Theo chân bà chạy lũ
Căn nhà của bà Lô Thị E. (60 tuổi) trú bản Minh Phương, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An nằm chênh vênh bên mép dòng sông Nậm Nơn. Trong ngôi nhà chẳng còn tài sản nào đáng giá ngoài chiếc xe máy cũ kỹ được phủ chăn kít mít ở góc nhà, bởi toàn bộ đã bị cuốn trôi trong đợt lũ giữa năm 2018.
“Lũ về nhanh quá, tôi chỉ kịp ôm cháu nội bỏ chạy. May mắn sau đó căn nhà chỉ bị cuốn trôi một phần, nên tôi mới nhờ mọi người di dời đến đây cho an toàn (cách chỗ cũ 1km). Giờ đất không có nên muốn tháo căn nhà đi chỗ khác mà không có chỗ ở nên gắng gượng ở tạm đây thôi”, bà E. rầu rĩ nói.
Hoàn cảnh gia đình bà E. khá khó khăn. Vài năm trước, cậu con trai duy nhất của bà E. bắt đầu rơi vào cảnh nghiện ngập rồi dính án vì ma túy. Sau khi con trai bị bắt giam, hoàn cảnh gia đình vốn đã khó khăn càng thêm chồng chất khi cô con dâu đã không chịu nổi đành bỏ lại đứa con mới vài tháng tuổi cho bà E. nuôi dưỡng để về sống với bố mẹ.
“Khổ quá nó không chịu được nên đã bỏ về với bố mẹ đẻ ở rồi. Vậy nên khi nhà bị cuốn trôi thì chỉ có 2 bà cháu tôi. May mà dân bản giúp đỡ chứ nếu không tôi cũng chịu thua. Giờ đây việc sống hàng ngày đối với tôi cũng quá sức rồi”, bà E. nói.
Người cháu nội của bà E. mới 2 tuổi chạy loăng quăng chơi khắp nhà, nhưng chốc chốc lại vào ôm chân bà. Đối với bé, bà vừa là cha vừa là mẹ, cháu cũng còn quá nhỏ nên không biết nỗi đau đó là gì. Ở đây, kẹo bánh đối với cháu là điều xa xỉ. Vì vậy ngày 1/6 cũng chỉ là một trong những ngày bình thường trong năm.
Được biết, hiện nay toàn xã Lượng Minh có 34 hộ, trong đó chủ yếu gồm các bản như: Bản Lả và Minh Phương bị ảnh hưởng sạt lở ven sông, thuộc thủy điện Nậm Nơn. Từ năm 2017, các hộ dân này được UBND tỉnh Nghệ An đưa vào dự án di dời khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn chưa có nhiều chuyển biến, người dân đang phải sống trong những lều bạt tạm bợ.
Cuộc sống như vậy nên các em nhỏ nơi đây cũng phải sống trong cảnh thiếu thốn. Nhiều em thậm chí còn không được đến trường, thậm chí mới 10 – 11 tuổi đã phải theo bố mẹ đi làm thuê. Chẳng em nào biết ngày Quốc tế thiếu nhi và cũng chẳng ai háo hức đón chờ.
Đeo khăn tang trong ngày tang cha
Căn nhà của em Lương Thị Bảo Ngọc (8 tuổi) trú bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương bao phủ không khí tang thương. Ngày Tết thiếu nhi nhưng Ngọc cùng người em trai chưa đầy 3 tuổi không dám cười đùa, lặng lẽ ngồi bậc thềm nhìn người dân đến thắp hương chia buồn với gia đình. Bởi mới cách đây 1 tuần, bố của em là anh Vi Văn M. (34 tuổi) vừa mới tử vong do đuối nước trên dòng sông Nậm Nơn.
Mấy ngày nay, người em út của Ngọc tuy còn quá nhỏ nhưng thấy mẹ và chị khóc nên cũng không dám đòi kẹo bánh như hằng ngày. Trong khi đó, chị Lương Thị Panh (25 tuổi, mẹ Ngọc) thì hết khóc lại nằm lả trong giường trước cú sốc kinh hoàng này.
Bảy năm trước, chị Panh cùng anh M. nên duyên vợ chồng với nhau. Cuộc sống đôi vợ chồng trẻ này gặp nhiều khó khăn, vất vả do không có nghề nghiệp ổn định. Ôm lấy hai đứa con thơ vào lòng, chị Panh nói trong nước mắt: “Anh ấy là trụ cột của gia đình, nay lại chết đột ngột thế này không biết 3 mẹ con phải làm sao nữa”.
Đôi mắt đỏ hoe khi nhìn về phía dòng sông vẫn đang hiền hòa chảy, người mẹ 2 con này vẫn chưa thể quên khoảnh khắc cả gia đình ôm nhau chạy lũ dữ. Ngày cuối tháng 8/2018, trận lũ lớn đổ về khiến một phần móng nhà của chị và bố chồng bị cuốn xuống sông. Sau trận lũ ấy, gia đình chị Panh cùng 11 hộ khác nằm trong diện phải di dời khẩn cấp nhưng đến nay vẫn đang phải bám trụ lại nơi này.
Cho đến ngày 23/5, anh M.cùng em trai Vi Văn Thân chèo thuyền để đánh bắt cá. Bất ngờ, đến khoảng 13h45, thủy điện Nậm Nơn xả nước khiến chiếc thuyền mỏng manh của hai anh em lật úp. Anh Vi Văn M. tử vong, còn em trai Vi Văn Thân may mắn được mọi người cứu sống. Sự việc được trình báo chính quyền địa phương, nhưng phải đến 16h, lực lượng cứu hộ mới vớt được thi thể nạn nhân cách vị trí gặp nạn khoảng 50m về phía hạ lưu...