Theo TS.BS Tô Thanh Phương, Trưởng khoa Nữ (bệnh viện Tâm thần Trung ương I), thời gian gần đây bệnh viện tiếp nhận trường hợp trẻ 12, 13 tuổi phải vào điều trị tâm thần vì nghiện điện thoại thông minh và mạng xã hội.
Đó là trường hợp của cháu Trần Thành Nam. Mặc dù mới 12 tuổi và đang là học sinh cấp 2 nhưng Nam đã được bố mẹ trang bị cho điện thoại thông minh. Những tưởng sau khi có điện thoại sẽ dễ quản lý con trai khi bố mẹ bận rộn công việc và giúp con học tập tốt hơn nhưng từ khi có điện thoại, Nam chỉ cắm mặt vào đó mà quên ăn, quên ngủ. Khi ông bà hoặc bố mẹ thu điện thoại, Nam bắt đầu có những biểu hiện khác thường, khó kiềm chế được cảm xúc.
“Lúc gia đình đưa cháu tới chỗ tôi khám, trên tay cháu vẫn cầm chiếc điện thoại để chơi. Bố cháu có nói: “Con đưa điện thoại cho bố để bác khám cho con” nhưng cháu không tự giác đưa. Khi bị lấy mất điện thoại, cháu phản ứng khá gay gắt, lao vào đấm đá bố rất thẳng tay”, TS.BS Phương nói.
Qua thăm khám và quan sát tình trạng bệnh của cháu Trần Thành Nam, BS.Tô Thanh Phương nhận thấy cháu có những dấu hiệu của căn bệnh trầm cảm và nghiện điện thoại thông minh. Cụ thể, Thành Nam thờ ơ với tất cả mọi thứ xung quanh, sống thu mình, không muốn giao tiếp với bất cứ ai…
Một trường hợp khác là cháu Nguyễn Gia Thanh (13 tuổi), Thanh thường xuyên vào mạng xã hội chơi và nói chuyện với bạn bè.
Vì sử dụng mạng xã hội quá nhiều nên Thanh đã xuất hiện ảo giác và có phản ứng tiêu cực khi xem những lời bình luận chê bai cháu trên mạng xã hội. Thanh bị trầm cảm kèm ảo giác và cần phải được điều trị.
Theo đánh giá của TS.BS Tô Thanh Phương, hiện nay, một bộ phận trẻ nhỏ được bố mẹ cho sử dụng điện thoại thông minh sớm, trẻ dùng thiết bị đó vào mạng xã hội và ngày càng nghiện. Điện thoại thông minh và mạng xã hội vô tình trở thành nguy cơ khiến một số trẻ nhỏ bị mắc bệnh trầm cảm với các biểu hiện rối loạn giấc ngủ, học tập giảm sút, giảm các mối quan hệ…
Nếu không có điện thoại thông minh để sử dụng, trẻ sẽ có cảm giác bồn chồn, khó chịu… Điều đáng nói, tuổi mắc ngày càng nhỏ hơn. "Việc sử dụng điện thoại mọi lúc, mọi nơi ảnh hưởng tới cuộc sống, học tập thì cha mẹ cần phải can thiệp sớm", BS.Phương nói.
Trong trường hợp trẻ xuất hiện những rối loạn tâm thần do sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm. Nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ giúp trẻ nhanh chóng quay trở lại cuộc sống bình thường.
“Để tránh những rối loạn trầm cảm ở trẻ nhỏ khi sử dụng điện thoại thông minh, các bậc phụ huynh tuyệt đối không cho trẻ sử dụng điện thoại. Nếu trẻ cần sử dụng điện thoại để liên lạc nhắn tin trao đổi học tập với thầy cô thì chỉ cần một chiếc điện thoại có chức năng nghe, gọi, nhắn tin là đủ. Trong trường hợp trẻ học tập cần dùng tới kết nối mạng thì cho trẻ sử dụng máy tính bàn cha mẹ có thể giám sát được trẻ”, TS.BS Tô Thanh Phương khuyến cáo.
*Tên nhân vật đã được thay đổi!
Nguyễn Huệ