Mới đây, một vụ việc vừa được cơ quan công an phát hiện tại TP.HCM khiến dư luận vô cùng bàng hoàng. Hai năm trời, 21 em nhỏ (tuổi từ 12-16, thường trú huyện Mường Ảng và Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) đã bị biến thành nô lệ tại một xưởng may tư nhân. Nghe lời dụ dỗ của các đối tượng lừa đảo, các em vào TP.HCM làm việc mang theo ước mơ kiếm được nhiều tiền gửi về giúp đỡ người thân. Tuy nhiên, khi đến đây, những đứa trẻ mới biết mình đã rơi vào "địa ngục trần gian".
21 đứa trẻ được giải cứu khỏi xưởng may có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc 16h30' ngày 14/11
Gần hai năm nay, hai xưởng may của ông Nguyễn Văn Túy (36 tuổi, quê Thái Bình) và ông Hoàng Văn Việt (53 tuổi, quê Bắc Giang, cùng trú tại quận Tân Phú, TP.HCM) lúc nào cũng sáng đèn, hoạt động suốt đêm ngày. Tại con hẻm 91 (đường Trần Tấn, khu phố 7, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.HCM), người dân tỏ ra vô cùng "khâm phục" về sức làm việc thâu đêm của xưởng may này. Sau một thời gian dài tìm hiểu, người dân đã phát hiện ra hai xưởng may thực chất là "địa ngục" đang "giam giữ" 21 đứa trẻ. Chúng đang phải làm việc suốt ngày đêm trong tình trạng kiệt sức.
Trao đổi với PV, chị N.T.M (43 tuổi, một hộ dân sống gần khu vực xưởng may) bức xúc: "Vì chủ nhà không cho các em ra ngoài, lại còn đe dọa không được nói với ai nên chúng tôi không hề hay biết. Gần một năm trở lại đây, người dân tại khu vực này phát hiện nhiều dấu hiệu lạ nên để ý, theo dõi".
Anh Trần Tiến T. (32 tuổi, một người dân ngụ gần xưởng may) cho hay: "Không hiểu sao họ lại có thể đối xử với những đứa bé như vậy. Bọn trẻ làm việc cả ngày mà chỉ nhận được 750 ngàn đồng/tháng. Thậm chí, chúng còn phải làm thâu đêm suốt sáng. Với cường độ làm việc như vậy, người lớn còn chẳng chịu được nói gì đến trẻ em".
Lợi dụng lúc chủ xưởng may không cảnh giác, người dân sống gần đó liền đến hỏi thăm các em. Lúc này, những đứa trẻ cầu cứu và nói rằng đang bị chủ xưởng may bóc lột sức lao động và thường xuyên bị đánh đập. Ngay lúc đó, sự việc được báo lên cơ quan chức năng. Sau khi nghe phản ánh từ người dân, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội C45 (Cơ quan phía Nam của bộ Công an) đã phối hợp với cơ quan chức năng quận Tân Phú theo dõi hoạt động của hai xưởng may này. Qua nhiều ngày mật phục theo dõi, các trinh sát C45 phát hiện hai xưởng may trên sử dụng lao động trái phép và có dấu hiệu bóc lột, hành hạ, ngược đãi trẻ em.
Vào trưa 12/11, C45 đã cử thêm trinh sát ở Hà Nội vào TP.HCM và phối hợp với chính quyền quận Tân Phú kiểm tra hành chính hai xưởng may. Tại đây, 21 trẻ em (9 nam, 12 nữ), độ tuổi từ 12 - 16 đang làm việc trong tình trạng kiệt sức, mặt mũi bơ phờ do thiếu ngủ, một số em có dấu hiệu bị bệnh nhiều ngày... Nạn nhân có thời gian làm việc ở đây lâu nhất là hai năm, còn ít nhất là 4 tháng. Ngay sau đó, các em và chủ của hai xưởng may được đưa về trụ sở công an phường Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú) lấy lời khai.
