã tiến hành xây dựng cơ bản để phân lô bán hàng trăm lô đất tại Khu vực 2, đoạn nằm sau bệnh viện Hợp Lực.

Theo phòng Quản lý đô thị (Tp. Thanh Hóa), dự án Khu đô thị mới ven sông Hạc mới thực hiện chi trả bồi thường được 38/780 hộ dân có đất thổ cư bị ảnh hưởng trong phạm vi dự án, với tổng số tiền vỏn vẹn là 23 tỷ đồng.

Ngoài dự án trên, Công ty Đông Á còn một dự án “đắp chiếu” khác có quy mô không hề thua kém.

Tháng 6/2007, UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho Công ty Đông Á thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ mát tại xã Quảng Vinh – Quảng Xương với quy mô 9,5 ha đất bãi biển nằm bên phải cửa Trường Lệ. Dự án này được Công ty Đông Á “vẽ” ra các hạng mục gồm resort, khách sạn hạng sang.

Tiêu dùng & Dư luận - Những dự án 'bờ xôi ruộng mật'  đình trệ của công ty Đông Á (Hình 2).

Phần đất thuộc dự án Khu du lịch nghỉ mát tại xã Quảng Vinh – Quảng Xương của Công ty Đông Á với quy mô 9,5 ha đất bãi biển nằm bên phải cửa Trường Lệ sau 10 năm vẫn chỉ là vùng đất hoang. Ảnh: Thủy Tiên

Tuy nhiên, gần 10 năm trôi qua, các “resort, khách sạn hạng sang” vẫn nằm trên giấy, cả khu đất chỉ là một vùng hoa hóa, cỏ dại mọc đầy, rác thải tràn ngập. Dù đắp chiếu gần cả thập niên, thế nhưng, Công ty Đông Á lại tiếp tục xin thêm dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp cao cấp cửa Trường Lệ tại Phường Trường Sơn, TP. Sầm Sơn (nằm bên trái cửa Trường Lệ, ngay cạnh dự án của Công ty Đông Á).

Trước đó, dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp cửa Trường Lệ có quy mô 47,1 ha với tổng mức đầu tư 911 tỷ đồng được giao cho Công ty CP Đầu tư và Truyền thông Sao đất Việt ngày 28/07/2011, song sau đó đã được đơn vị này trả lại.

Ngày 25/04/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 2612100031 cho Công ty Đông Á để thực hiện dự án trên. Theo giấy chứng nhận đầu tư này thì doanh nghiệp của ông Đoan có vốn điều lệ 252 tỷ đồng sẽ thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp cửa Trường Lệ với tổng mức đầu tư 910,936 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu của Công ty Đông Á là 182,187 tỷ đồng còn 728,749 tỷ đồng là vốn vay và huy động khác.

Đến nay, Công ty Đông Á đã hoàn tất xin cấp phép và thay đổi quy hoạch, gộp hai dự án nằm hai bên cửa Trường Lệ thành một “siêu” dự án có tổng diện tích lên tới 60,46ha.

Dư luận đặt ra nhiều hoài nghi về “siêu” dự án này bởi, dự án 9,5ha Công ty Đông Á 10 năm chưa thực hiện được thì dự án 60,46ha đến khi nào doanh nghiệp này có thể hoàn thành?

Nợ xấu nhóm 5, nhiều năm bị lỗ

Việc một loạt dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” suốt nhiều năm qua đặt ra câu hỏi về năng lực tài chính của “đại gia” Cao Tiến Đoan cùng Công ty Đông Á.

Nguồn tin từ Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công ty Đông Á liên tục báo lỗ trong các năm vừa qua, năm 2015 lỗ 14,2 tỷ đồng, năm 2016 tiếp tục lỗ 5,1 tỷ đồng.

Vốn điều lệ tính tới cuối năm 2016 của Công ty Đông Á là 262 tỷ đồng, tổng tài sản 392 tỷ đồng, những con số khiêm tốn so với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng của các dự án mà doanh nghiệp này đang theo đuổi.

Nguồn lực nội tại hạn chế, để triển khai các dự dự án, Công ty Đông Á không còn cách nào khác, buộc phải phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính, vay nợ ngân hàng. Tuy nhiên theo xác minh, doanh nghiệp của ông Cao Tiến Đoan tính tới tháng 8/2015 có khoản nợ xấu 13 tỷ đồng với Agribank và đã bị nhà băng này xếp vào nợ nhóm 5 – nhóm nợ xấu cao nhất trong phân loại nợ quá hạn.

Tổ chức tín dụng duy nhất “đồng hành” cùng Công ty Đông Á là Vietcombank chi nhánh Thanh Hóa, khi đơn vị này từ giữa năm 2016 – nay, dưới thời giám đốc Trịnh Ngọc An, đã liên tục cho doanh nghiệp của “đại gia” Bạch Dinh vay với dư nợ hiện lên tới 96 tỷ đồng.

Việc “ưu ái” dành ngót nghét cả trăm tỷ đồng cho vay một con nợ có lịch sử tín dụng không mấy sạch sẽ, liên tục thua lỗ và đã từng có nợ xấu nhóm 5 là một điểm cần lưu tâm đối với lãnh đạo Vietcombank.

Năm 2015, Công ty Đông Á và ông Cao Tiến Đoan còn từng bị đại gia Cao Văn Sơn tố “bùng” khoản nợ 52 tỷ đồng với ông và công ty Chứng khoán KVS. Theo nguồn tin của PV, Công ty Chứng khoán KVS đã khởi kiện Công ty Đông Á để đòi lại khoản nợ trên. 

Dấu hỏi năng lực tài chính của Công ty Đông Á và ông Cao Tiến Đoan không phải giờ đây mới được đặt ra. Trong giai đoạn xin cấp phép phê duyệt dự án Khu đô thị mới ven sông Hạc của doanh nghiệp này, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ông Mai Văn Ninh từng khẳng định: “Đây là một dự án lớn, liên quan đến gần 1.000 hộ dân ven sông Hạc phải di dời, trong khi chủ đầu tư và các cơ quan chức năng vẫn chưa trình bày được phương án khả thi. Đặc biệt chưa chứng minh được năng lực tài chính của chủ đầu tư, vì vậy UBND tỉnh chưa thể phê duyệt. Nếu nhà đầu tư chứng minh được năng lực tài chính, làm rõ được tính khả thi của dự án, tỉnh sẽ phê duyệt. Nếu nhà đầu tư thấy không đủ năng lực thực hiện dự án, phải nhanh chóng báo cáo để UBND tỉnh có phương án khác".

Nghi Điền – Thủy Tiên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.