Theo bản tin dịch Covid-19 sáng 17/7 của bộ Y tế, có thêm 2.106 ca mắc Covid-19, trong đó riêng TP Hồ Chí Minh có 1.769 ca. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 46.292 bệnh nhân. Hơn 4,2 triệu liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm chủng.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều ý kiến cho rằng sau khi cách ly F1 tại nhà, nên tiếp tục triển khai cách ly F0 tại nhà. Vấn đề đặt ra là làm sao để cách ly F0 tại nhà an toàn, kể cả khi bệnh nhân trở nặng?
Theo dõi F0 điều trị tại nhà
Từ trước đến nay tất cả các bệnh nhân Covid-19 (hay còn gọi là các F0) đều bắt buộc điều trị tại cơ sở y tế còn những người tiếp xúc trực tiếp (F1) đều phải cách ly tập trung. Tuy nhiên, tại đợt dịch lần thứ 4 này, với số ca nhiễm SASR-CoV-2 tăng cao, đặc biệt tại TP.HCM. Theo đó biện pháp cách ly, theo dõi, điều trị F0 biểu hiện nhẹ hoặc không có triệu chứng tại nhà cũng được một số chuyên gia y tế đặt ra.
Mới đây, theo hướng dẫn từ sở Y tế TP.HCM, ngoài việc đáp ứng các điều kiện bắt buộc theo quy định, người mắc Covid-19 khi cách ly tại nhà, phải tự khai báo đủ điều kiện cách ly tại nhà (theo mẫu), ký cam kết tuân thủ các quy định phòng chống dịch theo quy định.
Bên cạnh đó, người bệnh được hướng dẫn tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà: Đo thân nhiệt 2 lần/ngày, tự theo dõi và khai báo các triệu chứng qua phần mềm khai báo y tế điện tử, nếu có điều kiện hướng dẫn người bệnh tự theo dõi Sp02 tại nhà. Nếu Sp02 < 93% phải liên hệ trung tâm Cấp cứu 115 để được đưa đến bệnh viện gần nhất. Nếu có vấn đề sức khỏe, người bệnh liên hệ trung tâm y tế (TTYT) để được hướng dẫn khám sàng lọc.
Song song đó, người bệnh cũng sẽ được trung tâm y tế theo dõi sức khỏe 2 lần/ngày qua phần mềm Hệ thống khai báo y tế điện tử. Nếu người bệnh không khai báo y tế, TTYT sẽ sử dụng tin nhắn cài đặt tự động yêu cầu người bệnh tuân thủ.
Khi phát hiện người bệnh có triệu chứng hô hấp hoặc sốt trên 38°C với 2 lần liên tiếp, hướng dẫn người bệnh đến khám sàng lọc tại các bệnh viện quận, huyện, TTYT gần nhất. Khi đột ngột có triệu chứng nặng (khó thở, SpO2 < 93%...), gọi 115 để trung tâm Cấp cứu 115 điều phối xe đưa người bệnh đến bệnh viện điều trị.
Về vấn đề xét nghiệm, người bệnh sẽ được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày 7 và ngày 14 kể từ ngày xuất viện (lấy tại nhà hoặc hướng dẫn người bệnh đến điểm lấy mẫu theo quy định của địa phương) để đánh giá và có hướng xử trí tiếp theo phù hợp.
Sở Y tế hướng dẫn đối tượng thứ nhất được cho xem xét cách ly tại nhà là trường hợp không triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện. Nếu bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR ngày 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng vi rút thấp (chỉ số CT lớn hơn hoặc bằng 30), không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà nếu đảm bảo điều kiện an toàn, phòng chống lây nhiễm. Bệnh nhân sẽ được tiếp tục xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày thứ 14 và 21.
Lợi ích và rủi ro khi áp dụng cách ly F0 tại nhà
Theo các chuyên gia, ý thức của F0 khi về cách ly tại nhà rất quan trọng. Bên cạnh đó, gia đình, cộng đồng, chính quyền địa phương và các tổ Covid-19 cộng đồng cần có sự giám sát chặt chẽ.
Liên quan đến vấn đề F0 cách ly tại nhà, trao đổi với báo chí, ThS.BS Đồng Phú Khiêm, phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, lợi ích lớn nhất của chiến lược này giúp giảm tải cho hệ thống y tế, để các bệnh viện tập trung điều trị ca nặng.
