Lãi lớn nhờ xen canh, sản xuất hữu cơ
Giữa lúc hàng trăm nông dân tỉnh Đắk Lắk oằn mình vét từng giọt nước để cứu vườn cà phê đang héo khô vì hạn, vẫn có không ít người nhàn nhã dưới tán cây xanh mướt, trĩu trái, nhờ bền bỉ theo đuổi mô hình phát triển bền vững.
Một ngày tháng 5 nắng gắt, PV Người Đưa Tin đến thăm khu vườn của ông Phạm Minh Tĩnh (trú tại buôn Ko Tam, xã Ea Tu, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Lúc này, ông Minh vừa bỏ xong phân bón hữu cơ cho vườn cây rộng 1ha, với 3 loại cây chủ lực: cà phê, hồ tiêu, sầu riêng. Nâng niu những cành cà phê đang xanh mướt, ông Tĩnh chia sẻ bí quyết để cây tránh được ánh nắng như muốn “thiêu đốt” tất cả. Đó là nhờ ông trồng xen 3 loại cây trên theo tỉ lệ phù hợp, tạo được bóng mát, giữ được mạch nước ngầm phục vụ cho mùa khô hạn.
“Trước đây, tôi chỉ trồng độc canh cây cà phê, năng suất cao (từ 4-5 tấn/vụ), nhưng rất bấp bênh, bởi điệp khúc “được mùa mất giá” và ngược lại. Trung bình mỗi năm, nhà tôi chỉ thu hơn 100 triệu đồng. Sau đó, tôi tham gia và được Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu (viết tắt là HTX Ea Tu), định hướng phát triển cà phê bền vững (hạn chế phân hóa học, tăng cường bón phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học) và bảo đảm chất lượng sau thu hoạch. Nhờ đó, vườn cây nhà tôi luôn xanh mát, tốt tươi, thu nhập cũng tăng hơn trước (từ 150-200 triệu đồng/năm). Hơn nữa, việc trồng các loại cây đa tầng trên cùng diện tích đã mang lại lợi ích quan trọng trong việc duy trì độ ẩm cho đất ngay cả khi thời kỳ nắng nóng kéo dài”, ông Tĩnh nói.
Cũng nhờ việc xen canh 3 loại cây nói trên đã giúp gia đình bà H’Yiam Mlô (trú tại buôn Ko Tam, thành viên HTX Ea Tu) tăng thu nhập lên hơn 300 triệu đồng/năm trên diện tích 3,4ha. Cùng diện tích này, trước đó, gia đình bà chỉ thu được chưa đầy 200 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, theo bà H’Yiam, việc sản xuất bền vững không chỉ góp phần tăng năng suất cà phê mà còn bảo vệ sức khỏe của người nông dân và môi trường, duy trì cảnh quan thiên nhiên xanh mát.
“Trước đây, chúng tôi chủ yếu sử dụng phân hóa học để bón cho cây cà phê. Tuy nhiên, việc bón phân hóa học lâu ngày không chỉ gây ô nhiễm môi trường, làm cho đất trở nên cằn cỗi mà cây trồng giảm sức đề kháng, dễ bị sâu bệnh tấn công và không có khả năng chống chọi trước thời tiết khắc nghiệt, trái cà phê thường có kích thước nhỏ. Đặc biệt, sức khỏe của người nông dân bị giảm sút”, bà H’Yiam chia sẻ.
Trong khi đó, việc áp dụng phương pháp bón phân hữu cơ mang lại rất nhiều lợi ích. Cây cà phê xanh tốt quanh năm và trái cà phê cũng có kích thước lớn hơn. Bón phân hữu cơ đã cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây, cải thiện cấu trúc đất và tăng khả năng giữ nước. Điều này giúp cây cà phê chống chịu tốt hơn với các tác động tiêu cực từ thời tiết, sâu bệnh và tăng cường khả năng chống mất mùa, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của cà phê.
Liên kết sản xuất bền vững
Cùng với việc áp dụng trồng đa canh và sản xuất bền vững, quá trình liên kết sản xuất cà phê đã mang lại rất nhiều lợi ích cho các thành viên của HTX Ea Tu.
Bà H’Yiam Mlô nói thêm, từ khi tham gia HTX, gia đình bà không còn phải gánh nợ vì vay mượn tiền để phục vụ sản xuất cà phê. Đồng thời, nhờ tham gia các buổi tập huấn do HTX tổ chức nên gia đình bà đã tích lũy và áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc sản xuất cà phê và mang lại hiệu quả cao.
Hiện nay, trên diện tích 3,4ha, gia đình bà H’Yiam thu hoạch khoảng 7 tấn cà phê nhân/năm, trong khi trước đó thu chưa đầy 5 tấn. Ngoài ra, gia đình bà còn thu được hơn nửa tấn tiêu mỗi năm, riêng sầu riêng đang chuẩn bị cho thu bói trong năm 2024...
Nhờ vậy, nguồn thu nhập của gia đình ngày càng được nâng cao (hơn 300 triệu đồng/năm), đặc biệt góp phần giúp cây cà phê phát triển bền vững trước mọi diễn biến khắc nghiệt của thời tiết.
Ông Trần Đình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Ea Tu thông tin, HTX Ea Tu được thành lập vào năm 2015, có 49 thành viên, với 60,4ha cà phê. HTX ra đời nhằm mục đích giúp cho người nông dân chủ động trong quá trình sản xuất, chế biến, bán hàng, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm.
Theo đó, khi tham gia HTX, người nông dân được hướng dẫn, tập huấn các kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch cà phê. Họ cũng không phải lo lắng về việc tiêu thụ, tiếp thị sản phẩm vì có thể bán cà phê trực tiếp cho các nhà rang xay mà không cần qua các đơn vị trung gian và mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Thậm chí, các thành viên của HTX còn được tặng phân bón, cây giống miễn phí.
Đặc biệt, quá trình liên kết, HTX Ea Tu thu mua cà phê giá cao hơn thị trường từ 1.000-20.000 đồng (tùy chất lượng cà phê), góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các thành viên.
Ông Trọng dẫn chứng, khi mới thành lập, HTX có 5% thành viên là hộ cận nghèo, phải vay vốn, vật tư nông nghiệp của các đại lý để phục vụ sản xuất. Thế nhưng, sau một thời gian liên kết sản xuất, đến nay, các thành viên đã thoát khỏi diện cận nghèo, vươn lên làm chủ cuộc sống.
Song song với các lợi ích trên, khi tham gia HTX, các thành viên phải tuân thủ quy trình chăm sóc, sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế bón phân hóa học; tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ nhằm bảo vệ sức khỏe của chính người nông dân, người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường.
HTX Ea Tu cũng yêu cầu các thành viên chỉ thu hoạch khi cà phê chín từ 80% trở lên. Bởi việc thu hoạch cà phê chín không chỉ nâng cao chất lượng mà còn tăng trọng lượng cho từng hạt cà phê. Từ đó, mang lại lợi ích kinh tế cao cho chính người trồng cà phê.
Để đạt được sự phát triển bền vững, HTX Ea Tu đã xây dựng thương hiệu Ea Tu cà phê theo hướng chế biến sâu, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Chưa hết, từ đầu năm 2024, HTX còn tận dụng cây cà phê già cỗi làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị cây cà phê, nâng cao thu nhập cho nông dân và tạo nguồn thu cho HTX.
Khánh Ngọc