Tại Cơ quan CSĐT, hầu hết các em đều run sợ khi nhắc lại đòn hành hạ, đánh đập của hai chủ xưởng may trong một thời gian dài. Được sự động viên của cán bộ điều tra, các em khai nhận quê ở huyện Mường Ảng, Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên). Cách đây hai năm, các em được một người phụ nữ tên L.T.K (người từng làm ở hai cơ sở may này) đưa vào TP.HCM làm việc. Người phụ nữ này đã thuyết phục gia đình các em rằng, vào TP.HCM, công việc vừa nhàn hạ lại có nhiều tiền. Thậm chí, đối tượng K. còn cho gia đình các em ứng trước tiền công từ 1 - 3 triệu đồng để làm tin.
Tuy nhiên từ ngày đầu tiên vào làm, các em phải làm quần quật suốt ngày. Bình quân, những đứa trẻ phải lao động từ 10 - 14 tiếng/ngày. Thậm chí, nhiều đứa trẻ còn ngất xỉu vì mệt khi ông chủ bắt "tăng ca" liên tục từ 7h sáng hôm trước đến 1-2h sáng hôm sau.
Dù phải làm việc hết "công suất" nhưng tiền công mà các em nhận được chỉ từ 750 ngàn đồng - 800 ngàn đồng/tháng. Những đứa trẻ tội nghiệp cho biết, vì gia đình đã nhận tiền nên các em phải cố gắng làm việc. Mỗi khi xảy ra sơ suất trong công việc, các em liền bị chủ xưởng may chửi bới thậm tệ. Ngoài việc ăn uống không được quan tâm, có em còn bị chủ xưởng dùng ghế phang vào người. Tiền công ít nhưng các em cũng không được chủ xưởng may trả thường xuyên theo tháng. 1-2 năm, hai chủ xưởng may phát tiền công một lần.
Em Lò Thị H. (12 tuổi) cho biết, hai ông chủ đều xây xưởng may kiểu khép kín. Khi vào đây, chỉ cần đóng cửa chính, xưởng như một khu biệt giam. "Ông chủ bắt chúng em phải thuộc quy định, khi gặp bất cứ ai tuyệt đối không được nói chuyện. Nếu bị phát hiện sẽ bị trừ lương và ăn đòn nhừ tử", em H. cho biết.
Nhớ lại khoảng thời gian làm việc đến kiệt sức, em Lò Văn H. cho hay: "Em vào đây được hai năm nhưng chưa bao giờ được về thăm nhà. Lúc mới vào, họ nói công việc nhàn hạ lắm. Nhưng vừa đặt chân đến xưởng, ông chủ đã bắt bọn em làm quần quật suốt ngày đêm. Một ngày bọn em chỉ được nghỉ ngơi khoảng 4-5 tiếng. Thậm chí, nhiều bạn vô tình may quần áo bị lỗi, ông chủ liền đánh đến thâm tím người".
Tại cơ quan công an, em Lò Văn H. (16 tuổi) cho biết: "Nhiều khi bọn em lên kế hoạch bỏ trốn nhưng không thành. Trước đó, tại hai cơ sở may đã có ba bạn trốn thoát, nhưng không biết bây giờ lưu lạc ở đâu".
Không cho nạn nhân nói chuyện điện thoại với người thân Ngay sau khi Cơ quan CSĐT giải cứu thành công 21 lao động trẻ em, lực lượng trinh sát liên lạc với gia đình các em để tìm hiểu thêm về hoàn cảnh gia đình. Mẹ em Lò Văn Hải cho biết: "Cách đây khoảng hai năm, có người phụ nữ tên K đến nhà tôi thuyết phục gia đình cho hai đứa con vào TP.HCM làm việc để kiếm tiền. Người này bảo trong đó kiếm tiền dễ lắm. Sau đó, cô ta ứng trước tiền công mỗi đứa 1,5 triệu đồng. Trong thời gian các con làm việc tại xưởng may, tôi liên lạc nhưng ông chủ không cho gặp. Ông ta chỉ trả lời qua loa là các cháu đều khỏe". |
Q. Triều - C.Thư - T.Trần