Trên thực tế, thời gian bùng dịch vừa qua nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng phương án này khi số lượng bệnh nhân Covid-19 quá lớn. Một số bác sĩ Việt Nam cũng thường xuyên lên các diễn đàn tư vấn cho người Việt xa xứ cách tự theo dõi sức khỏe khi mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng.
Cũng chia sẻ liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đánh giá, việc theo dõi F0 tại nhà ngoài lợi ích giảm tải cho cơ sở điều trị còn giúp giảm nhân lực hậu cần và đỡ tốn kém về kinh tế.
Để được về nhà, F0 phải đáp ứng đủ các điều kiện của bộ Y tế như số lần xét nghiệm âm tính, nồng độ virus thấp,…
Tuy nhiên, những bệnh nhân này vẫn còn nhiều nguy cơ lây cho người khác bởi xuất viện khi chưa đủ 14 ngày. Nếu nhóm này không chấp hành nghiêm chỉnh quy định cách ly, rủi ro lây cho gia đình, cộng đồng rất lớn.
Thực hiện nghiêm các quy định về cách ly, giãn cách xã hội
Sáng 15/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với 27 tỉnh, thành phố khu vực phía nam từ Phú Yên đến Cà Mau về những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong phòng chống dịch Covid-19 trước bối cảnh tình hình dịch bệnh tại các địa phương này tiếp tục diễn biến phức tạp.
Kết luận hội nghị trực tuyến với 27 tỉnh, thành phố phía nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 6 mục tiêu quan trọng trong thời gian tới và chỉ đạo các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn để nhanh chóng, kịp thời ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh trước tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp hơn.
Thủ tướng yêu cầu tận dụng tối đa những “giờ vàng, ngày vàng, tuần vàng” khi đang thực hiện cách ly, quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa để mang lại cuộc sống bình thường, bình yên cho nhân dân.
Trước tình hình số ca bệnh tăng nhanh, các tỉnh TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Phú Yên, Long An… tập trung lấy mẫu, xét nghiệm tại các khu phong toả, tăng cường hoạt động tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng liên ngành để kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi vi phạm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Các tỉnh đang khẩn trương rà soát, lập phương án tăng cường thêm hàng nghìn giường điều trị, hàng chục nghìn chỗ cách ly, để sẵn sàng cho diễn biến dịch bệnh phức tạp hơn nữa.
Để đảm bảo đời sống cho người dân khi thực hiện giãn cách xã hội, nhiều tỉnh đã đa dạng hoá các kênh, hình thức cung cấp lương thực, thực phẩm; nhanh chóng hỗ trợ người lao động tự do, đối tượng khó khăn, người nghèo… theo Nghị quyết 68/NQ-CP; tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh, yêu cầu của người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Các địa phương đặc biệt quan tâm vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất trong khu công nghiệp, doanh nghiệp nhưng phải tuyệt đối an toàn. Nhân rộng mô hình “3 tại chỗ” (ăn nghỉ tại chỗ, cách ly tại chỗ, sản xuất tại chỗ); “hai điểm, một con đường” (nếu nơi sản xuất không có nơi bố trí ăn nghỉ thì phải bố trí bên ngoài và tổ chức xe đưa đón tập trung từ nơi nghỉ đến nơi sản xuất)...
Bắt đầu từ ngày 14/7, Việt Nam thí điểm cách ly F0 tại nhà, triển khai đầu tiên tại TP.HCM. Đối tượng F0 nằm trong diện này gồm:
- Nhân viên y tế, nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng.
- Các bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế. Nhóm này có thể xuất viện vào ngày thứ 10 khi đảm bảo 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30).
- Ca bệnh phát hiện tại cộng đồng không triệu chứng lâm sàng, nếu tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30) thì đưa vào cơ sở y tế cách ly và theo dõi. Sau 24h làm lại xét nghiệm, nếu tiếp tục có tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30) hoặc kết quả xét nghiệm âm tính thì cho xuất viện.
Tất cả các trường hợp mắc Covid-19 sau khi ra viện sẽ tiếp tục được theo dõi, giám sát tại nơi lưu trú trong 14 ngày tiếp theo.
Đối với người đã đủ tiêu chuẩn xuất viện nhưng trong thời gian tự theo dõi tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày, nếu tái dương tính thì không cần điều trị tại bệnh viện và không cần thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch. Nhóm này tiếp tục được theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ ngay với cơ sở y tế.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Trúc Chi (t/h)